Những thầy thuốc sẵn lòng “tử ư nghệ”

Những thầy thuốc sẵn lòng “tử ư nghệ”
TP - Những người thầy thuốc yêu nghề hết lòng vì bệnh nhân ấy không quản ngại hiểm nguy để hoàn thành sứ mạng cao cả của mình. Họ tận tụy làm việc bất chấp những thăng trầm của cuộc đời.
Những thầy thuốc sẵn lòng “tử ư nghệ” ảnh 1
Tác giả và bà Cao Thị Phin 19/2/2009. Ảnh: Đoàn Đức Chính

Hút đờm bệnh nhân lao

Bà Cao Thị Phin, sinh năm 1922, quê ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Bà mồ côi cả cha lẫn mẹ năm hơn 10 tuổi. Còn nhỏ, bà đi ở, lớn lên, làm thuê kiếm sống. Năm 27 tuổi, bà lấy chồng.

Ba năm sau, chồng qua đời, bà đưa các con, hai trai, một gái, lặn lội nhiều nơi... Năm 1955, bà vào làm hộ lý tại khoa lao, Bệnh viện Móng Cái. Đầu năm 1967, bà chuyển về làm hộ lý tại Trung tâm phòng chống lao, tỉnh Quảng Ninh, gọi tắt là Trạm K67.

Ngày ấy, bệnh lao còn là một trong “tứ chứng nan y” khó chữa, dễ lây - nỗi khiếp sợ của cả cộng đồng.

Nhiều bệnh nhân lao được đưa vào cơ sở điều trị rồi, người thân bỏ bê, hoặc mất hút. Từ chăm sóc, giặt giũ đến ăn uống, vệ sinh... cho người bệnh và cả việc tắm rửa, khâm liệm, mai táng (nếu họ chết)... đều do các bác sĩ, y sĩ, hộ lý đảm nhiệm hết!

Những ngày đầu, làm việc này, hãi lắm. Trước khi khâm liệm, phải nấu nước lá có hương liệu tắm, lau rửa tử thi rồi mới mặc quần áo sạch cho họ, trước lúc nhập quan... Chôn cất người bệnh xong, vào bữa ăn, thấy cơm, thấy thịt, chỉ muốn nôn. Đêm ngủ, hết chập chờn vì bị bóng đè, lại mơ thấy toàn những thây ma, co quắp... Nhưng làm mãi, cũng quen.

Có đêm, một mình bà, vừa tắm rửa, mặc quần áo cho người chết, vừa tự bế họ, đặt vào quan tài tại nhà xác, để sáng sớm 30 tết, khênh đi mai táng... Cứ tưởng mình làm được thế đã là can đảm lắm. Vậy mà ngày mới về làm hộ lý ở Trạm K67, lần đầu được chứng kiến bác sĩ trạm trưởng Trịnh Quang Khuê cấp cứu bệnh nhân lao sặc đờm, bà bủn rủn cả chân tay...

Bệnh nhân lao nặng, có người chỉ sau một cơn sốc ho ác tính, đờm và máu từ phổi trào lên, nếu không thông đờm ngay, chỉ vài phút sau, bệnh nhân có thể tử vong.

Ngày ấy, chưa có máy hút đờm hay máy thở. Gặp bệnh nhân sặc đờm, bác sĩ Khuê rất nhanh, ghé miệng mình vào miệng bệnh nhân, gồng người lên, mút. Cứ sau mỗi lần mút, ông lại nhổ ngụm đờm đặc quánh, lẫn cả máu, mủ vào cái bô, đặt cạnh đầu giường bệnh nhân.

Sau vài, ba phút được thông đờm, người bệnh thở được, thoát chết. Bằng cách ấy, ông đã giành giật lại cuộc sống cho hàng chục bệnh nhân lao, trong cơn nguy kịch.

Lần đầu, nhìn bác sĩ Khuê cấp cứu bệnh nhân lao sặc đờm, bà chết khiếp, đầu óc choáng váng, nôn nao như người say sóng. Một hôm, ông Khuê đi họp vắng, ở phòng số 2, một bệnh nhân ngoài 30 tuổi, cũng bị một cơn ho sặc đờm, khủng khiếp. Mặt anh ta phù, tím ngắt như quả bồ quân chín nẫu, chân tay co quắp, mắt trợn ngược... Bà hoảng quá, không kịp gọi ai, đành liều... Bà mút đến ngụm đờm thứ ba thì bệnh nhân thở được...

Còn bà thì, suốt hai ngày sau, không dám đụng đến lưng bát cháo, chỉ ngậm gừng cho đỡ nôn nao. Đi họp về, biết bà vừa thông đờm cho người bệnh, bác sĩ Khuê động viên: “Cứu một người phúc đẳng hà sa. Rồi chị sẽ sống lâu trăm tuổi”.

