Vào Sài Gòn, lính trẻ ngày ấy…

Vào Sài Gòn, lính trẻ ngày ấy…
TP - Mới giải phóng, đoàn quân chiến thắng vào thành phố. Bên cạnh niềm vui chiến thắng là những bỡ ngỡ với cuộc sống đô thị ngày hòa bình.

Nhà văn Ngô Minh, khi đó là một anh lính trẻ, viết lại những ký ức không bao giờ quên: chuyện đi chợ, in báo thủ công giữa lòng thành phố Sài Gòn hoa lệ, chuyện lấy vợ sau những ngày gian khổ…

Sáng 30/4, Sư đoàn 7, trong đội hình của Quân đoàn 4 được lệnh xuất kích đánh chiếm Sài Gòn ở hướng Đông -Bắc. Ngồi trên xe tải chở quân, tôi thấy quân đội Sài Gòn tan tác thành từng mảng, cởi bỏ súng đạn, quân trang, quân dụng vất ngổn ngang dọc đường như rác, chạy thục mạng trên đồng. Đường quốc lộ từ Xuân Lộc vào Sài Gòn như một bãi rác đồ lính. Một giờ chiều chúng tôi vào tới Dinh Độc Lập. Sư đoàn 7 được lệnh quân quản Quận Một. Bà con Sài Gòn đứng đông nghịt bên đường, phụ nữ mặc áo dài hoa, cầm cờ đỏ sao vàng vẫy chào.

Sài Gòn tháng Tư, nắng long lanh như mật. Các mẹ, các em Sài Gòn khoác khăn rằn, gánh tới những nồi cháo gà bốc khói thơm lựng. Các mẹ múc từng tô đưa cho chúng tôi, rồi ngồi ngắm chúng tôi ăn, như ngắm đàn con ở nhà. Tôi có cảm giác cháo gà ngon như cháo mẹ tôi nấu khi tôi còn nhỏ! Đó là bữa ăn đầu tiên mà tôi được ăn  trên đất Sài Gòn giải phóng. 34 năm rồi, nhưng ký ức người lính chiến  trong tôi không thể phai mờ...

Chuyện cầy tơ và cưới vợ

Vô Sài Gòn, Ban chính trị Trung đoàn 141, sư đoàn 7 chúng tôi ở số nhà 11, hẻm Cây Điệp, đường Nguyễn Đình Chiểu. Hôm trước  hành quân vào Sài Gòn, chúng tôi thấy trên đường có rất nhiều quán quảng cáo “A, đây rồi! Cầy tơ bảy món”, nên hôm sau  mấy anh dân Bắc Kỳ  thèm cầy tơ, bèn rủ nhau đi kiếm. Khoảng chín giờ đêm, sinh hoạt đơn vị xong, tôi và anh Lạc “hậu cần” của Ban, anh Minh chụp ảnh lẻn ra phố.

Bây giờ là giờ thiết quân luật, nên khi nghe chúng tôi gõ cửa: “Quân giải phóng đây”, thì chủ nhà cửa ra, mặt mày xanh lét, vì sợ! Nhưng nghe chúng tôi hỏi: “Có thịt cầy và rượu bán không bố?”, thì ông tròn xoe mắt ngạc nhiên, rồi mỉm cười xởi lởi. Không hiểu sao mấy hôm chiến sự căng thẳng thế mà quán này vẫn có  thịt cầy và rượu. Ông chủ quán hỏi các chú cần món gì. Chúng tôi kêu vài món...

Ông gọi đứa con gái dậy, vào bếp thái chặt, rồi bưng ra, gói thịt và rượu cho bộ đội. Không biết giá bao nhiêu, chúng tôi trả 500 đồng tiền Sài Gòn, ông không lấy (phụ cấp của  chúng tôi mỗi người được 2.000 đồng tiền Sài Gòn một tháng. Hai ngàn đồng lúc đó có thể mua được gần tạ gạo). Anh Lạc liền rút tờ tiền 10 đồng của miền Bắc, mà anh mang giữ như một kỷ vật  suốt bảy năm vào chiến trường ra biếu ông! Tờ 10 đồng lúc đó có thể mua được một chiếc đồng hồ Orien “ba cửa sổ”! Ông chủ quán cầm tờ tiền run run ấp vào ngực, rồi cám ơn rối rít. Chúng tôi ra khỏi cửa còn nghe vọng tiếng cô gái: “Việt Cộng mà cũng  ghiền thịt cầy, hay quá ba heng!”.

