GS Yumio Sakurai: Tôi yêu Việt Nam

GS Yumio Sakurai: Tôi yêu Việt Nam
TP - “Lần đầu tiên, người Việt Nam vinh danh công trình nghiên cứu về Việt Nam của các nhà nghiên cứu nước ngoài. Đây không chỉ là vinh dự dành cho tôi, mà cho tất cả những nhà nghiên cứu Việt Nam học người nước ngoài”.
GS Yumio Sakurai: Tôi yêu Việt Nam ảnh 1
GS Yumio Sakurai

GS người Nhật Yumio Sakurai trả lời Tiền Phong trước lễ trao giải thưởng Việt Nam học.

Cảm giác của giáo sư khi biết tin được trao tặng giải thưởng Việt Nam học?

Tôi bắt đầu nghiên cứu Việt Nam từ năm 1965. Việt Nam học là công trình nghiên cứu về người Việt Nam mà lại được người Việt đánh giá cao, nên đây là vinh dự không chỉ dành cho tôi, mà cho tất cả những nhà nghiên cứu nước ngoài. Giải thưởng này rất có ý nghĩa đối với việc phát triển ngành Việt Nam học trên thế giới.

Giáo sư có thể cho biết những nghiên cứu tiếp theo sau dự án nổi tiếng về làng cổ Bách Cốc?

Dự án về làng Bách Cốc bắt đầu từ năm 1994 và bây giờ tôi vẫn tiếp tục dự án đó với việc nghiên cứu về quá trình thị trường hóa. Hiện nay tôi đang nghiên cứu về lịch sử Hà Nội 1.000 năm tuổi. Công trình bắt đầu từ năm 2004.

Tôi đã và đang tiến hành phỏng vấn hơn 200 gia đình ở các quận Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng; mục đích chủ yếu là sưu tập các trải nghiệm của các gia đình Hà Nội cho lịch sử hiện đại.

Sau đó phân tích và tổng hợp về lịch sử thị dân Hà Nội. Ngoài ra, tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu về lao động địa phương và chính sách khu công nghiệp mới của Việt Nam.

Chắc hẳn ông sẽ bận rộn mỗi lần trở lại Việt Nam?

Lễ trao giải thưởng Việt Nam học do Quỹ Phan Châu Trinh tổ chức diễn ra sáng 27/3 tại Hội trường Ngụy Như Kon Tum, Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS. TS Yumio Sakurai (Nhật) và GS.TS David G. Marr (Australia) là hai học giả nước ngoài đầu tiên được trao tặng giải thưởng này.

Đúng vậy, tôi là một trong những người tổ chức lễ hội hoa anh đào sẽ diễn ra từ 10/4 đến 12/4 tại Sân vận động Quần Ngựa, Hà Nội.

Bên cạnh giới thiệu văn hóa dân gian Nhật Bản thông qua các điệu múa, giới thiệu về các Cty của Nhật đang làm ăn ở Việt Nam, chúng tôi sẽ có một hội thảo khoa học vào ngày 11/4 công bố các công trình nghiên cứu về Việt Nam như nghiên cứu về trục trung tâm thành phố Hà Nội của tôi, về di tích Thăng Long - Hà Nội của GS Veno Kunikazu, bản đồ điện tử lịch sử Hà Nội của GS Mamoru Shibayama…

Từ năm ngoái, tôi nhận lời mời sang giảng dạy về xã hội Việt Nam cho sinh viên Việt Nam tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Đó là vinh dự lớn nhất đối với người nước ngoài như tôi. Năm nay, thêm một số trường đại học tại Việt Nam mời tôi giảng dạy như Đại học Bình Dương.

Một người nước ngoài giảng dạy về xã hội Việt Nam và giảng dạy bằng tiếng Việt, quả là đặc biệt?

Vâng, mặc dù tôi nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1965, nhưng chủ yếu thông qua các tài liệu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Kể từ 1985, khi là tùy viên văn hóa Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, tôi mới có cơ hội tiếp xúc với người Việt và học tiếng Việt.

Tôi hoàn toàn tự học tiếng Việt, chứ không qua trường lớp nào cả. Có thể do tôi phát âm chưa chính xác, nhưng nội dung rất dễ hiểu. Như lúc đầu mới nói chuyện với tôi, chắc bạn chưa hiểu ngay những điều tôi nói, còn bây giờ chắc là hiểu rồi chứ ? (cười)

Giáo sư sẽ dành trọn cuộc đời mình cho các nghiên cứu về Việt Nam?

Kết luận của 44 năm nghiên cứu Việt Nam học là tôi yêu quí đất nước Việt Nam, yêu thích người Việt Nam.

GS.TS Yumio Sakurai là Hội trưởng Hội Nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam. Ông nhận bằng Tiến sĩ sử học tại Đại học Quốc gia Tokyo (1987) với đề tài Tìm hiểu sự thành lập làng xã Việt Nam.

Năm 1992, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ nông nghiệp tại Đại học Quốc gia Tokyo với đề tài Lịch sử khai thác thủy lợi trên đồng bằng sông Hồng.

Các công trình này tạo nên nền tảng lý thuyết cho dự án làng Việt cổ Bách Cốc được ông và đồng nghiệp triển khai với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam & Giao lưu Văn hóa liên tục 15 năm qua.

Lan Anh thực hiện

MỚI - NÓNG