Xôm tụ

Trầm tích Trường Sa-Kỳ II: 34 năm giải phóng

Trầm tích Trường Sa-Kỳ II: 34 năm giải phóng
TP - Hai đêm và một ngày những dập dềnh cùng lắc lư, 4 giờ 30 phút sáng, hòn đảo được coi là nhỉnh nhất trong quần đảo Trường Sa gọi là Trường Sa lớn đã hằn đậm một vệt trên đường chân trời.

>> Kỳ trước

Chúng tôi hết thảy không ai bảo ai đều đứng lặng trên boong dõi mắt về phía vệt mờ ảo ấy, lặng đi trong ca khúc Không xa Trường Sa ơi qua hệ thống truyền thanh của nhà tàu.

Hòn đảo lớn trong quần đảo Trường Sa bao lần được thấy trên phim ảnh và các phương tiện truyền thông với cột mốc chủ quyền CHXHCN Việt Nam huyện đảo Trường Sa dần hiện rõ với cầu tàu cùng những vệt  xanh dương thế (khác với sắc xanh ngằn ngặt miên man hàng ngày đường bể mà tôi tạm gọi là phần âm thế) của cây cối cùng sắc hồng nâu mái ngói…

Những muốn ào lên ngay nhưng đành chịu đứng xa mà ngó! Chợt nhớ hồi hôm, có những khoảng biển yên yên, đại tá Chấn dõi ánh mắt về phía tít xa đường chân trời nói với chúng tôi rằng với cỡ gió lẫn sóng như thế này, tàu có thể cập cảng Trường Sa lớn được! Nhưng thời tiết đã không chiều. Tự dưng sáng nay biển thốc sóng ào ạt nên tàu không cặp cảng. Tất thảy đều vào đảo bằng cách từng tốp 20 người xuống xuồng nhỏ lựa sóng tấp vào bờ.

Trước khi xuống xuồng, mỗi người được phát một túi nylon, trong đó đựng đồ nghề các thiết bị ghi hình cho phóng viên lẫn quần áo. Tại Trường Sa lớn, xuồng cập đảo khoảng cách gần chỉ mấy trăm mét. Nhưng ở nhiều đảo, do địa hình khác nhau, khoảng cách từ tàu vào đảo đi bằng xuồng phải 2 - 3 cây số.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2007/NĐCP ngày 11/4/2007 thành lập các đơn vị hành chính của huyện Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, huyện Trường Sa có ba đơn vị hành chính trực thuộc gồm thị trấn Trường Sa và các  đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn. Thị trấn Trường Sa được thành lập trên cơ sở đảo Trường Sa lớn và các đảo, bãi đá bãi phụ cận. Xã Sinh Tồn được thành lập trên cơ sở đảo Sinh Tồn và các đảo bãi đá bãi phụ cận.

Tôi sục lâu hơn bàn chân trần trên cát ẩm mặn, mắt giương láo liên ý chừng muốn cho đã con mắt lỗ tai tiếng gà cục tác cùng đám trẻ bi bô dưới những tán cây phong ba cùng bàng vuông (thứ cây duy nhất hiện hữu trên đảo) cách đất liền 400 km để cảm hết chất đất liền qua mấy ngày đêm lênh đênh sóng nước.

Ngó động thái tự nhiên lẫn thản nhiên của cô nhân viên nhà dây thép đảo Trường Sa lớn ấn con mộc có dòng chữ UBND tỉnh Khánh Hòa, Huyện đảo Trường Sa vào tờ công lệnh của toà báo cấp, tôi chợt nghĩ ngay đến động thái ấn mộc ấy như là sự tiếp nối gần hai trăm năm trước vua Minh Mạng ban ấn triện cho đội lãnh binh Bắc Hải ra quản lý khai thác quần đảo Trường Sa vậy.

May mắn được dự lễ kỷ niệm 34 năm ngày Giải phóng Trường Sa. Lễ có diễn văn của đại diện cơ quan quân, dân, chính, đảng của Trường Sa.  Đến mục lễ diễu binh diễu hành của quân dân thị trấn đảo qua đoàn chủ tịch của cuộc mít tinh đặt ngay dưới cột mốc chủ quyền CHXHCN Việt Nam. Đảo Trường Sa vĩ độ 08O 38'30'' Kinh độ 111O 55' 55". Lần lượt các khối tham gia diễu hành của các binh chủng đang đứng chân làm nhiệm vụ bảo vệ đảo, tôi chú ý đến một thanh nữ bận áo dài màu rất tươi tay giương cao tấm biển đề Nhân dân thị trấn Trường Sa.

