Tòa án công luận quốc tế tại Paris:

Công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam

Công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam
TP - “Những bằng chứng về nạn nhân chất độc da cam VN, sự thật và công lý tiếp tục được khẳng định trước công luận quốc tế để buộc Mỹ và các bên liên đới cần xem lại quyết định bác đơn của nạn nhân chất độc da cam VN”, Luật sư William Buourdon (Pháp), đại diện Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL) trao đổi với Tiền Phong.
Công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam ảnh 1

Luật sư Wiliam Bourdon. Ảnh: Nguyễn Huy

Luật sư William Buourdon nói  trong chuyến thu thập bằng chứng về nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tại Đà Nẵng ngày 17/4.

Trực tiếp sang Việt Nam cập nhật thông tin về nạn nhân chất độc da cam và sẽ là nhân chứng sống tại Tòa án Lương tâm Nhân dân Quốc tế (tòa án công luận quốc tế) trong tháng 5 tới, điều gì thúc đẩy luật sư đến với những hoạt động này ?

Tôi làm luật sư hơn 30 năm và luôn dành thời gian lớn của mình để bảo vệ lợi ích của những người bị xâm hại quyền lợi. Như việc từng đấu với Cty Dầu hỏa Total để buộc họ phải trả tiền đền bù cho các lao động khổ sai xây dựng một đường ống dẫn dầu tại Myanmar và lôi nhà độc tài Chile Pinochet ra tòa, từng bảo vệ những người Tutsi còn sống sót và tố giác quân đội Pháp đồng lõa trong vụ diệt chủng tại Rwanda... để có tiếng nói nhất định tại các tòa án quốc tế.

Về việc tham gia bảo vệ các nạn nhân chất độc da cam, tôi tìm hiểu về cả mặt pháp lý và y học liên quan đến nạn nhân chất độc da cam. Đây là vấn đề khá phức tạp và rộng lớn, hậu quả của nó rất nặng nề, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ và tác động nghiêm trọng đến cả sức khỏe, kinh tế, và môi trường.

Tôi đã gặp nhiều nạn nhân da cam của Việt Nam, đi thăm các làng, các gia đình có người bị chất độc da cam - những người không có chân, không có tay, không thể nói, thân hình què quặt. Phải có người chịu trách nhiệm và trả giá cho điều này. Tuy nhiên, khi đem những vấn đề này ra trước công lý, nạn nhân chất độc da cam chưa đòi được quyền lợi chính đáng của mình.

Những thực tế này càng thúc đẩy những luật sư như chúng tôi phải có nhiều hành động, tiếng nói hơn nữa để làm sáng tỏ công lý, sự thật trước công luận để đòi lại sự công bằng.

Luật sư có ý kiến gì về việc tòa án Mỹ vừa bác đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?

Quyết định của thẩm phán, tòa án Mỹ trong phiên tòa này gây thất vọng rất lớn, ngay cả với các luật sư của Mỹ. Tôi không muốn gây ra sự tranh luận với các thẩm phán Mỹ ở đây nhưng rõ ràng có sự không thống nhất giữa hai sự kiện.

Một là tòa án Mỹ bác bỏ đơn kiện của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam trong khi các cựu chiến binh của Mỹ lại được bồi thường. Rõ ràng họ biết bồi thường cho người Mỹ nhiễm chất độc này nhưng lại tảng lờ những số phận khác. Đó là một quyết định bất bình đẳng và vi phạm nhân quyền.

Tuy bị bác đơn kiện, nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vẫn giành thắng lợi một phần, làm cho công luận quốc tế biết đến những gì Chính phủ Mỹ và Cty hóa chất Mỹ làm với Việt Nam. Vì thế, chúng ta có quyền hi vọng và đấu tranh tiếp. Những người yêu chuộng công lý và hòa bình vẫn tiếp tục đấu tranh, đứng về các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho đến khi nào giành được công lý cho những nạn nhân này.

Chiều 16/4, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có buổi tiếp luật sư William Bourdon

Tòa án công luận quốc tế có gì khác với những phiên tòa trước và mục đích của nó là gì, thưa luật sư ?

