Chuyên gia lọc dầu người Việt tầm thế giới

Chuyên gia lọc dầu người Việt tầm thế giới
TP - Tháng 2, những dòng dầu mang thương hiệu Việt bắt đầu chảy. Đó là công sức của hàng trăm chuyên gia, kỹ sư, công nhân… ở công trường Dung Quất mà kỹ sư trẻ Đinh Văn Ngọc là một trong những đầu tàu.

Kỹ sư trẻ Đinh Văn Ngọc vừa được Trung ương Đoàn bầu chọn là một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2008.

Tuổi thơ vất vả

Quỹ thời gian eo hẹp, gấp gáp của một Phó Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất kiêm Phó Tổng giám đốc phụ trách Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, khiến câu chuyện giữa tôi với anh Đinh Văn Ngọc cũng phải chắp nối nhiều lần, lúc tại văn phòng, khi thì rong ruổi trên đường đến nhà máy.

Một câu chuyện xúc động bắt đầu từ thời thơ ấu đầy cực nhọc trong giai đoạn đất nước vừa giải phóng và một quá trình phấn đấu, học tập không biết mệt mỏi.

Đinh Văn Ngọc sinh 1973 tại Mỹ Đức – Hà Tây (nay là Hà Nội), một vùng đồng bằng nhỏ ven núi đồi, nơi đất cằn sỏi đá và con người đặc biệt vất vả. Bố Ngọc là ông Đinh Văn Ngôn - một cán bộ dầu khí chuyên về lĩnh vực thăm dò địa chất, nên thường xuyên vắng nhà.

Ngọc trầm ngâm: “Mình là con cả trong nhà có 3 anh em, bố đi làm xa nên vừa giúp mẹ việc vặt, vừa phải trông em. Hồi đó còn làm công trong HTX, gia đình neo người nên nghèo lắm. Lên 5 tuổi mình đã thông thạo chăn trâu, cắt cỏ, thái sắn băm bèo nuôi lợn giúp mẹ”.

Những thước phim tuổi thơ chầm chậm qua lời kể anh chàng Phó Tổng giám đốc thế hệ 7X, với những buổi tối mù mịt chong ngọn đèn dầu leo lét học bài. Nhờ sự đam mê học tập không biết mệt mỏi, trong những năm tháng dưới mái trường phổ thông, cái tên Đinh Văn Ngọc luôn là tấm gương xuất sắc được nêu dưới cờ mỗi buổi sáng thứ Hai.

Anh kể: “Tuổi thơ mình tuy cực nhọc khó khăn nhưng đầy ắp những kỷ niệm không bao giờ quên. Mẹ chính là người đặt những viên gạch đầu tiên trên chặng đường phấn đấu đầy chông gai của mình. Nhiều buổi tối, mẹ cùng thức ngồi nhìn mình học bài, chỉ để cho mình đỡ sợ xung quanh cái vùng rừng núi hoang vu, mịt mù.

Mẹ bảo, chỉ có học thật chăm, thật giỏi mới mong thành công sau này. Cho đến giờ, lời dặn của mẹ trong những đêm khuya thức trắng vẫn còn văng vẳng trong tâm trí mình”.

Năm lớp 4, cậu bé Ngọc cùng mẹ và 2 em chuyển về sống ở huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình), nơi mẹ cậu là y tá của kho vật tư dầu khí. Bắt đầu từ đây, lại một chặng còn vất vả bội phần trong “tập 2 tuổi thơ” của Đinh Văn Ngọc, khi anh ngày ngày cùng mẹ và 2 em kéo vó, mò cua bắt ốc và chuyển đất phù sa ven sông về lấp đất cằn để tăng gia sản xuất. Tuy nhiên, những tháng ngày ở đây lại là bước ngoặt trong tư duy của Ngọc.

Mơ về nhà máy lọc dầu từ năm… 14 tuổi

Đinh Văn Ngọc tiết lộ, giấc mơ về một nhà máy lọc dầu “made in Việt Nam” xuất hiện từ khi anh là cậu học trò cấp 2, trong những lần hiếm hoi bố anh về thăm nhà, cùng nhau bàn luận.