Mười sáu năm làm hộ lý ở đây, 13 năm, bà được bầu là chiến sĩ thi đua. Hai lần bà được đề nghị phong danh hiệu anh hùng, nhưng... Bà rất thanh thản chỉ còn duy nhất điều trăn trở: người cháu nội của bà đã tốt nghiệp trung cấp khoa điều dưỡng, lâu rồi, mà chưa xin được việc!

Người xứng đáng anh hùng

Những thầy thuốc sẵn lòng “tử ư nghệ” ảnh 2
Bác sĩ Trịnh Quang Khuê vui cùng cháu đích tôn sau ngày nhận quyết định nghỉ hưu

Bà Cao Thị Phin nói: “Người đáng được phong danh hiệu anh hùng, phải là bác sĩ Trịnh Quang Khuê. Để tôi kể ông nghe”.

Tóm tắt chuyện bà kể: Cuối năm 1963, bác sĩ Khuê đang công tác tại Bệnh viện Lao Trung ương thì được bác sĩ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phạm Ngọc Thạch, gặp riêng, động viên ông về Quảng Ninh, xây dựng Trung tâm phòng chống lao của tỉnh – vì ngày ấy, thợ mỏ mắc các bệnh về phổi, trong đó có bệnh lao chiếm tỷ lệ rất cao.

Được gợi ý đúng nghề nghiệp mình say mê, bác sĩ Khuê hào hứng xuống Quảng Ninh ngay.

Trạm K67 có bác sĩ Khuê là người giỏi chuyên môn, tận tụy với việc cứu chữa người bệnh, lại được Bộ Y tế đặc biệt quan tâm nên chỉ trong thời gian ngắn, trạm đã chữa khỏi cho gần một ngàn bệnh nhân lao ở giai đoạn tiến triển, và ngăn chặn có hiệu quả sự lây lan của căn bệnh này trên nhiều địa bàn của tỉnh... K67 trở thành lá cờ đầu về công tác phòng chống lao trên toàn miền Bắc của Bộ Y tế. Bác sĩ Khuê được bầu vào ban chấp hành Hội phòng chống Lao Việt Nam.

Mọi việc đang tiến triển tốt đẹp thì bác sĩ Khuê bị bắt tạm giam về tội lập “quỹ đen” – Một tội danh, ngày ấy bị coi là nghiêm trọng – Người tố cáo ông lại là một bệnh nhân lao thận nặng, được ông cứu sống...

Cơ quan điều tra còng tay, giải ông về, khám nhà. Trong nhà ông, chỉ có hai chiếc thùng, có nắp, đóng bằng gỗ hòm mìn, do thợ mỏ Mạo Khê tặng. Một chiếc đựng chăn, màn, quần áo của ông và vợ con. Chiếc kia nặng hơn, chứa toàn sách in, giới thiệu về các công trình nghiên cứu, và phương pháp phát hiện, điều trị các bệnh về phổi, cùng các thể lao ác tính...

Chiếc giường ông nằm là hai cái giường cá nhân ghép lại. Dưới bếp còn một chiếc hòm gỗ nhỏ hơn, trong hòm còn khoảng mười bò gạo, mấy khoanh mì sợi và một túi khoai lang ba, bốn cân, của người bệnh gửi biếu.

Sau 18 tháng bị tạm giam để điều tra,  ông Khuê được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đưa ra xét xử. Chưa bao giờ ở Quảng Ninh có một phiên tòa được dân quan tâm thế. Suốt 10 ngày xét xử, ngày nào dân cũng đến xem như trẩy hội.

Các luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo và đại diện Viện Kiểm sát, đứng quyền công tố, tranh tụng quyết liệt. Cuối cùng, công lý đã thắng: Thời bao cấp, các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm... phân phối cho cán bộ, công nhân đều bằng sổ và tem, phiếu, tháng nào mua tháng ấy, quá hạn là bỏ đi, “buốt lắm”.

Một số thầy thuốc của Trạm K67, thường luân phiên đi khám bệnh ở vùng sâu, vùng xa, có đợt hàng tháng. Ở nơi đó, không có quầy mậu dịch bán hàng, thu tem phiếu. Để cán bộ đi cơ sở yên tâm, bác sĩ Khuê cho thành lập một tổ căng – tin, vừa bán đồ giải khát cho bệnh nhân, vừa có trách nhiệm nhận tem, phiếu, tiền của người đi cơ sở, rồi cử người mua hàng, nhập kho... Người đi công tác về, cứ đến căng-tin nhận hàng và thanh toán sòng phẳng.

