Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn huyền thoại:

Trường Sơn kí sự

Trường Sơn kí sự
TP- Phóng viên Tiền Phong đi dọc tuyến đường Trường Sơn đạn lửa một thời để đan xen quá khứ và hiện tại, niềm vui và nỗi buồn, ước mơ và khát vọng ngay tại các “trọng điểm lửa”, “tọa độ chết” của hơn 40 năm về trước…

Chúng tôi chọn tuyến đường 12A làm điểm xuất phát cho chuyến đi này. Một tuyến đường dài chỉ 74 km, nhưng dày đặc những địa danh đã đi vào lịch sử hào hùng của cuộc chiến.

Tuyến đường này có từ thời Pháp thuộc. Ngày đó, nguời Pháp mở con đường này chia làm hai đoạn. Đoạn đầu từ Tân ấp đến Xóm Cục chủ yếu bằng đường tàu hỏa. Từ Xóm Cục vượt đèo Mụ Giạ qua Ba Na Phàu (Lào) chạy bằng cáp treo, được gọi là “không trung thiết lộ”. Đây là một tuyến đường độc đạo và có ý nghĩa quan trọng trong việc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Tần ngần đứng trước tấm bia khiêm tốn ghi lại chiến công oanh liệt một thời ngay ngã ba Khe Ve- La Trọng, một nhánh là đường 12, nhánh còn lại là đường HCM huyền thoại. Ngay tại ngã ba này là nơi bắt đầu của con đường độc đạo vượt Trường Sơn. Suốt những năm ác liệt nhất của cuộc chiến (1965-1973), bình quân mỗi tháng có đến 600 lần không quân Mỹ dội hàng chục ngàn tấn bom đạn xuống nơi này...

Đi tìm người trong ảnh

Chúng tôi về xã Cảnh Hóa (Tuyên Hóa-Quảng Bình) để tìm gặp Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, người một thời được mệnh danh là “con chim đầu đàn trên đường 12A”. Với tôi, có một cách gọi riêng là “Người trong ảnh”. Bức ảnh chị đang tặng hoa Bác Hồ nổi tiếng đến mức, hồi đó trong mỗi ngôi nhà trên dải đất này đều có bức ảnh đó của chị.

Chị đang sống trong ngôi nhà nhỏ khá vững chãi hướng ra  mặt đường 12A lịch sử. Theo cách nói của chị thì vị trí của ngôi nhà mà chị đang sống bây giờ nó giúp chị trọn vẹn với quá khứ, chứng kiến những điều kỳ diệu hiện tại và mơ ước về một tương lai tốt lành. Dù bước qua tuổi 70, khi kể những câu chuyện của hơn 40 năm về trước, với chị vẫn thế, vẹn nguyên là chuyện  kể của cô gái đôi mươi cháy bỏng khát khao được cống hiến tuổi xuân của mình  cho Tổ quốc.

... Chị sinh năm Canh Thìn (1940), không biết mặt cả cha lẫn mẹ. Chị lớn lên nhờ vào tình yêu thương của bà ngoại và cậu mợ. Cuối năm 1965, chiến tranh phá hoại của ế quốc Mỹ trên miền Bắc trở nên ác liệt hơn bao giờ hết. Có chồng, nhưng chị quyết định xin vào lực lượng TNXP trên tuyến đường 12 khốc liệt. 182 người của huyện Tuyên Hóa lập thành đơn vị  759 đội 75 công trường 12.

Chị là tiểu đội trưởng, tiểu đội 6, gồm 16 chị em. Đơn vị của chị được giao phụ trách đảm bảo giao thông đường 12A đoạn từ nam cầu La Trọng đến Bãi Dinh.

Chị kể: “Mỗi lần vào trận chúng tôi đều được làm “lễ truy điệu sống”. Bao nhiêu lần như thế. Và cũng đã có biết bao nhiêu người đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất này.