Đêm đó anh Phùng Khắc Bắc (nhà thơ, mất năm 1990, giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ “Một chấm xanh”) ở Ban chính trị Sư đoàn về chơi uống rượu, tán gẫu. Anh bảo, khoảng tháng sau anh được đi phép ra Bắc. Anh em mừng lắm. Anh vào B từ năm 1967, đã tám năm  trời rồi  chả nhận được tin tức gì của gia đình cả. Bẵng đi ba tháng, anh lại xuất hiện. Anh kể chuyện về nhà lo tiền cưới vợ mà cười ra nước mắt. Anh bảo mình về quê (anh Bắc quê ở Hà Tây nhưng gia đình chuyển lên thị xã Dĩnh Kế, thị xã Bắc Giang lâu rồi) các cụ bảo cưới vợ. Các cụ đã dạm cho một cô hàng xóm, cũng được lắm, mình thích ngay! Nhưng ngặt nỗi, gia đình mình thì nghèo. Mình thì “trên răng dưới ca tút”.

Nhưng nghĩ mình đã ba hai tuổi rồi, phải lấy vợ để các cụ yên tâm. Thế là có thằng bạn cũ  cùng học cấp ba bày cho cách “lái lợn” kiếm tiền. Nó cho mình vay tiền, rồi dẫn mình đi mua lợn ở quê, về bán cho chủ lò mổ. Ngày ngày Phùng Khắc Bắc xắn quần móng lợn đạp xe đi mua heo, rồi về thị xã “nhập” cho chủ mổ heo (mà thời đó, đã mổ heo thì chỉ là... mổ lậu!) Thế mà đợt làm “lái lợn” ấy lời được hẳn con lợn để mổ trong ngày cưới mời bà con hai họ! Kể xong, anh Bắc cười rung gò má xạm đen, rồi hai hàng nước mắt giàn giụa!

Vài hôm sau, nhà văn Nam Hà từ Hà Nội vào, ngủ lại với chúng tôi ở hẻm Cây Điệp. Anh Nam Hà vào bám trụ chiến trường B2 từ năm 1964. Ở chiến khu suối Chiêm, Bà Đen (Tây Ninh) anh có mở một lớp sáng tác cho Sư đoàn Chiến Thắng (Sư 7). Khi chia tay anh tặng mỗi người một cuốn sổ có ghi hai câu thơ “Xa nhau không hề rơi nước mắt. Nước mắt chỉ dành ngày gặp mặt” trích trong bài thơ “Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi” của anh, mà tôi đã thuộc từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Vì thế mà vô Sài Gòn là anh tìm đến Sư 7.

Anh bảo anh vô lần này để lấy tư liệu viết tập ký sự “Mặt trận Đông Bắc Sài Gòn”. Nghe chuyện Phùng Khắc Bắc về quê cưới vợ, anh lại bốc lên kể chuyện anh cũng mới ra Bắc, vừa yêu vừa cưới cấp tốc chỉ hơn tuần, cưới xong thì vào lại chiến trường. Anh bảo: “Các cậu biết không, 41 tuổi mình mới biết thế nào là tình yêu! Hẹn giờ gặp người ta hẳn hoi rồi, mình lại cứ đến trước cả tiếng đồng hồ để chờ thấp thỏm. Hay thật, hay thật!”.

In “báo” thủ công ở Sài Gòn

Sài Gòn 1975, công nghệ in báo đã đạt đến trình độ tiên tiến của thế giới lúc đó. Nhưng vào Sài Gòn từ 30/4, những người làm báo chúng tôi vẫn in báo theo cách thủ công của mình ở chiến khu. Vì bộ đội giải phóng hành quân nay đây mai đó, nên rất ít được đọc báo miền Bắc gửi vào hay báo xuất bản ở vùng giải phóng, nên đã hàng chục năm nay, nhiệm vụ của Ban chính trị Trung đoàn, Sư đoàn là sau mỗi trận đánh hay một đợt huấn luyện phải ra “bản tin” và các tập sách “chuyên đề” để phát cho bộ đội đọc. Bản tin Sư đoàn 7, gọi là “Chiến Thắng”.