Anh Ngọc nhớ lại: “Bố tôi là kỹ sư khoan thăm dò dầu khí, ông cũng luôn mơ ước rồi một ngày đất nước có nhà máy lọc dầu. Ông thường dặn dò mình, rằng thế hệ bố chưa làm được, nhưng nhất định thế hệ con phải làm.

Hồi đó, mình mới 14 tuổi, chưa hiểu nhiều về cái gọi là dầu khí, giàn khoan…, nhưng ước mơ thì thấm vào tận tâm can. Mình tự nhủ, chắc chắn phải học thật giỏi để nối nghiệp bố, và quan trọng hơn, một ngày nào đó, nhà máy lọc dầu xây dựng trên đất Việt Nam sẽ có bàn tay của mình”.

Theo lời kể của anh, những ngày học ở Thái Bình, anh thường vào chơi ở kho vật tư dầu khí – nơi mẹ anh công tác, hay trèo lên cỗ máy chế biến, tách lọc khí đồ sộ được nhập khẩu từ Nga, và mơ ước một ngày nào đó sẽ tự tay vận hành nó.

“Có lẽ bắt đầu từ những ngày này, đam mê máy móc, kỹ thuật bắt đầu ngấm vào người tôi” – anh tâm sự.

Năm 1988, cả gia đình anh đoàn tụ ở Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi trường THPT Chu Văn An, anh thi đỗ điểm cao vào khoa Hoá - Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành mà sau này, Ngọc sẽ nối nghiệp bố.

Tốt nghiệp đại học, thật bất ngờ là anh cũng thất nghiệp như ai trong một năm ròng. Tuy nhiên, với Đinh Văn Ngọc, đây là lại một quãng thời gian quý báu không thể nào quên. Thời gian đó, ngoài việc học thêm văn bằng 2 Đại học Ngoại thương, ban ngày anh lên thư viện đọc sách, tối về cùng nhóm bạn 15 người mở Câu lạc bộ “Những người đàn ông độc thân” quyết chí luyện tiếng Anh.

Anh cười: “Bọn mình gọi đó là CLB Single Man Group, cứ tối Chủ nhật tập trung ở nhà mình tập nói tiếng Anh qua những trang báo cũ mua được từ các khách sạn lớn, có khi xin được từ bà đồng nát.

Hồi đó đang thịnh tiếng Nga nên tài liệu tiếng Anh hiếm lắm. Tìm được tờ báo Vietnam News hay một vài tạp chí tiếng Anh chuyên ngành đúng nghĩa là mừng húm. Học xong cùng bình luận rôm rả, thế mà một thời gian sau ai cũng tiến bộ rõ rệt”.

Anh Ngọc kể rằng, nhóm Single Man Group của anh có kiểu Đại học Bờ Hồ bằng cách tìm người Tây để bắt chuyện.

“Tìm được một vài người Tây hồi đó cũng hiếm, nên nhiều lúc biết bắt chuyện khiến người ta khó chịu nhưng rồi cũng cứ lờ. Bây giờ nhóm Single Man Group ai cũng thành đạt, ít nhất là trưởng phòng, còn lại toàn là giám đốc cả. Một phần cũng nhờ vào cái bằng tốt nghiệp chuyên ngành Anh văn ở Đại học Bờ Hồ đấy”.

Chuyên gia lọc dầu người Việt tầm thế giới

Cuối năm 1995, trong một chương trình hợp tác giữa Công ty UOP (Công ty cung cấp công nghệ bản quyền lọc hóa dầu lớn nhất thế giới, đóng ở bang Chicago - Mỹ) với Tổng Công ty dầu khí Việt Nam (nay là tập đoàn dầu khí Việt Nam), bên phía UOP tuyển 2 người sang học tập và đào tạo tại công ty.

Vượt qua hàng chục đối thủ trong kỳ thi gắt gao, Ngọc cùng Hoàng Việt Dũng (nay là Phó BQL NMLD Dung Quất) lên đường học tập và thực hành về lọc hóa dầu tại Mỹ.

