Bại não vào đại học

Bại não vào đại học
TP - Hàng trăm đại biểu nghe sinh viên (SV) Đặng Đình Quý tâm sự bằng giọng ngọng nghịu của người mang di chứng bại não về những năm tháng gian truân vượt qua hoàn cảnh ngặt nghèo, tủi cực để chinh phục giảng đường, viết kịch bản phim…
Bại não vào đại học ảnh 1
SV Đặng Đình Quý báo cáo thành tích tại một hội nghị

Bị bại não từ khi vừa lọt lòng mẹ trải qua bao đợt phẫu thuật thập tử nhất sinh và mãi đến khi được bốn tuổi rưỡi, Quý mới chập chững bước những bước đầu tiên. Di chứng của bệnh bại não khiến Quý phát âm thiếu chính xác, tay co cứng và đôi chân yếu.

“Nhiều lần té đau, chân tay, mình mẩy bị trầy xước, chảy máu nhưng tôi rất ít khóc vì sợ người khác nhìn thấy. Mỗi khi ngã, tôi muốn tự mình đứng lên và bước đi tiếp chứ rất ngại khi có ai đó đỡ mình dậy” – Quý tâm sự. 

“Bạn ấy rất thông minh, ham học nhưng do bị tật bẩm sinh nên viết quá chậm làm ảnh hưởng nhiều đến thành tích học tập. Tuy nhiên, chúng em rất khâm phục ý chí vượt qua nghịch cảnh để học hành và sống có ích của Quý” – Nguyễn Thị Xuân (bạn cùng lớp của Quý) chân tình nói.

Bố mẹ Quý rời bỏ quê hương Hưng Yên để kiếm kế sinh nhai ở Tây Nguyên xa xôi, nắng gió, vùng kinh tế mới Lâm Hà (Lâm Đồng).

Tập luyện, nhiều khi đến bật máu ngón tay và chảy nước mắt, cuối cùng Quý cũng cầm được bút và học đến lớp 9.

Gia đình không đủ điều kiện cho Quý tiếp tục đến trường. May thay, một lương y ở Đà Lạt trợ cấp cho Quý học lớp 10 bổ túc văn hóa; sau đó bố mẹ tằn tiện tích góp cho học hết cấp III. Và Quý đã bước chân vào giảng đường đại học.

Quý còn được vào vòng ba học bổng IPL “Hạt giống lãnh đạo” và vừa được tỉnh Lâm Đồng biểu dương khen thưởng, được chọn báo cáo điển hình tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bốn năm là SV Quản trị – Du lịch Trường Đại học Yersin Đà Lạt là bấy nhiêu năm Quý phải nỗ lực bội phần so với các bạn cùng lớp.

“Nhìn dáng đi phết phẩy của Quý, tôi lo cậu ấy sẽ bị ngã suốt ngày. Thế nhưng, không hiểu cậu ấy tập luyện thế nào mà luôn đứng vững trên đôi chân yếu ớt của mình.

Bốn năm trọ học ở nhà tôi, Quý rất thật thà, siêng năng và có năng khiếu đặc biệt về viết lách. Cậu ấy viết hai kịch bản dài gởi cho các hãng phim truyền hình” – anh Định (chủ nhà trọ số 36 Vạn Kiếp) cho biết.

Quý tâm sự rằng hai kịch bản phim “Những mùa hè đã qua” và “Con đường mới” đã được Hãng phim Truyền hình Việt Nam và Phim truyện Việt Nam tiếp nhận.

Anh đang tiếp tục viết kịch bản “Mùa mai anh đào” dài khoảng 30 tập nhằm giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về vẻ đẹp của thành phố hoa Đà Lạt. 

Ghi nhận những nỗ lực phi thường của anh SV mang di chứng bại não Đặng Đình Quý, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng trao tặng học bổng “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam”, Ngân hàng Sacombank trao học bổng “Ươm mầm ước mơ”.

MỚI - NÓNG