Khánh Hòa: Hàng loạt dự án dang dở

Khánh Hòa: Hàng loạt dự án dang dở
Hiện nay, chỉ cần đi dọc đường Trần Phú, Nha Trang, bất cứ ai cũng có thể nhận ra những dự án dang dở: bờ kè sông Cái, Trung tâm thương mại và khách sạn 20 Trần Phú, khách sạn 32 - 34 Trần Phú…

Đó là những dự án trị giá hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng, chủ đầu tư tổ chức khởi công rầm rộ rồi... bỏ đất cho cỏ chiếm hữu hoặc chuyển nhượng cho đối tác khác.

Thế nhưng cũng như Nguyễn Đức Chi đặt được chân vào Bãi Dài qua các Cty Hoa Hồng và Vạn Xuân Nha Trang, chủ đầu tư các dự án trên vẫn được giao đầu tư nhiều dự án “béo bở” khác ở Khánh Hòa.

Thậm chí họ còn hơn Chi ở chỗ, được giao dự án vẫn với “chính danh” của mình, chẳng phải dựng lên Cty nào khác để “núp bóng”.      

Cty TNHH Thành Đạt được lập dự án đầu tư vào Bãi Dài sau khi đã có “thành tích” bỏ dở việc đóng mấy trăm cọc móng kè sông Cái.

Luật sư Phạm Hồng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Văn phòng luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho phóng viên Tiền Phong biết, người thân của Nguyễn Đức Chi đã liên hệ với ông, đặt vấn đề bảo vệ quyền lợi cho “siêu lừa” trong vụ án đang gây xôn xao dư luận. Tuy đây mới là cuộc tiếp xúc ban đầu, nhưng văn phòng LS Phạm Hồng Hải và các cộng sự đã có sự quan tâm đáng kể đối với vụ án này. 

Cty TNHH Tâm Hương vừa xuất hiện trên thương trường cũng có tên trong danh sách 49 “đại gia” ở Bãi Dài - nơi UBND tỉnh Khánh Hòa quy định doanh nghiệp phải có trên 10 triệu USD (nay phải trên 15 triệu USD) mới được phép đầu tư.

Khi nghe tin này, dân vùng Ba Làng - Đường Đệ của thành phố Nha Trang đều nhún vai, lắc đầu.

Nhưng thật là lạ, trong khi tỉnh rao bán đấu giá đất ở Đông Ba Làng với giá khởi điểm 20 triệu đồng/m2, ngày 20/5/2004 Cty TNHH Tâm Hương lại được tỉnh cho thuê 251m2 ở đây với giá rất hời.

Tính ra trong toàn bộ thời gian 50 năm được thuê, Cty này chỉ phải trả cho tỉnh có 492 triệu đồng, chưa bằng 1/10 giá trị khởi điểm đấu giá của lô đất!

Cũng trong ngày 20/5/2004, UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định giao cho 1 doanh nghiệp có tên rất kêu là Cty cổ phần Tư vấn đầu tư dự án quốc tế (ICC) 28,39 ha đất để xây dựng hạ tầng Khu dân cư Hòn Rớ II tại xã Phước Đồng (Nha Trang).

Dự án này, tháng 7/2001 UBND tỉnh đã giao cho Cty Công ích địa chính Khánh Hòa làm chủ đầu tư, không hiểu sao nay lại giao cho ICC? Một QĐ khác gây thắc mắc của dư luận là QĐ giao 55,35 ha đất cho Cty Cổ phần Thái Bình Dương để xây dựng cơ sở hạ tầng Khu dân cư phía Tây Lê Hồng Phong I.

QĐ này được ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký ngày 26/5/2004, chỉ 1 ngày sau khi Cty Thái Bình Dương có đơn xin giao đất. Có lẽ đây là một kỷ lục Việt Nam?! 

Dư luận, báo chí đã nhắc khá nhiều đến Cty TNHH Hoàn Cầu của bà Trần Thị Hường (Tư Hường) với Khu du lịch Sông Lô gây nhiều bất bình hơn 4 năm nay.

Nhưng ở Khánh Hòa, Cty TNHH Hoàn Cầu không chỉ có dự án Sông Lô. Họ còn là chủ dự án các nhà máy nước giải khát Ponaga và Phước Điền, đều ở xã Phước Đồng. Cả 2 nhà máy chưa có 1 ngày sản xuất, chưa cho ra sản phẩm nào.

Gần như đồng thời với 3 dự án trên, Cty TNHH Hoàn Cầu được giao gần 10.000 m2 đất ở vị trí đẹp nhất trên đường Trần Phú để xây dựng trung tâm thương mại trị giá 350 tỷ đồng. Sau lễ khởi công cuối tháng 4/2004, khu đất này tiếp tục được rào kín cho đến nay.

Tiếp nữa, Cty TNHH Hoàn Cầu còn được giao đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Ninh Thủy rộng 206 ha.

Chưa hết, ngày 27/1/2004, Cty TNHH Hoàn Cầu lại được giao 493 ha đất để xây dựng hạ tầng 2 khu dân cư Ninh Long và Ninh Thủy ở huyện Ninh Hòa, đến nay hầu như chưa động tĩnh gì ngoài lễ khởi công “hoành tráng”.

Mới đây, Cty TNHH Hoàn Cầu Nha Trang (tách ra từ Cty TNHH Hoàn Cầu, vẫn do bà Hường làm chủ) lại được tham gia Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển Vân Phong.

Đây là Cty được thành lập để đón đầu việc xây dựng khu kinh tế tổng hợp vịnh Vân Phong, trong đó ông Phạm Văn Chi - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Cùng với vịnh Nha Trang, khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh và vịnh Văn Phong đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết và cho phép liên doanh, thu hút vốn đầu tư của nước ngoài.

Đây là cơ hội tạo nên bước phát triển mạnh mẽ của tỉnh Khánh Hòa, nhưng cũng là dịp kiếm ăn của những kẻ đầu cơ đất, “phe” dự án. Nếu không có sự nghiêm túc, công tâm trong thẩm định, cấp phép và giám sát đầu tư, chắc chắn sẽ còn những bê bối, còn những “nàng tiên cá mắc cạn”.

Sẽ còn tình trạng như ông Trần Minh Duân – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, “có công trình tôi đi dự 3 lễ khởi công của 3 chủ đầu tư khác nhau”.  

MỚI - NÓNG