Năm lần gặp Bác Hồ

Kể về những lần may mắn trong đời được gặp Bác Hồ, chị trẻ trung và sôi nổi như đang tuổi đôi mươi. Tháng 11/ 1966 chị được cử ra Hưng Yên tập huấn quân sự. Đó là một buổi chiều kiểm tra môn bắn súng. Ba lần bắn, chị đều đạt giỏi và xuất sắc. Lúc ấy có một ông già râu tóc bạc phơ, đi đôi dép cao su đến gần và hỏi: “Cháu có bí quyết gì mà bắn súng giỏi vậy, cháu bày cho Bác với?”. “Cháu chỉ tự tin, bình tĩnh, nín thở bóp cò thôi ạ”.

Buổi chiều tổng kết lớp, cũng ông già khoác bộ kaki sờn cũ khen chị: “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”. Lúc ấy chị mới biết đó là Bác Hồ.

Trong năm 1966, chỉ ngay tại km 21 của đường 12A thôi, B52 của Mỹ đã mở một cuộc không kích vào đây ròng rã 45 ngày đêm liền. 24 đồng đội của chị ngã xuống. Chị cũng bao lần bị bom dập, bom vùi...Với những thành tích đặc biệt của mình,  ngày 1/1/1967 chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT.

Cũng năm 1966, chị có mặt trong đoàn đại biểu của ngành GTVT ra báo cáo thành tích với Bác. Bác hỏi:”Các cô, các chú ở Quảng Bình ra thăm Bác có chuyện chi hay không? Chị là đại biểu trẻ nhất nên Bác cho ngồi gần và hỏi chuyện. Bác hỏi chị: “Cháu có chồng chưa?”. Chị không dám trả lời thật sợ Bác phê bình là tảo hôn. Nhưng Bác hỏi bao giờ thì sinh con. “Thưa Bác, khi nào cách mạng thành công, hết giặc Mỹ, cháu mới sinh con”. Bác bảo: “Sự nghiệp đánh Mỹ còn dài lâu, cháu phải sinh con để sau này còn đi đánh giặc nữa chứ. Cháu đánh giặc giỏi nhưng cũng phải làm tốt việc gia đình...”.

Lần thứ ba gặp Bác là tại Đại hội Anh hùng Toàn quốc tháng 1/1967. Đoàn Quảng Bình có 11 người. Mẹ Suốt là người cao tuổi nhất. Chị Trần Thị Lý trẻ nhất. Sau khi được gắn danh hiệu anh hùng, chị Lý được Bác quàng khăn và tặng một đồng hồ Liên Xô chế tạo. Chị Huế, chị Lý, mẹ Suốt được chụp ảnh chung với Bác...

Nhưng có lẽ lần gặp Bác xúc động và để lại ấn tượng sâu sắc nhất đó là dịp Đại hội TNXP Toàn quốc lần thứ tư (7/1967). Tôi cứ nhớ mãi giây phút đó, chị Huế kể tiếp. Theo phân công, tôi cùng chị Nguyễn Thị Nguyệt, Tổng đội phó, Tổng đội TNXP miền Nam vinh dự tặng hoa cho Bác. Bác xuất hiện, tôi ào xuống tặng hoa cho Người. Khoảnh khắc ấy bức ảnh hai Bác cháu ra  đời. Bức ảnh được Nhà in Tiến Bộ in thành hàng vạn bản và với tôi nó là gia bảo. Tôi lại được vinh dự gặp Bác lần thứ năm. Đó là khi chúng tôi chuẩn bị lên đường sang thăm Liên Xô. Chúng tôi được gặp Bác để nghe Bác dặn dò.

Khi Bác mất, chị cũng có mặt trong đoàn đi viếng Bác... Đôi mắt chị xa xăm, ngân ngấn lệ.

Lúc này đây, với thương tật vĩnh viễn 25 phần trăm, chồng mất sớm, chị tần tảo một mình nuôi ba đứa con khôn lớn thành người. Đứa con cả và con thứ hai của chị đều theo nghiệp mẹ làm trong ngành giao thông, gắn với những tuyến đường. Đứa con út, xong nghĩa vụ quân sự, đang sống cùng chị với hai đứa cháu trong ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm một thời hào hùng, oanh liệt và bi tráng. Chị chỉ mong sao thế hệ kế tiếp không làm buồn những đồng đội của chị đã ngã xuống và đổ máu xương cho con đường này. 

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG