Nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa?

Nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa?
TP - Theo GS TS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội, vấn đề này từng được đặt trong quá trình soạn thảo Luật Giáo dục 2005 nhưng rốt cục Quốc hội vẫn không thông qua.
Nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa? ảnh 1
GS - TS Nguyễn Minh Thuyết

Nguyên nhân là do Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) vẫn nợ Quốc hội bốn câu hỏi.

GS - TS Nguyễn Minh Thuyết nói: Sở dĩ các đại biểu Quốc hội khóa XI không thông qua nội dung này trong quá trình soạn thảo Luật Giáo dục 2005 là bởi các câu hỏi sau đây chưa được Bộ GD&ĐT trả lời thỏa đáng:

Thứ nhất, nếu có nhiều hơn một bộ sách giáo khoa, nhà xuất bản (NXB) nào sẽ được tham gia làm sách giáo khoa?

Luật Xuất bản quy định mỗi NXB hoạt động theo đúng tôn chỉ mục đích của mình. Hiện nay, duy nhất chỉ có NXB Giáo dục trong tôn chỉ mục đích là có làm sách giáo khoa phổ thông.

Cứ tạm thời cho rằng, việc sửa lại tôn chỉ mục đích không khó. Nếu các NXB đủ điều kiện, họ có thể xin phép Bộ Thông tin & Truyền thông bổ sung nội dung trong tôn chỉ mục đích của mình. Nhưng việc làm sách giáo khoa không đơn giản.

Sau khi điều luật được thông qua đến khi bắt tay vào làm nhiều bộ sách giáo khoa là không nhiều thời gian. Liệu các NXB khác có đủ nguồn và lực để cạnh tranh với NXB Giáo dục - một đơn vị có thâm niên làm sách giáo khoa hơn 50 năm nay?

Một trong những ý nghĩa của việc ra đời nhiều bộ sách giáo khoa là xóa bỏ độc quyền xuất bản sách giáo khoa của NXB Giáo dục. Nhưng đến khi xóa độc quyền rồi, các điều kiện khách quan và chủ quan lại giúp NXB Giáo dục tuy không còn độc quyền nhưng lại giống như độc quyền, lúc đó tính sao?

Thứ hai, kinh phí để biên soạn các bộ sách lấy từ nguồn nào? Hiện tại, kinh phí đó là của Nhà nước. Nhưng khi có nhiều bộ sách giáo khoa, Nhà nước có đủ nguồn lực để chi trả tất cả các bộ sách? Nếu các NXB phải chi trả thì liệu các NXB có chấp nhận?

Trường hợp sách của họ được chọn làm sách giáo khoa là một nhẽ. Nhưng nếu sách của họ không được chọn làm sách giáo khoa thì sao? Rồi kinh phí tập huấn cho giáo viên, hiện nay là Nhà nước trả; nhưng khi có nhiều bộ sách giáo khoa thì ai trả?

Thứ ba, ai là người có quyền chọn sách giáo khoa nào để đưa vào dạy trong nhà trường? Trả lời được câu hỏi này đồng nghĩa với việc phải giải quyết được những phiền toái kèm theo.

Giải quyết thế nào khi mặt trái của cơ chế thị trường tác động sâu sắc tới đời sống xã hội của chúng ta. Sự lựa chọn ấy phải làm sao để vì quyền lợi người học chứ không phải vì quyền lợi của người được lựa chọn.

Cuối cùng là thi cử thế nào? Bộ GD&ĐT từng tuyên bố, họ chỉ đạo thi cử, kiểm tra đánh giá theo chương trình chứ không phải theo sách giáo khoa. Thế nhưng chương trình của mình dù được xây dựng khá công phu song chưa thật cụ thể, chi tiết.

Trong khi đó, không có ngành khoa học nào mà các quan điểm hoàn toàn nhất trí được với nhau. Do đó, tuy cùng một chương trình, tác giả viết sách khác nhau thì dễ đi theo những hướng khác nhau.

Tôi e rằng, nếu lần này, Bộ GD&ĐT không trả lời thỏa đáng các câu hỏi trên thì Quốc hội khó mà thông qua điều khoản này trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục.

Nhưng như nhiều học giả cho biết, việc một chương trình có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau là điều bình thường trên thế giới?

Đúng thế. Tôi đã nghiên cứu ở Anh, ở Pháp và một số nước khác thì thấy, cách sử dụng nhiều bộ sách của người ta khác hẳn cách sử dụng nhiều bộ sách của mình.

Cùng một đối tượng học sinh, các em được đồng thời học nhiều bộ sách khác nhau. Quyền chọn sách nào ở bài nào là thuộc về cô giáo. Có thể bài 1, cô giáo sử dụng sách của nhà xuất bản A. Có thể bài 2 cô giáo lại dùng sách của nhà xuất bản B để dạy cho học sinh, miễn sao cô giáo thấy bài đó ở sách đó mới là tốt nhất cho học sinh cụ thể của mình.

Nhưng giáo viên của mình có đủ trình độ chọn thế được không? Làm sao để học sinh tiếp cận được sách giáo khoa nếu các em phải học cùng một lúc với nhiều bộ như thế?

Vấn đề là thế này. Các nước đó người ta có hệ thống thư viện nhà trường và thư viện công cộng phát triển rất mạnh. Học sinh có thể đến thư viện để mượn sách về học.

Ngoài ra, cô giáo được cấp một khoản kinh phí để photo các bài viết trong các cuốn sách giáo khoa phát cho từng học sinh. Ở nước mình có thể tổ chức hệ thống thư viện như thế được không? Có thể cung cấp kinh phí để các trường photo tài liệu như thế được không?