Đằng sau cô, tíu tít quần tụ những gương mặt nghiêm trang nhưng hớn hở của cư dân đất liền. Sau này hỏi lại mới hay thanh nữ ấy là cô giáo Hoa cùng chồng con trong đất liền ra sinh cơ lập nghiệp ở Trường Sa lớn này. Cô giáo Hoa như một hậu duệ Việt trong đội hình nước Việt cứ lần lượt tiếp nối  mãi từ thời Minh Mạng  gần hai thế kỷ nay (mà có thể còn trước hơn thế nữa) ra giữ đảo Trường Sa lớn này!

Xôm tụ

Tắt qua khu đất trống mai kia Thủ đô Hà Nội sẽ xây dựng dành tặng Trường Sa lớn một nhà khách mang tên Hà Nội khá khang trang, tôi rẽ vào khu gia đình của đảo. 

Tôi được nghe sắp tới, cùng với nhiều cơ sở vật chất cho quốc phòng cho dân sinh được xây mới trên nhiều đảo nổi đảo chìm của Trường Sa, sẽ có một ngôi chùa khá bề thế tại đảo Sinh Tồn thèo đảnh. Thả bước trên lối đi được kè bằng bê tông chắc chắn vững chãi trong khu gia đình của thị trấn Trường Sa, ngó lũ gà nhép đang lích chích dưới tán bàng vuông. Căn hộ dành cho gia đình anh Võ Văn Trường được đánh số 7.

Trầm tích Trường Sa-Kỳ II: 34 năm giải phóng ảnh 1
Gia đình anh Trường ở thị trấn Trường Sa

Quen thói tư duy đất liền, tôi đưa mắt ướm thử căn hộ, sân trước sân sau lại có khoảng đất vườn con con lọt thỏm đang mởn xanh rau muống rau mồng tơi, thấy giá thành xây cất lẫn mặt bằng địa ốc đất liền phải là hàng tỷ! Nhưng chắc ở đây cái giá ấy phải gấp lên nhiều lần bởi, rinh từ Khánh Hòa vượt trùng dương hơn 700 cây số  ra đây những xi măng sắt thép, gạch ngói là những công trình xiết kể mấy mươi. Ngó động thái vơ nắm giẻ lau mặt bàn nước và cung cách pha trà, tôi thấy ông chủ trẻ này như  sở hữu căn hộ lâu lâu lắm?

Thẽ thọt một hồi với cháu Phương, thấy mình đã bạc cả đầu mà còn thấy bao điều lạ. Lạ là lớp cháu chỉ có nhõn hai bạn thôi. Là lớp 4 không thôi chứ hổng có bốn mấy (A, B, C... như trong đất liền) có lớp chỉ có một cô với một bạn thôi à!  Rồi cái cười của Phương  con đố bác nếu ở mục Ai là triệu phú trên truyền hình khi được hỏi ở đâu có thị trấn mà tại đó không  có chợ lẫn tai nạn giao thông? Trường Sa lớn này đó bác!

Chiều muộn, tôi bệt trên cái ụ công sự bằng xi măng với đám đàn ông trần trùng trục cư dân mới của Trường Sa lớn. Đã bao chiều họ tụm năm tụm ba như thế trên bờ ụ này như thế để ngóng về phía mù xa đất liền? Trong lớp lang những lời đùa tếu cả những câu chuyện tiếu lâm, tôi thử bóc tách cái ngóng của đám đàn ông  này một chút! Hóa ra chả phải là những cái ngóng vô vọng chẹp miệng thở than này khác.

Trong câu chuyện, tôi đọc được những tâm sự, trên cả nỗi nhớ nhà nhớ đất liền, mặc dầu được chính quyền đảo và cấp trên lo chu đáo cho mọi thứ nhưng họ đâu muốn cứ ngồi chơi như thế mà đợi mọi sự chu cấp này khác?

Vốn là những ngư dân, những thợ máy, những lam làm này khác, họ mong ước làm sao để một ngày nào đó Trường Sa lớn này sẽ thành một ngư trường  lớn. Họ, hoặc là sẽ làm thuê trên những con tàu cá với các kiểu đánh bắt hiện đại, hoặc sẽ mở những cơ sở dịch vụ cung cấp xăng dầu, nước ngọt, vật liệu nghề cá cho nhiều con tàu với các loại mã lực ngày đêm cày xới trên ngư trường, có tiếng là giàu có xôm tụ nhiều loại hải sản quý này! Trụ trên ngư trường lớn ấy, gia đình họ phải từng bước giàu có, ăn nên làm ra chứ không phải tằng tằng qua ngày như thế này  mãi được!

Xôm tụ một ngư trường? Tại sao không nhưng biết là khi nào? Hình như cũng là một điểm nhấn, hơn thế nữa, một điểm son cho chiến lược biển đảo của đất nước?

(Còn nữa)

Xuân Ba

MỚI - NÓNG