Tổ “Bản tin Ba Vì” (bản tin của Trung đoàn 141 (Trung đoàn mang tên Ba Vì) chúng tôi có anh Dương Huy người Hà Đông, anh Toan, Minh người Hải Hưng và tôi là người trẻ nhất. Tham gia viết ở các tiểu đoàn có anh Lê Huy Khanh, Nguyễn Quốc Trung (sau này đều trở thành nhà văn). Gọi là bản tin, nhưng hình thức và nội dung thì giống như tờ báo vậy. Cũng có tin tức thời sự trong nước, ngoài nước (in theo bản tin đọc chậm của Đài tiếng nói Việt nam), tin bài về gương chiến sĩ dũng cảm, thơ, nhạc, tranh vui, có khi in cả truyện ngắn do Dương Huy viết! “Báo” chúng tôi  in khi 4 trang, khi 8 trang, hai màu hẳn hoi! Giấy báo, stelcil (giấy nến), mực in... trước 30/4 thì mua ở Cămpuchia, do anh Trần Hồng Lạc, người Thanh Hóa, trợ lý “quân nhu” của Ban chính trị, tuần nào cũng đạp xe đi chợ Mi Mốt, Krachê (Cămpuchia).

Chuẩn bị chiến dịch Hồ Chí Minh, anh Lạc đi mua rất nhiều các thứ cần thiết để in báo. Từ đầu năm 1975, hành quân hàng trăm cây số theo bộ đội từ Đồng Xoài lên đánh Phước Long, rồi lên Bảo Lộc, rồi quay về đánh Xuân Lộc, chúng tôi đều mang kè kè trên lưng vài chục cân giấy báo; vài trăm tờ Stelcil, mấy lọ mực xanh đỏ, một cái máy chữ và một khuôn in bằng vải lụa, vất vả không khác gì một người dân công hỏa tuyến thồ hàng ra trận! Sau mỗi trận đánh chúng tôi đều ra bản tin, in 500 tờ, phát về mỗi tiểu đội hai tờ.

“Công nghệ in” của chúng tôi rất thủ công lạc hậu. Đầu tiên là đánh máy vào giấy stelcil, đánh chia cột theo “mi” báo, có chừa chỗ để in tranh và kẻ tít. Tít báo thì kẻ bằng bút kim. Tất cả trình bày trên tờ giấy nến cỡ 30x40 cm. Khi in, dán tờ giấy nến vào mặt sau khung lụa, đặt giấy báo bên dưới khung in, vặn vít cố định, rồi bắt đầu lấy một cái chổi bằng xơ dừa, hoặc cắt từ dép xốp quệt mực liên tục. Quệt “nháp” khoảng 20 tờ, thấy đều mực mới in chính thức. Khi in hai màu thì chờ khô màu thứ nhất, lại đưa vào khung in, in màu thứ hai.

Vào Sài Gòn, việc đầu tiên của “tổ báo” chúng tôi là đi kiếm giấy in báo. Vì hành quân cả mấy tháng trời hết nhẵn. Tôi nghĩ ra cách  đến  các nhà in trong thành phố để lấy giấy in báo. Lúc này ở Sài Gòn đang có phong trào “giúp bộ đội giải phóng”. Ai giúp thì được Sư đoàn cấp một giấy xác nhận  thành tích có chữ ký sư trưởng Nam Phong đóng dấu đỏ hẳn hoi. Chúng tôi được phát những tờ khống chỉ như thế.

Tôi ra gọi một chiếc xe lam. Cậu y tá tên Thành, người Thái Bình ở trung đoàn bộ được điều đi giúp tôi lấy giấy in báo. Khi ra đường thấy chiếc xích lô máy chở nước đá cây đang lóng lánh bảy sắc cầu vồng trong nắng tháng Năm Sài Gòn, vì dân quê đi bộ đội là vào rừng, lần đầu tiên đến thành phố nên Thành không biết đó là thứ gì, Thành níu vai tôi la toáng lên: “Anh Khôi ơi! Kim cương! Kim cương nhiều chưa kìa!”. Tôi nín cười, mắng: “Im đi, họ cười cho đấy, đó là nước đá, họ làm đông nước thành đá!”. Thế mà chỉ vài ngày sau, cậu ta lại là người sáng kiến lấy giấy báo để ủ để nước đá lâu tan. Chúng tôi in báo Trung đoàn, Sư đoàn bằng “công nghệ thủ công” ấy mãi đến tháng 6/1976 mới thôi!

Đi chợ Sài Gòn

Là một  cử nhân tốt nghiệp Trường Đại học Thương nghiệp Hà Nội hẳn hoi, mà sáng 30/4, tôi mới lần đầu tiên biết thế nào là quảng cáo! Dọc đường từ Xuân Lộc vào Biên Hòa, trên xa lộ Sài Gòn có trưng rất nhiều  tấm biển to tướng với đủ màu sắc lòe lọet. Lớn nhất và gây ấn tượng  là tấm biển vẽ một gương mặt người da đen đang cười, khoe hàm răng trắng tinh, đều răm rắp với chữ Hynos to tổ bố.