Thực tâm thì nhiều người mong muốn có nhiều bộ sách giáo khoa. Nhưng đi vào thực tế thì nhiều vấn đề phải giải quyết. Nếu chúng ta làm không cẩn thận, người chịu thiệt đầu tiên chính là học sinh.

Trước năm 2000, ở cấp THPT chúng ta có đồng thời hai bộ sách giáo khoa. Một bộ do trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức biên soạn. Một bộ do các cá nhân, tập thể ở thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Nhưng thực tế lại chỉ như có một bộ sách.

Các địa phương từ Đà Nẵng vào thì dùng sách của TP Hồ Chí Minh biên soạn. Các địa phương từ Huế trở ra lại chỉ dùng sách của ĐH Sư phạm Hà Nội biên soạn. Dư luận đặt vấn đề, tại sao chúng ta thống nhất đất nước rồi mà hàng chục năm sau, học sinh hai miền vẫn học sách giáo khoa khác nhau? Vì thế, Quốc hội khoá X quyết định, cả nước dùng một bộ sách giáo khoa.

Vẫn bỏ phiếu cho một bộ sách giáo khoa

Theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Giáo dục, cả nước sẽ có nhiều hơn một bộ sách giáo khoa.

Có quan điểm cho rằng, cần có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau để học sinh và giáo viên lựa chọn. Nhưng cũng có ý kiến ngược lại.

Để rộng đường dư luận, từ số báo này, Tiền Phong khởi đăng các ý kiến đóng góp cho vấn đề nên có một hay nhiều bộ sách giáo khoa.

Bài góp ý xin gửi về Ban Khoa giáo, Báo Tiền Phong, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội; hoặc qua địa chỉ email tienphong02@vnn.vn.

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc.

Theo giáo sư, cái lợi và bất lợi của một bộ sách giáo khoa là gì và đối tượng nào được hưởng lợi, cũng như đối tượng nào chịu thiệt đầu tiên?

Trước hết, việc chỉ đạo của Bộ, của các sở GD&ĐT đơn giản hơn. Thứ hai, học sinh các vùng có điều kiện kinh tế xã hội phát triển khá sẽ gặp nhiều thuận lợi khi học một bộ sách mà học sinh cả nước phải học.

Đối tượng đầu tiên chịu thiệt thòi chính là học sinh các vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Các em sẽ khó đáp ứng được đầy đủ mục tiêu mà sách đặt ra, vì thế chất lượng giáo dục vùng này sẽ càng bị kéo thấp xuống.

Mặc dù trước khi biên soạn sách, Bộ GD&ĐT chủ trương làm sao nội dung sách phù hợp với đa dạng đối tượng học sinh, có phần chuẩn cho tất cả học sinh, có phần nâng cao cho học sinh vùng thuận lợi. Nhưng việc các tác giả có thực hiện được các chỉ đạo ấy không là không hề đơn giản.

Rồi các thầy cô giáo khi dạy cũng không đơn giản bởi thực tế nhiều giáo viên chưa đổi mới được phương pháp dạy học. Họ dạy học theo lối truyền thụ, bám sát sách giáo khoa từng chữ, từng câu.

Rồi cách thi cử của chúng ta lại chưa đáp ứng được yêu cầu bám chương trình chứ không phải bám sách giáo khoa như Bộ chỉ đạo. 

Còn cái lợi và bất lợi  của việc có nhiều bộ sách?

Đương nhiên, làm một việc gì trong sự thi đua thì người làm sẽ có nhiều cố gắng hơn, chất lượng công việc sẽ được nâng cao hơn. Việc có nhiều bộ sách giáo khoa đồng nghĩa với việc tăng chất lượng sách giáo khoa. Ngoài ra, khi có nhiều bộ sách giáo khoa, giáo viên và học sinh có cơ hội lựa chọn bộ sách phù hợp với mình nhất.

Tuy nhiên, nếu những bước đi của chúng ta không phù hợp, chắc chắn, dễ xảy ra tình trạng mỗi bộ sách lại cát cứ ở một vùng/ miền và vô hình trung chúng ta tự tạo cho mình 12 sứ quân trong việc sử dụng sách giáo khoa.

Nếu thế thì tưởng như chúng ta có nhiều bộ nhưng thực chất chỉ có một bộ và học sinh, giáo viên không phải là những người được hưởng quyền lợi trực tiếp từ việc có nhiều bộ sách này.

Mặt khác, trong khi làm sách thì ai cũng cố gắng. Nhưng thành sản phẩm rồi thì sẽ bộc lộ nhược điểm. Trong quá trình tác giả các bộ sách sẽ phải thi nhau hoàn thiện, chúng ta lại rơi vào tình trạng “cả nước sửa sách giáo khoa”, không phải là sửa một bộ như hiện nay mà là sửa một lúc ba, bốn bộ. 

Theo tôi thì nên thế này, có lẽ việc sửa luật thì cứ sửa. Nhưng việc thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì nên có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

Trước mắt, trên cơ sở chương trình khung được xây dựng vào khoảng năm 2015, chúng ta nên tổ chức thi viết sách giáo khoa. Qua đó chúng ta chọn bộ tốt nhất. Tôi cho rằng như thế sẽ tốt hơn là cùng một lúc tung nhiều bộ sách.

Cuối cùng vẫn chỉ là có một bộ sách giáo khoa?

Tôi cho rằng hoàn cảnh nước mình hiện nay khó mà thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa. Với bốn câu hỏi mà tôi nêu ra, Bộ GD&ĐT không trả lời được thì không ai dám quyết.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên thực hiện

MỚI - NÓNG