Dự thảo chuẩn phát triển trẻ năm tuổi: Kỳ vọng mờ nhạt

Dự thảo chuẩn phát triển trẻ năm tuổi: Kỳ vọng mờ nhạt
TP - Các tác giả ban soạn thảo cho rằng, chuẩn không chỉ căn cứ vào khả năng của trẻ mà còn thể hiện kỳ vọng của quốc gia nhưng các chỉ số của chuẩn không nói lên được kỳ vọng này.
Dự thảo chuẩn phát triển trẻ năm tuổi: Kỳ vọng mờ nhạt ảnh 1
Sự phát triển của trẻ là một quá trình sống động liên tục

Theo ban soạn thảo, các tài liệu tham khảo để xây dựng chuẩn phát triển trẻ khá lạc hậu, chủ yếu của các nhà khoa học Liên Xô (cũ) trong khoảng 20-30 năm về trước (Miaxisep, 1977; Agienva, 1982, V.X.Mukhina, 1981, v.v) có kèm tham khảo quan điểm của một số nhà khoa học trong nước (Nguyễn Xuân Thức, 1997; Đinh Thị Kim Thoa, 1992, v.v).

Với việc sử dụng các tài liệu tương đối cũ, lại chỉ tập trung ở các nhà khoa học Liên Xô (cũ) và trong nước, hai nơi có nền giáo dục mẫu giáo tương đối thấp  mà không tham khảo đến các tài liệu của các nhà khoa học của các nước có nền giáo dục mẫu giáo phát triển, quan điểm dùng để biên soạn chuẩn phát triển trở nên phiến diện, không được cập nhật và chắc chắn là sẽ lạc hậu so với thế giới.

Ngoài ra, việc đơn phương đưa ra các chỉ số đo đạc sự phát triển thể chất của trẻ mà không hề có văn bản xác nhận các chỉ số này của Bộ Y tế là vượt quá thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, cho thấy cách làm việc võ đoán và thiếu khoa học, dù mất đến năm năm để chuẩn bị, của ban soạn thảo chuẩn phát triển trẻ.

Vụn vặt, thiếu hình dung tổng thể

Nhìn vào tài liệu những vấn đề phát triển trẻ 40 đến trên 60 tháng tuổi của Anh thấy nổi bật nguyên tắc: Khoa học, biện chứng và định lượng. Tất cả các lĩnh vực phát triển của trẻ đều được phân tích chi tiết và được đánh giá một cách định lượng từ thấp đến cao. Sự liên hệ giữa các vấn đề học tập và phát triển cũng được nêu lên rất rõ.

Còn nhìn vào chuẩn phát triển trẻ của Việt Nam, chúng ta thấy 29 chuẩn với 125 chỉ số được sắp xếp khá lộn xộn, nhiều chỉ số không liên quan gì đến chuẩn đề cập. Ví dụ: chuẩn “nhận thức về bản thân” thì chỉ số thứ nhất là “Nói được họ và tên, địa chỉ nhà hoặc số điện thoại, tên bố, mẹ của mình”. Các chỉ số về phát triển thể chất cũng sa vào những định lượng vụn vặt không cần thiết.

Tư duy đông cứng, siêu hình

Sự phát triển của trẻ là một quá trình sống động, liên tục, và được hoàn thiện dần theo thời gian, theo điều kiện sống và học tập cụ thể của từng trẻ. Trẻ ở nông thôn và thành phố, ở các vùng miền khác nhau sẽ phát triển ít nhiều khác nhau. Việc đặt ra một chuẩn chung, cào bằng tất cả, đặc biệt, đánh giá trẻ theo hai mức, 0 và 1, tương ứng với không đạt và đạt chuẩn, phản ánh cách suy nghĩ giản đơn, đông cứng, siêu hình của ban soạn thảo.

Kỳ vọng mờ nhạt

Mặc dù có đến 29 chuẩn và 125 chỉ số, nhưng đặc điểm và cá tính của trẻ nếu phát triển theo bộ chuẩn này hết sức nhạt nhòa. Trong thời đại toàn cầu hóa cạnh tranh gay gắt, chúng ta muốn có những công dân tương lai tự tin, tự trọng, sáng tạo, yêu gia đình và cộng đồng, biết tôn trọng người khác và có khả năng học tập suốt đời. Nhưng nhìn vào bộ chuẩn phát triển, ta thấy những yếu tố này hết sức mờ nhạt.

Ví dụ, nhận thức về bản thân và phát triển cá nhân, dự thảo chuẩn phát triển trẻ của Việt Nam có  bốn chỉ số (chuẩn 7).  Trong  bốn chỉ số, chỉ có hai chỉ số liên quan đến nhận thức về bản thân.  Hai chỉ số còn lại hoàn toàn lạc đề. Trong hai chỉ số có liên quan trực tiếp đến nhận thức bản thân thì có một chỉ số thấp đến mức không cần thiết: biết mình là trai hay gái.

Trong khi người Anh nêu vấn đề này thể hiện rất rõ qua hai phần với chín chỉ số:  tính cách và thái độ; hành vi cư xử và tự kiểm soát. Nhìn vào các chỉ số của họ, ta thấy kì vọng của họ về trẻ em  là cá tính mạnh, tự tin về bản thân mình, biết cách kiểm soát và đánh giá hậu quả của hành vi, lời nói của mình.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ví dụ cho thấy sự mờ nhạt trong kì vọng của chuẩn phát triển trẻ.  

Còn nữa

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.