Hai người chung một bóng

Hai người chung một bóng
TP - Hơn 20 năm, ngày nào cũng vậy, nắng cũng như mưa, không một lời kêu ca, phàn nàn, không một lời than thân, trách phận, Trần Thị Tuyết cõng anh trai tật nguyền phiêu bạt, lang thang khắp các tỉnh thành phía Bắc, ky cóp từng đồng bạc lẻ.

Thấy thấp thoáng bóng dáng liêu xiêu hai người cõng nhau từ xa, bà con xã Yên Mỹ rỉ tai nhau: “Anh em nhà cái Tuyết đấy! Dạo này trông cái Tuyết nó gầy quá các bà ạ..!”.

Một ngày mùa đông năm 1967, tại ngôi nhà nhỏ của vợ chồng ông Trần Quang Tình và bà Trần Thị Liễng ở thôn Thiện Mỹ, xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên, Nam Định, một bé trai bụ bẫm tên Trần Quang Thạnh cất tiếng khóc chào đời.

Lên bốn tuổi, Thạnh có thêm một em gái xinh xắn, ngoan ngoãn tên Trần Thị Tuyết. Hai anh em cùng lớn lên trong vòng tay yêu thương của cha mẹ.

Khi Thạnh 16 tuổi, Tuyết 12, cha bỗng qua đời. Không lâu sau, bà Liễng ốm, rồi theo chồng sang thế giới bên kia.

Nghỉ học. Làm thuê, làm mướn nuôi nhau. Cắt cỏ chăn trâu. Rửa bát thuê. Phụ hồ. Mò cua, bắt tép. Cuộc sống dặt dẹo như cỏ dại của hai anh em trôi đi trong thiếu thốn, đói, rét.

Năm Thạnh 19 tuổi, một tai biến khiến chàng thanh niên khỏe mạnh trở thành tàn phế. Hàng xóm giúp đỡ mỗi người một ít, Tuyết đưa anh lên bệnh viện Nam Định chữa trị. Thạnh mắc bệnh viêm tắc động mạch. Không chữa chạy kịp thời, các đốt chân, đốt tay, các khớp sẽ khô và rụng dần.

Chỉ với 100 nghìn đồng trợ cấp, biết lấy đâu ra tiền chữa bệnh cho anh trong khi hai anh em vẫn phải chạy ăn từng bữa,  số tiền mỗi lần điều trị bệnh của Thạnh lên tới 7 - 8 triệu đồng.

Sự giúp đỡ của mọi người vơi dần mà bệnh của Thạnh ngày càng nặng. Các ngón chân, ngón tay bắt đầu teo quắt, thối ruỗng, rồi rụng.

Chung một bóng

Hai người chung một bóng ảnh 1
Hai anh em nương tựa vào nhau... Ảnh : PV

Tuyết loạng choạng cõng anh trên lưng, lê từng bước nặng nhọc trên đường bụi mù mịt. Thỉnh thoảng Tuyết dừng lại để xốc anh lên. Bàn tay, bàn chân anh Thạnh không còn nữa; Mỗi khi có ai đó cho vài đồng tiền lẻ, chị lật đật gật đầu, liên tục cảm ơn.

Rất khó khăn, Tuyết nhẹ nhàng đặt anh từ trên lưng ngồi xuống. Lúc đầu do không quen, anh lại nặng, đêm về lưng đau ê ẩm, không ngủ được. Thương anh, chị cắn răng.

“Đêm hôm ấy trời mưa, em lại đang ốm, tiền viện phí lại hết. Em vẫn cố cõng anh đi xin mong kiếm được món tiền để đưa anh trở lại viện. Đường trơn, em ngã trẹo chân. Anh Thạnh văng ra xa, mặt úp xuống đất. Em không biết phải làm sao, chỉ gào khóc kêu cứu. Gần 30 phút sau, may có người đi qua nghe thấy, hai anh em mới sống được”.

Kể xong, Tuyết ngoảnh đi như không muốn anh trai nhìn thấy. Nước mắt chảy dài trên gương mặt hốc hác, xanh xao của chị.

Từ bấy đến nay đã hơn 20 năm, từ đông giá rét đến hè nắng gắt. Ngày nào chị Tuyết cũng cõng anh hơn 10 cây số rong ruổi khắp Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương,… Hầu như con đường nào cùng in dấu chân trần liêu xiêu của chị.

Không biết từ bao giờ hình ảnh hai con người nhưng luôn chung một bóng trở nên thân quen với những người làm việc trong Bệnh viện Y học Cổ truyền Hà Nội. Điều trị trong viện một thời gian, hết tiền chị lại cõng anh đi xin. Được món tiền chị lại cõng anh đến bệnh viện chữa trị.

Vòng luân chuyển cứ thế trôi đi. Hai anh em không còn nhớ nổi mình đã ra đi và trở lại bệnh viện này bao nhiêu lần.

Hai người chung một bóng ảnh 2
Mái nhà tranh của hai anh em dột nát, bốn bề trống hoác... Ảnh : PV

Mái nhà tranh của hai anh em dột nát, bốn bề trống hoác. Họ đang ở nhờ nhà goá phụ Cù Thị Cúc, người cùng thôn.

Căn phòng không có thứ gì đáng giá ngoài chiếc bàn thờ, manh chiếu rách, dăm cái bát sứt và chiếc ghế con để anh Thạnh lê trong nhà.

Tuyết cõng anh ra ngoài vệ sinh. Bà Cúc tâm sự: “Hai anh em chúng nó khổ là thế, nhưng sống có tình nghĩa lắm! Tôi cho chúng nó ở đây không lấy tiền. Nhưng thấy tôi già cả, hàng tháng hai anh em nó vẫn cố dành dụm đưa cho tôi năm chục ngàn”.

Trong câu chuyện, tôi có nhắc đến chuyện chồng con, ánh mắt Tuyết buồn sâu thẳm: “Từ lâu em không nghĩ đến chuyện lấy chồng rồi. Em đi lấy chồng, biết lấy ai chăm sóc anh em”.

Nhiều chàng trai thương hoàn cảnh, ngỏ ý muốn lấy chị. Anh Thạnh biết, bắt chị lấy chồng, nhưng chị Tuyết không nghe. Nhiều lần anh muốn tìm đến cái chết, may chị biết và cứu được.

Những lần như vậy hai anh em chỉ biết ôm nhau trong nước mắt. Nhưng điều chị lo nhất bây giờ là sợ anh “nghĩ quẩn”.

Anh Thạnh, năm nay bước sang tuổi 42, tâm sự: “Hai anh em là chỗ dựa duy nhất của nhau lúc này. Chẳng may một trong hai anh em có làm sao, chắc người ở lại sẽ không thể gượng dậy thêm một lần nữa”.

MỚI - NÓNG