Bộ chính trị đưa ra phương hướng phát triển giáo dục

Bộ chính trị đưa ra phương hướng phát triển giáo dục
TPO - Ngày 15/4, Bộ Chính trị ban hành kết luận về phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Theo đó, bảy nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra để phát triển giáo dục.
Bộ chính trị đưa ra phương hướng phát triển giáo dục ảnh 1
Ảnh: Phạm Yên

Bộ chính trị cho rằng, sau 12 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII), giáo dục đào tạo có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng.

“Việc phát triển giáo dục và đào tạo gắn với phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ có bước tiến bộ”.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bộ chính trị cũng cho rằng, giáo dục và đào tạo chưa thực sự là quốc sách hàng đầu; Mặc dù được tăng đầu tư tài chính nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao; công tác tổ chức, cán bộ, chế độ, chính sách chậm đổi mới. Chất lượng giáo dục còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, miền; quan tâm đến phát triển số lượng nhiều hơn chất lượng.

Bên cạnh đó, “năm năm gần đây, việc cho phép thành lập mới các trường cao đẳng, đại học có phần dễ dãi, trong khi các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật và đội ngũ giảng viên không đảm bảo, dẫn đến chất lượng đào tạo thấp, nhất là trường ngoài công lập và các trường của địa phương”…

Chương trình, giáo trình, phương pháp giáo dục chậm đổi mới, chậm hiện đại hóa; nhà trường chưa gắn chặt với đời sống xã hội và lao động nghề nghiệp, chưa chú trọng phát huy tính sáng tạo, năng lực thực hành của học sinh, sinh viên; thi cử còn nặng nề, tốn kém.

Về công tác quản lý giáo dục vẫn còn nhiều yếu kém và đây được đánh giá là “nguyên nhân chủ yếu của nhiều nguyên nhân khác”.

Cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới… Đạo đức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục còn thấp.  

Trên cơ sở đó, bảy nhiệm vụ, giải pháp cần được thực hiện tốt để phát triển giáo dục đến năm 2020, gồm:

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý.

Đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo.

Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục. 

Rà soát lại toàn bộ chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Sớm khắc phục tình trạng quá tải, nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa khuyến khích đúng mức tính sáng tạo của người học; chuẩn bị kỹ việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng hiện đại, phù hợp và có hiệu quả.

Đổi mới, hiện đại hóa chương trình giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, chuyển mạnh mẽ từ đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội. 

Tăng cường nguồn lực cho giáo dục. Tăng đầu tư nhà nước cho giáo dục và đào tạo; ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia, khắc phục tình trạng bình quân, dàn trải; đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa giáo dục; đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo nhằm góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và bảo đảm công bằng trong giáo dục.

Đảm bảo công bằng xã hội trong giáo dục. Nhà nước tập trung đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền...

Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Giáo dục trong thời kỳ hội nhập quốc tế càng cần phải bảo đảm phát triển bền vững, không ngừng nâng cao chất lượng, phát huy tối đa nội lực, giữ vững độc lập, tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước tiếp cận nền giáo dục tiên tiến thế giới.

Mở rộng hợp tác đào tạo đa phương gắn với việc tăng cường công tác quản lý nhà nước.

MỚI - NÓNG