Khen thưởng của Đinh Văn Ngọc:

Bằng khen của Tập đoàn Dầu khí 2005; Bằng khen của Tập đoàn Dầu khí 2006; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp Ngành năm 2006; Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2007

Thanh niên Tiên tiến xuất sắc - đại diện Đoàn thanh niên Ban QLDA tham gia chương trình: Hành trình những người đi tìm lửa năm 2007

Thành viên Hội Doanh nghiệp trẻ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam năm 2007, 2008

Nhà quản lý trẻ Dầu khí suất sắc năm 2007

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2008

Danh hiệu Thanh niên tiên tiến của Đoàn khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ 1

Một trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2008

* Anh Phạm Văn Chất - Phó TGĐ Công ty TNHH Một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn: “Anh Ngọc là chuyên gia trẻ và rất giỏi. Phong cách làm việc năng động, khoa học của anh đã tạo một định hướng cho anh em làm việc. Tôi đánh giá rất cao anh Ngọc. Tôi rất thích tính tính quyết đoán của anh ấy. Còn về chuyên môn, chẳng ai qua mặt được anh ấy”.

* Anh Trần Đoàn Thịnh - Bí thư Đoàn Công ty TNHH Một thành niên lọc hóa dầu Bình Sơn: “Nhà máy lọc dầu Dung Quất đa phần là cán bộ, kỹ sư trẻ, trong số 1350 CB-CNV, có 850 đoàn viên, chiếm đến 70% nhân lực công ty. Có anh Ngọc, ai cũng vững tin vì luôn được anh ấy chỉ bảo tận tình. Anh Ngọc là một tấm gương cho chúng em noi theo”.

Anh tâm sự: “Bọn mình được học và làm việc chung với các kỹ sư người Mỹ. Và đây cũng là khóa học đầu tiên Công ty UOP đào tạo chuyên gia lọc hóa dầu cho người nước ngoài. Lớp học chỉ có 2 người Việt và 13 người Mỹ, một vinh hạnh thật lớn lao, nhưng trách nhiệm cũng đè nặng. Vì vậy, mình và Dũng phải cùng nhau cố gắng hết sức mình”.

Sau 18 tháng, Đinh Văn Ngọc hoàn thành khóa đào tạo, bắt đầu thực tập tại nhà máy lọc dầu Mallaka (Malaysia) và đến năm 1998, anh được UOP cấp chứng chỉ đạt trình độ chuyên gia quốc tế. Bắt đầu từ đây là quãng thời gian anh mang theo niềm tự hào là chuyên gia lọc hóa dầu người Việt đầu tiên đi khắp thế giới với tư cách là cố vấn kỹ thuật. 

Anh nhẩm tính, trong 6 năm mang chuông đi đánh xứ người, anh đã làm cố vấn kỹ thuật cho 13 dự án lọc hóa dầu của 13 nước trên thế giới như Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Nigeria, Trung Quốc…

Trong những dự án này, nhiều lần anh là cố vấn trưởng (Chief Technical Advisor), hướng dẫn vận hành khởi động, kiểm tra thiết bị, chạy thử nghiệm thu, xử lý sự cố và tối ưu hóa vận hành các nhà máy lọc dầu mua công nghệ của Công ty UOP.

Anh cười vui: “Nói không phải để khoe, hồi đó, mình tới các nhà máy của Nhật hay Trung Quốc, chỉ tay năm ngón giảng dạy hàng trăm chuyên gia, có người đầu bạc phơ. Vậy mà ai cũng vui vẻ nể phục. Vì sao ư? Vì mình nói đúng.

Những khi đó, nghĩ đến chuyện mình là người Việt mình tự hào lắm. Tự nhủ, mình mang chuông đi đánh xứ người, phải đánh làm sao cho nó kêu, cho họ nể phục người Việt”.

Và nhiều bằng khen của các nhà máy lọc dầu tặng Đinh Văn Ngọc thông qua UOP minh chứng lời kể của anh.

Ngọc không bao giờ quên một trong nhiều kỷ niệm, ấy là vào tháng 10/2000, khi anh sang giảng dạy cho 20 kỹ sư ở nhà máy lọc hóa dầu Turkmenbashi (Turkmenistan).