Không có gì thay đổi, tòa án sẽ được tổ chức từ ngày 14 - 15/5 tới tại Paris. Đó không phải là tòa án pháp lý mà là tòa án công luận để cộng đồng quốc tế thảo luận, đưa ra ý kiến về việc thực hiện công lý với nạn nhân Việt Nam.

Đây là một bước đi bổ sung, tiếp nối và rất quan trọng để tiếp tục những gì đã đạt được trong cuộc đấu tranh đòi công lý, sau phán quyết bất bình đẳng của tòa án Mỹ. Chúng tôi không đưa nạn nhân sang Paris tham dự phiên tòa. Vì thế, có sự hiện diện của chúng tôi tại Việt Nam trước khi phiên tòa diễn ra để thu thập, bổ sung thông tin thực tế làm bằng chứng cho các bạn tại phiên tòa.

Từ đó chúng tôi sẽ có báo cáo về tất cả các lĩnh vực y học, kiến thức về sinh thái, tâm lý học liên quan đến nạn nhân chất độc da cam đã được chứng nhận bởi các chuyên gia quốc tế. Các chuyên gia như là các quan tòa cùng tranh luận với nhau và đưa ý kiến về quyết định của tòa án Mỹ.

Đồng thời, phiên tòa sẽ nói về trách nhiệm của Chính phủ Mỹ, các Cty hóa chất Mỹ. Sau phiên tòa, chúng tôi sẽ gửi thông điệp tới Chính phủ Mỹ, Cty hóa chất Mỹ.

Mục đích của phiên tòa là để công luận biết đến những việc mà Chính phủ Mỹ, các Cty hóa chất Mỹ từng làm ở Việt Nam, gây hậu quả nặng nề cho các nạn nhân chất độc da cam, để công luận cùng lên tiếng đòi công bằng cho các nạn nhân và gia đình của họ. Bên cạnh đó, yêu cầu các bên liên đới cần xem lại quyết định bác đơn của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Luật sư có nhận định gì về những chuyển biến của cộng đồng quốc tế với cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam hiện nay ?

Ngay cả các cựu chiến binh Mỹ, Hội đồng Hòa bình Mỹ, tổ chức “Chiến dịch giảm nhẹ nỗi đau và trách nhiệm đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” của Mỹ... và rất nhiều tổ chức, cá nhân khác cũng đều lên tiếng phản đối phán quyết này và tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam.

Xin cảm ơn luật sư.

William Bourdon (SN 14/8/1956), luật gia người Pháp, đồng thời là Chủ tịch Sherpa - một tổ chức phi chính phủ của giới luật sư quốc tế, từng đưa đơn kiện nước Pháp về tội “oa trữ đồ gian” từ việc “ăn cắp công quỹ” của nhiều tổng thống châu Phi và được mệnh danh là “những luật sư đi kiện tổng thống”.

Ông là thành viên của Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế (IADL). IADL thành lập năm 1946 tại Paris (Pháp), hiện có thành viên tại hơn 100 quốc gia trên thế giới. Đây là lần đầu tiên phiên tòa công luận quốc tế được Hội tổ chức. Sau khi Toà án Tối cao Hoa Kỳ bác đơn yêu cầu xem xét lại phán quyết phi lý của tòa án cấp dưới về vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đối với các Cty hóa chất Hoa Kỳ, IADL có sáng kiến thành lập Tòa án Lương tri Nhân dân Quốc tế về trách nhiệm của phía Hoa Kỳ rải chất độc da cam tại Việt Nam. Luật sư William Bourdon sang Việt Nam lần này để tìm hiểu những hậu quả do chất độc da cam, thu thập chứng cứ và sẽ là nhân chứng sống tại phiên toà lương tri nhân dân quốc tế sẽ tổ chức tại Paris vào tháng 5 tới.

Chiến dịch đoàn kết với các nạn nhân da cam VN là một trong sáu chiến dịch mà IADL đang theo đuổi hiện nay gồm: bảo vệ điều 9 của hiến pháp Nhật Bản, độc lập cho hệ thống tư pháp Pakistan, bảo vệ những luật sư đang bị đe dọa ở Philippines...

Nguyễn Huy
thực hiện

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.