Các luật sư đã chứng minh, khoản tiền của người đi cơ sở gửi lại căng-tin để mua các tiêu chuẩn theo tem phiếu, không phải là quỹ đen... Hầu hết số người được tòa triệu tập về làm nhân chứng, trước kết tội ông Khuê cửa quyền, nhận hối lộ... nay đều phản cung trước tòa.

Một bà rưng rưng nước mắt khai: Con bà bị lao da đầu, tóc rụng gần hết, mủ chảy, kết thành mảng, tanh ngòm. Bố mẹ cháu ghê sợ, không dám đặt tay lên đầu con. Vậy mà, bác sĩ Khuê dùng nước lá, pha thuốc giảm đau, ủ lên cho các mảng tóc và mủ dính két lâu ngày trên đầu con bà bở ra...

Ông ngồi hàng giờ, dùng móng tay, tỉ mỉ, nhẹ nhàng, cạy sạch các lớp vẩy mủ, rửa sạch các vết loét, rồi bôi thuốc mỡ, băng lại. Sau ba lần thay băng, uống thuốc, các vết loét trên đầu cháu khô dần, lên da non, mọc tóc...

Tết năm ấy, bà đi tết bác sĩ Khuê ba cân gạo nếp, một chục trứng gà. Bác sĩ mừng tuổi cho con bà một hộp sữa bột. Lọ đường kính, còn đến năm, sáu lạng, ông bảo bà, đem về, để mùa hè, pha nước chanh cho cháu nó uống.

Ông còn cho cháu lọ thuốc mỡ, dặn bôi vào các vết loét chưa lành hẳn trên đầu cháu, để tóc nó mọc. Nếu kết tội hối lộ thì bà mới là người nhận hối lộ nhiều hơn, vì ngày ấy, hộp sữa bột quý lắm. Ba cân gạo nếp với một chục trứng, làm sao bằng được...

Nhưng sau 10 ngày xét xử, vào cuối phiên tòa (lúc 21 giờ 30), ông chủ tọa vẫn tuyên phạt ông Khuê 18 tháng tù giam (vừa khớp với thời gian từ ngày ông bị bắt đến lúc ông được tuyên, thả tại tòa).

Đêm hôm ấy, trên đường từ tòa án về nhà, ông đi giữa hàng trăm người dân (có cả những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo được ông cứu sống...) hộ tống. Những tràng vỗ tay mừng ông ra tù, ran như pháo nổ. Có người cao hứng, hô Công lý muôn năm...

Ở đâu, ông Khuê cũng tận tụy với người bệnh. 18 tháng ở trại giam, ông đã giúp các y sĩ, y tá tại trạm xá của trại, điều trị cho nhiều phạm nhân mắc các bệnh khó chữa. Ngay cả giám thị và một số quản giáo cũng nhờ ông thăm bệnh cho mình và người thân... Ông ra tù rồi, nhiều cán bộ của trại tạm giam trở thành thân hữu. Có phạm nhân mãn hạn tù, mấy năm liền, vẫn đến chúc tết ông...

“Tử ư nghệ”

Sau hơn 30 năm làm công tác nghiên cứu, phòng chống và điều trị các căn bệnh về phổi và bệnh nghề nghiệp, ông đang gấp rút hoàn tất các thủ tục để bảo vệ luận án phó tiến sĩ về chuyên khoa này thì bất ngờ nhận được quyết định nghỉ hưu…

Đúng là “sinh ư nghệ, tử ư nghệ!”. Về hưu vài năm, ông mắc chứng lao thận rồi suy thận. Bảy năm cuối đời, ông thường xa nhà, nằm miết tại Hà Nội để mỗi tuần ba lần phải chạy thận nhân tạo.

Suốt cuộc đời tận tụy hy sinh cho sự nghiệp vì người bệnh, ông đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân mắc những bệnh hiểm nghèo, nhưng ngày ra đi, ông vẫn chỉ là một bác sĩ chuyên khoa cấp II kỳ cựu. Song, ông đã để lại trong lòng nhân dân vùng mỏ một thần tượng về người thầy thuốc nhân ái, tận tụy, hết lòng vì sự nghiệp.

Quảng Ninh, 2/2009

MỚI - NÓNG
Cụ bà 102 tuổi vẫn ‘hít đất’ hằng ngày, đi xe máy hàng chục cây số
Cụ bà 102 tuổi vẫn ‘hít đất’ hằng ngày, đi xe máy hàng chục cây số
TPO - Ở cái tuổi xưa nay hiếm, cụ Nguyễn Thị Kết, 102 tuổi, ở xã Long Hà (huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) vẫn vô cùng khỏe mạnh, ngồi xe máy đi hàng chục cây số, tập thể dục hít đất mỗi ngày, chinh phục được tòa nhà cao nhất Việt Nam. Cụ vẫn nhớ được hết tên cùng tính cách của toàn bộ con, cháu trong gia đình.
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.