Lần đó, trong thời gian đổi ca, khi anh mới đến cổng nhà máy thấy khói đen bốc mù mịt từ lò đốt bốc cao. Ngay lập tức, anh cho dừng ngay hệ thống vận hành, sau đó khi vào kiểm tra thì thấy lò đốt bằng khí hơi đầy ứ hidro carbon lỏng, lò đã bắt đầu đến gần giới hạn nổ.

“Nếu như lúc đó không có kinh nghiệm, vẫn cho tiến hành hoạt động đồng thời vào tận nơi kiểm tra thì e rằng hậu quả xảy ra thật khó lường”.

Theo anh Ngọc, kinh nghiệm thực tiễn phong phú sau bao năm làm việc của một chuyên gia giúp anh nhanh chóng đánh giá đúng tình hình và nhận ra vấn đề của sự cố. Sau lần đó, anh được Chủ tịch Công ty UOP hồi đó là ông Mike Winfill tặng bằng khen.

Chuyên gia lọc dầu người Việt tầm thế giới ảnh 1
Dung Quất về đêm

Từ chối giàu sang về xây giấc mơ Việt

Cuối năm 2002, Tổng Công ty dầu khí Việt Nam đề nghị Đinh Văn Ngọc về nước làm việc tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Cùng lúc này, Công ty UOP gửi thư mời anh ở lại hẳn, làm chuyên gia cho công ty với mức lương thuộc hàng khủng (anh không muốn tiết lộ) thời bấy giờ.

Ngoài UOP, một số hãng của Nhật, Anh, Pháp… cũng có lời mời. Nhưng cuối cùng, anh vẫn về quê hương, bởi trong lòng vẫn còn nguyên giấc mơ từ thủa thiếu thời: góp công xây dựng nhà máy lọc dầu “made in Việt Nam”.

Chàng kỹ sư trẻ về chính thức đầu quân cho phòng kỹ thuật dự án lọc hoá dầu Dung Quất. Năm 2004, hợp đồng chỉnh sửa thiết kế cơ sở của nhà máy lọc dầu được ký kết giữa chủ đầu tư (Tổng Công ty dầu khí Việt Nam) và nhà thầu Technip (Pháp).

Anh lại tiếp tục cùng đoàn dự án sang Pháp giám sát việc thực hiện hợp đồng, đồng thời đàm phán hợp đồng EPC (hợp đồng chìa khoá trao tay) và cuối cùng là hợp đồng chính thức xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất được ký kết vào ngày 17/5/2005.

Lại một lần nữa anh sang Pháp để giám sát thực hiện hợp đồng và phê duyệt thiết kế chi tiết nhà máy. Sau đó, anh cùng đoàn dự án theo nhà thầu chuyển trụ sở đến Kuala Lumpur (Malaysia), để rồi đến tháng 4/2007 mới được về nước khi cơ bản thiết kế nhà máy được hoàn thiện.

Anh cười: “Ba năm tham gia giám sát, phê duyệt thiết kế là một quá trình căng thẳng và khốc liệt, phải nghiên cứu, giám sát tỉ mỉ từng chi tiết mới mong có một bản thiết kế nhà máy lọc dầu đúng như ý muốn”.

Cho đến bây giờ, cả đoàn dự án của Tập đoàn dầu khí Việt Nam vẫn không thể quên được lúc Đinh Văn Ngọc đề nghị nhà thầu thay hệ thống khí nén điều kiện ban đầu vì chất lượng thấp, đã không còn được ưa chuộng. Sau đó, hệ thống khí nén đã được thay đổi, góp phần ổn định vận hành và kéo dài tuổi thọ của các thiết bị tự động hoá.

Anh Phạm Văn Chất – Phó TGĐ phụ trách sản xuất Công ty TNHH Một thành viên lọc hóa dầu Bình Sơn, người tham gia cùng anh Ngọc, nói: “Thực tình khi anh Ngọc nói ra điều kiện đó, ai cũng ngỡ ngàng, nhưng chúng tôi tin tưởng anh vì anh đã là một chuyên gia quốc tế. Và khi kiểm tra tại các công ty khác ở Singapore, Trung Quốc…, kết quả đều cho thấy hệ thống đó đã cũ”.

