Thị trường chứng khoán: Đừng sớm lạc quan

Thị trường chứng khoán: Đừng sớm lạc quan
TP - Một tuần liền liên tiếp phá kỷ lục về tính thanh khoản (số lượng cổ phiếu và giá trị giao dịch), thị trường chứng khoán bỗng chốc khiến người ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ. Sự lạc quan này có được từ đâu khi mà nhiều khó khăn của nền kinh tế vẫn còn?
Thị trường chứng khoán: Đừng sớm lạc quan ảnh 1

Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên thận trọng dù thị trường chứng khoán tuần qua liên tục phá kỷ lục về tính thanh khoản. Ảnh: Hồng Vĩnh

Bắt đầu tuột

Sáng 20/4, 50 triệu cổ phiếu của ngân hàng Sài Gòn- Hà Nội (SHB) tương ứng 500 tỷ đồng chính thức chào sàn tại Trung tâm giao dịch (TTGD) chứng khoán Hà Nội, trở thành cổ phiếu ngân hàng thứ ba lên sàn (hiện có ACB và STB).

Tiền ở đâu rót vào chứng khoán?

Đi kèm những phiên thanh khoản liên tục phá kỷ lục (cao nhất lên tới 2.079 tỷ đồng phiên ngày 14/4), câu hỏi đặt ra: Tiền rót vào chứng khoán ở đâu mà nhiều vậy?

Theo một số chuyên gia, phần tiền không nhỏ trên thị trường chứng khoán là từ kênh đầu tư vàng chuyển sang. Bởi khi giá vàng đột ngột tăng vọt, lên mốc hai triệu đồng/chỉ.

Cùng đó, lãi suất ngân hàng chỉ ở mức 8 phần trăm/năm khiến nhiều người so đo, kém mặn mà với tiết kiệm, quay sang gửi chứng khoán.

Còn một câu hỏi hiện vẫn chưa có lời giải đó là có hay không chuyện nguồn vốn kích cầu đổ vào chứng khoán.  

Tám giờ rưỡi, lệnh đặt mua những cổ phiếu mã SHB đầu tiên được chào với giá 14.700 đồng. Kết thúc phiên, có hơn hai nghìn cổ phiếu được mua bán trao tay với giá bình quân 15.200 đồng/cổ phiếu, trở thành mã có khối lượng giao dịch lớn nhất trong phiên. Như vậy, chỉ bước qua khỏi cổng OTC, giá cổ phiếu này đã vọt xa mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, hôm qua cũng là phiên chỉ số chứng khoán sàn TPHCM có hai bước thụt lùi. Không chỉ có tốc độ rơi mạnh nhất từ đầu năm tới nay (VN- Index chỉ còn 318,89 điểm). Tại phiên này, nhiều mã dù chào giá sàn vẫn ế.

Sàn Hà Nội cũng không tránh khỏi phiên điều chỉnh mạnh, với mức sụt đến 6,22 điểm, chỉ số chứng khoán sàn này dừng ở mức 116,34 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường chỉ còn 10 triệu chứng khoán, thay vì mức bình quân 24,7 triệu chứng khoán hồi tuần trước, trị giá 204,8 tỷ đồng.

Phó Tổng giám đốc Cty chứng khoán Hòa Bình (HBS) Nguyễn Huy Dương phân tích, thị trường tăng nhanh, mạnh hơn cả sự trông đợi của giới đầu tư.

"Chưa bao giờ, thanh khoản lại lập kỷ lục và liên tục phá kỷ lục như vậy. Theo phân tích của chúng tôi, tuần này sẽ có những phiên lên - xuống; thị trường có thể  và sẽ tuột cả về điểm số và giá trị giao dịch” - Ông Dương nhận định.

Lại sẽ giảm về 300 điểm

Lý giải về những phiên thanh khoản kỷ lục thời gian qua, ông Lê Hồ Khôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCK Tràng An cho rằng, TTCK có thời điểm xuống rất thấp do những tác động của suy giảm kinh tế dẫn đến khó khăn của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp thua lỗ nặng nề.

Tuy nhiên, nay đứng trước những tín hiệu tốt về nền kinh tế, nhà đầu tư bình tâm hơn và mua cổ phiếu. Sự vào cuộc của các quỹ nước ngoài theo chu kỳ giải ngân cũng được xem là một tác động.

Thị trường nhiều tín hiệu lạc quan, VN- Index sẽ lên đến ngưỡng nào? Ông Dương thận trọng: “Không loại trừ sẽ có những phiên tăng mạnh nhưng nhiều khả năng đó là bẫy phục  hồi (blluetrap); Sau đó sẽ là đợt giảm mạnh về dưới ngưỡng 300 điểm”.

Còn theo ông Khôi, có những dự đoán cho rằng cuối năm VN-Index sẽ trên mức 400 điểm nhưng tôi lại có quan điểm VN Index dao động 300-350.

Trước những diễn biến này, chuyên gia phân tích kinh tế CTCK Thăng Long ông Joseph Busa, khuyên nhà đầu tư nên thận trọng để cân bằng giữa triển vọng tăng trưởng với rủi ro giảm giá của thị trường, do thị trường thế giới không ổn, tâm lý nhà đầu tư có thể chuyển dịch từ tích cực sang tiêu cực.

MỚI - NÓNG