Chuyện về ông Một “viêm xoang”

Chuyện về ông Một “viêm xoang”
TP - Chỉ nặng chưa đầy 30 kg, đôi chân bại liệt từ nhỏ, nhưng từ mấy chục năm nay, lương y Lê Văn Một (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) chữa bệnh miễn phí cho những người dân nghèo. 

Đọc hết bảy tập hồi ký của lương y Lê Văn Một, tôi mới cảm nhận được hết nỗi bất hạnh tuổi thơ của ông. Trong tập đầu tiên có đoạn: “Tôi làm gì hưởng được dù chỉ là một phần nhỏ hạnh phúc của tuổi thơ, được vui đùa, chơi giỡn như bao đứa trẻ nguyên lành khác.

Những năm tháng đó thay vì biết lật, biết bò, biết chạy…theo từng tuổi lớn thì tôi chỉ nằm bất động một chỗ, suốt ngày ngửa mặt nhìn lên mái nhà rách nát ...”.

Là con thứ 12 trong một gia đình có tới 14 đứa con, từ lúc lọt lòng ông đã bị bại liệt cả chân, tay và nửa thân người. Mặc cảm số phận, lại bị cha mẹ ghét bỏ, năm lên 9 tuổi, vì không muốn suốt ngày ăn nằm một chỗ, cậu bé tật nguyền Lê Văn Một đã âm thầm tập luyện: “Vẫn với tư thế nằm ngửa miên tưởng đó, tôi gồng mình chịu đau, cố rướn mình lấy hai tay ôm lấy đôi chân ráng sức co, duỗi. Cuối cùng năm lên 10 tuổi, sau hơn một  năm tập đi, tôi đã có thể đứng dậy được” - ông Một tâm sự.

Năm 14 tuổi, Lê Văn Một xin bố mẹ cho đi học, nhưng không có trường nào nhận cậu học sinh tật nguyền như thế. May mắn, sau đó mấy tháng, có một người thầy mà sau này được ông nhắc lại rất nhiều trong  hồi ký của mình chấp nhận ông làm học trò “đặc biệt”. Nhờ chăm chỉ cần cù và cộng với một chút thông minh, nên dù tật nguyền, chỉ hơn một năm Lê Văn Một đã biết đọc, biết viết.

Rồi một ngày, ông đã táo bạo chống nạng gỗ ra bến xe vào Sài Gòn “kiếm kế mưu sinh”. Những ngày đầu vào thành phố, tiền không có lấy một đồng, suốt mấy tháng liền ông nằm ở gầm cầu, đi ăn xin và lang thang đi tìm việc làm thuê.

Trong lúc tuyệt vọng, có một ông chủ nhà may đã nhận ông về lo cho ăn học, chăm sóc cho từng miếng cơm, giấc ngủ rồi dạy nghề may cho ông.  Cuối cùng, tại xưởng may này tình yêu của ông với cô gái đồng cảnh ngộ đã nảy nở và đơm hoa. Hai người làm đám cưới rồi đưa nhau trở về quê nhà lập nghiệp.

Từ bỏ nghề may, ông học nghề làm thuốc chữa bệnh viêm xoang truyền thống của gia đình. Những năm đầu do thiếu kinh nghiệm, bệnh nhân đến chữa bệnh ít, cuộc sống gia đình ông gặp vô vàn khó khăn: “Có lúc tôi bị gãy chân, vợ bị mổ, 5 đứa con, đứa lớn chưa đầy 10 tuổi, gia tài trong nhà đều bán sạch để chữa bệnh. Gia đình hai bên nghèo đói nên chẳng giúp được gì. Những lúc tuyệt vọng đó tôi chỉ muốn tìm đến cái chết ...”.

Lương y của dân nghèo

Ông Lê Trung Chính - Giám đốc Bệnh viện y học cổ truyền Đà Nẵng, phó chủ tịch Hội Đông y Đà Nẵng, cho biết: “Ông Lê Văn Một là một lương y rất giỏi trong chuyên môn điều trị viêm xoang, đã được Sở y tế Đà Nẵng tặng Huy chương Vàng về sản phẩm đạt chất lượng hoàn hảo.

Sản phẩm của ông đặc biệt không bán ra thị trường, nên có nhiều người lợi dụng uy tín của ông để lưu hành hàng giả kém chất lượng.

Cho đến bây giờ ông Một cũng không thể nhớ rõ số lượng bệnh nhân nghèo được ông chữa bệnh viêm xoang không lấy tiền là bao nhiêu người: “Tôi sinh ra chịu rất nhiều bất hạnh, được mọi người cưu mang để có ngày hôm nay. Bây giờ còn sức, tôi muốn chữa bệnh và đem lại niềm vui cho những người nghèo bất hạnh giống như tôi” - ông Một bùi ngùi nói.

Cứ mỗi năm, ông Một lại chữa bệnh cho khoảng 30-40 bệnh nhân nghèo không lấy một đồng. Chính vì vậy mà số lượng người nghèo từ khắp nơi về đây chữa bệnh ngày một đông.

Từ Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, có cả những bệnh nhân ở tận nước ngoài cũng điện thoại nhờ ông kê đơn bốc thuốc và chỉ dẫn cách điều trị bệnh viêm xoang. Hơn 30 năm từ khi còn chống nạng gỗ đến khi ngồi trên chiếc xe lăn ba bánh, ông đã đi đến nhiều nơi, nhiều nhà bệnh nhân nghèo để chữa bệnh.

Trong số những bệnh nhân nghèo đến chữa bệnh tại đây ông thương nhất là vợ chồng anh Võ Vàng và chị Dương Thị Thúy Như, quê ở đội 11, thôn Liên Trì, xã Bình Hiệp, Bình Sơn (Quảng Ngãi).

Gia đình anh chị đặc biệt khó khăn, làm nghề nông lại có tới 5 đứa con, cả hai vợ chồng mắc bệnh viêm xoang mãn tính. Nếu chạy chữa ở ngoài tốn rất nhiều tiền.

Ông Một đã đưa họ về nhà lo cho ăn ở, rồi chữa bệnh cả tháng trời mà không lấy tiền. Đến khi vợ chồng khoẻ mạnh, ông còn mua quần áo, cho tiền xe và mua cho hai chiếc điện thoại để tiện liên lạc trong điều trị.

Hiện nay tại cơ sở 1 ở 121 - Nguyễn Lương Bằng, quận Liên Chiểu và cơ sở 2 ở nhà ông tại 233 - Điện Biên Phủ, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) những bệnh nhân nghèo cũng đang được ông điều trị miễn phí.

Chị Nguyễn Thị Hương, nhà ở đường Điện Biên Phủ, tâm sự: “Hiếm có người thầy thuốc nào như vậy lắm. Sống ở gần ông 20 năm, tôi biết ông là một người luôn làm việc thiện. Đặc biệt ông rất yêu thương người bệnh, nhất là những người nghèo”.

Tấm lòng của ông đã được đền đáp. Ngoài người con gái là y sỹ Lê Thị Mai Trang theo nghiệp bố, bốn người con trai của ông bây giờ đều đã thành đạt, có những người là giám đốc công ty ở Đà Nẵng và TP HCM…

MỚI - NÓNG