Tháng 4/2007, Đinh Văn Ngọc về nước với tư cách là Phó Ban quản lý dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất, mà anh được bổ nhiệm từ tháng 10/2006, khi còn bận tối mắt ở Malaysia.

Từ đó đến nay, anh là một trong những đầu tàu cho một đội ngũ kỹ sư trẻ trung, đầy nhiệt huyết ngày đêm biến giấc mơ Việt thành hiện thực. Để rồi, Nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức cho dòng dầu đầu tiên vào tháng 2/2009 vừa rồi, mở ra cho đất nước một thời kỳ mới, một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Anh làm được, tại sao tôi lại không?”

Đinh Văn Ngọc kể rằng, đó là câu nói cửa miệng của hầu hết thanh niên Mỹ, nhưng người ham học hỏi, không ngại thất bại và luôn khát khao thành công ở mức cao nhất. Đó cũng là câu nói mà anh áp dụng cho riêng mình, và tự dặn lòng không bao giờ được mất niềm tin vào chính bản thân cũng như những điều tốt đẹp ở phía trước.

“Tôi muốn nói rằng, thanh niên Việt Nam chúng ta hãy cùng nhau đặt câu hỏi “Anh làm được, tại sao tôi lại không ?”, và “Hãy giao việc cho tôi đi. Tôi sẽ làm tốt nhất cho anh thấy !”.

Là một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam  tiêu biểu năm 2008, anh có điều gì muốn nói với những người trẻ hôm nay?

Đinh Văn Ngọc: Tự tin, các bạn hãy luôn tự tin vào chính khả năng của mình. Như vậy mới mong thành công. Và một yếu tố nữa cũng rất quan trọng, đó là học, học nữa và học mãi. Đừng bao giờ tự mãn rằng mình đã giỏi khi mới thành công bước đầu.

Theo tôi, các bạn trẻ chúng ta thường học một cách qua loa, đại khái mà quên mất những chi tiết nhỏ nhặt. Trong thời đại công nghiệp, thông tin và công nghệ ngày nay, chính những chi tiết nhỏ mới là quan trọng.

Lòng tin vào bản thân chưa đủ, thanh niên thế hệ chúng ta còn phải tin tưởng vào sự phát triển đi lên của đất nước, vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước.

Vì sao mình không ở lại làm việc cho các công ty nước ngoài. Một phần là vì mình tin tưởng vào đất nước, vào sự lãnh đạo sáng suốt của lãnh đạo Đảng. Rồi đây, vị thế của Việt Nam sẽ khác, các bạn trẻ và mình chính là những người làm nên sự khác biệt đó.

Những năm làm việc ở nước ngoài, anh có kinh nghiệm hay điều gì muốn nói với thanh niên?

Đinh Văn Ngọc: Kể ra thì dài, nhưng mình nhớ có một lần ở Turkmenistan, khi đi làm về ban đêm trên một sa mạc, đang đi, ông tài xế tự nhiên dừng lại, xuống bưng một con rùa ra khỏi đường mòn. Mình thắc mắc, ông trả lời để lỡ người sau không nhìn thấy cán chết rùa.

Còn kỷ niệm thứ hai ở Malaysia vào năm 1998, khi đi làm về ban đêm, anh bạn chuyên gia người Mỹ lái xe đâm gãy chân con trâu nhưng không thấy chủ.

Sau một hồi tần ngần, anh giải quyết bằng cách buộc danh thiếp vào đuôi con trâu, nhắn chủ hãy liên hệ với ông ngay lập tức. Mình chỉ muốn nói, chúng ta, thế hệ trẻ hãy có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng.

Một câu hỏi, có lẽ hơi sớm: Tương lai của NMLD Dung Quất sẽ thế nào?

Đinh Văn Ngọc: Mình chỉ nói thế này: chúng ta đang đi đúng hướng. Sau một thời gian ngắn nữa thôi, các chuyên gia của Tập đoàn dầu khí đang gửi đi đào tạo và thực tập ở UOP sẽ thay thế chuyên gia nước ngoài, hiện còn 60 người. Mà chi phí của họ thì đắt kinh khủng. Còn mọi chuyện, hãy để thời gian trả lời.

MỚI - NÓNG