Lưu trú bệnh viện: Đâu cũng là giường

Lưu trú bệnh viện: Đâu cũng là giường
TP- Hàng trăm nghìn người thăm nom bệnh nhân tất cả các khoa phòng của gần 1.000 bệnh viện khắp cả nước đang sống trong cảnh ngã đâu cũng là giường.

Hàng trăm người nuôi bệnh nhân ngồi ngoài khoa Cấp cứu và các khoa phòng của bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Ôm túi xách ở gầm cầu thang khu cấp cứu, chị Nguyễn Thị Út ở Đồng Tháp, nói: “Gần 10 ngày nay tôi cứ ngồi như vậy để ngóng tin con trai nằm trong đó vì chấn thương sọ não. Được ba công ruộng cũng đã bán sạch để thuốc thang cho con, giờ không đủ tiền để thuê phòng trọ” -  Chị Út tâm sự.

Họ chen chúc nhau ngoài hành lang, ở các ghế đá trong khuôn viên bệnh viện, dưới chân cầu thang và những lối đi gần cả nhà vệ sinh miễn sao được ở trong bệnh viện.

Tình trạng cũng không khá hơn khi chúng tôi nhìn thấy tại Viện Tim TPHCM, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, Nhân Dân 115, Ung bướu hay Phụ sản Từ Dũ… Đâu đâu cũng thấy người đứng, ngồi thất thểu. Mọi sinh hoạt của họ đều diễn ra trong bệnh viện nên ai cũng mang đủ thứ từ chăn mùng, chiếu gối đến bát đũa. Có người mang theo bếp ga và xoong chảo.

Tám tháng nuôi con bị u gan tại bệnh viện Ung bướu TPHCM, anh Dũng ở Quảng Ngãi mới thấm thía được nỗi vất vả khi sống vất vưởng tại hành lang bệnh viện này. “Căn phòng hơn 20 mét vuông mà có gần 30 cháu chữa bệnh, cộng thêm bố mẹ nữa có khi lên tới cả trăm người một phòng” -  Anh Dũng kể.

Anh Dũng không phải là người nuôi bệnh trường kỳ, vì ở bệnh viện này có những người sống chung ngoài hành lang, gầm cầu thang, cùng nấu ăn, cùng ngủ ngoài trời đến cả 2-3 năm cho dù trời mưa gió. 

Bác Hai ở Hậu Giang, đang nuôi bệnh ở khoa Nội 3 của bệnh viện cho biết: “Ăn ngủ còn đỡ chứ chuyện vệ sinh và tắm giặt thì... Người nuôi bệnh quá đông nên từ khoảng năm giờ sáng đến tận khuya, nhà tắm, nhà vệ sinh lúc nào cũng quá tải”.

Tại các bệnh viện, buổi sáng người rửa mặt, đánh răng phải chen nhau. Đó là chưa kể cảnh người nhà, và cả bệnh nhân cùng ăn ngủ, sinh hoạt và… uống thuốc điều trị ngay tại hành lang, mái hiên, ghế đá, cầu thang thậm chí ngay tại lối đi ra nhà vệ sinh. Nhiều người đổ bệnh vì bị muỗi đốt, suy kiệt…

Theo lãnh đạo ngành y tế TPHCM, chuyện lưu trú cho người thăm nuôi bệnh nhân vẫn bế tắc vì bệnh viện không còn quỹ đất. Hơn nữa, bệnh nhân còn quá tải thì lấy đâu để lo cho người thăm nuôi bệnh nhân. Hiện tại, ở TPHCM chưa có bệnh viện tuyến cuối nào có kế hoạch xây dựng thêm khu lưu trú cho người nhà bệnh nhân.

Giám đốc một bệnh viện lớn ở TPHCM xin được giấu tên cho biết: “Ngay cả các cơ quan quản lý y tế cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Sự quá tải bệnh nhân tại các bệnh viện hiện nay như là cái  cớ để người ta vô tình hay cố ý làm lơ cái khổ của những người thăm nuôi bệnh nhân.

Hầu hết bệnh viện đều muốn có khu lưu trú cho người nuôi dưỡng người bệnh vì, như vậy, đảm bảo sức họ mới khỏe tránh tình trạng lây nhiễm bệnh và nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Tìm hiểu của chúng tôi cho thấy, một bệnh nhân nội trú có ít nhất một người nhà đi theo chăm sóc, thậm chí là 2 - 3 người.Bệnh viện Nhi đồng 1 mỗi năm  tiếp nhận hơn 50 phần trăm bệnh nhân ở tỉnh về điều trị.

Nơi đây có 1.000 giường nội trú nhưng bệnh nhân nội trú lên tới 60.000 người/năm. Tại Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình, mỗi năm mổ hơn 20 nghìn ca, tiếp hàng chục ngàn người nuôi bệnh/năm nhưng bệnh viện đang xuống cấp, chật hẹp nên vừa quá tải bệnh nhân vừa quá tải người nuôi bệnh.

MỚI - NÓNG