Tấm biển rộng hàng chục mét vuông, được dựng bằng khung sắt bê tông cao lớn giữa cánh đồng, đi xa hàng chục cây số vẫn thấy! Tôi hỏi một chị du kích dẫn đường ở Biên Hòa là họ vẽ cái gì thế. Chị  nhìn tôi như thể từ mặt trăng rơi xuống, rồi cười toáng lên: “Đó là quảng cáo hàng hóa. Họ quảng cáo loại thuốc đánh răng tên là Hynos! Cả miền Nam này dùng loại thuốc đánh răng này đấy!”. Về quảng cáo, tôi chưa bao giờ được học ở trường đại học ở Hà Nội!

Từ ngày 1/5/1975, ở Sài Gòn mua bán vẫn diễn ra bình thường.  Sáng ngày 1/5/1975 và những ngày sau đó, chúng tôi lại “trốn” đi chợ Bến Thành, chợ Lớn. Lúc này, dù là quân quản, nhưng các chợ ở  Sài Gòn  bà con tiểu thương vẫn buôn bán bình thường. Các cửa tiệm quần áo may sẵn, vải, len, dạ vẫn mở cửa. Các xe nước mía, nước sinh tố, các xe bánh mỳ rôm rả tiếng chào mời.

Báo chạy nhất lúc ấy là cờ đỏ sao vàng đủ loại to nhỏ và tấm biển mi-ca nền đỏ chữ vàng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Người ta đổ nhau đi mua. Cờ đỏ sao vàng để treo ở cổng nhà và lập bàn thờ Tổ Quốc có ảnh Bác Hồ, còn tấm biển “Không có gì quý hơn độc lập tự do” để gắn lên tường Sau này tôi mới biết là các loại cờ, biển ấy là do làng Thổ Tang (Vĩnh Phúc) sản xuất và họ ùn ùn chở vào Nam theo ngay sau chân đoàn quân giải phóng!

Nhạy bén kinh doanh như thế phải gọi là siêu!  Loại hàng “cách mạng” thứ hai là phù hiệu, quần áo quân giải phóng! Bà con tiểu thương Sài Gòn không biết rằng, quần áo, sao mũ, quân hàm quân hiệu bộ đội là thứ cấm bán. Trang phục quần áo, dép cao su bốn quai (dép râu) và cả quân hàm, quân hiệu hai màu xanh đỏ của Quân giải phóng mới toe không biết ở đâu ra mà nhiều lắm, bày la liệt trên các hiệu tạp hóa, và những mẹt hàng rong bên đường.

Bán đầy các vỉa hè Sài Gòn trong những ngày đầu giải phóng còn có  các thứ đồ dùng của lính Mỹ  như bật lửa Zip-pô, các loại dụng cụ ăn uống bằng in-nox như dao, nĩa, thìa, khay đựng thức ăn lính, kể cả bình tông, ca uống nước, ba lô, quạt điện, bàn là, dao cạo râu... Đó là những món hàng mà người dân hôi được từ các sở Mỹ. Người thì mua để dùng, vì những thú đồ đó rất tốt. Người thì mua để “kỷ niệm”. Chỉ cần vài nghìn đồng tiền Sài Gòn  (cũ) hay  nghìn tiền giải phóng lúc đó là có thể có một bộ đồ ăn của lính Mỹ mới tinh!

Loại hàng bán chạy thứ ba là hàng “lưu niệm” bán cho bộ đội về  Bắc như : khung xe đạp, rađiô Nhật, đồng hồ Nhật, búp bê nhựa, áo len, khăn voan v.v... Trên các bến xe, hình ảnh người bộ đội ba lô căng phồng, trên buộc một chiếc khung xe đạp và treo vắt vẻo con búp bê có đôi mắt chớp nhấp nháy, long lanh đã trở thành hình ảnh đặc trưng, quen thuộc sau ngày giải phóng miền Nam! Các loại khăn len búp bê, áo comple, áo len thời đó  ở chợ Bến Thành, Chợ Lớn... mua một chiếc được biếu một chiếc. Tất len (vớ) chỉ 5 đồng một đôi, lại được biếu thêm đôi nữa.

Bộ đội giải phóng đa phần là thanh niên học cấp 2 cấp 3 làng quê miền Bắc, lớn lên ở nông thôn, vào chiến trường lại ở rừng núi , nên vào  Sài Gòn rất bỡ ngỡ.  Anh Diên người Tày, quê Lạng Sơn là anh nuôi đơn vị tôi. Ngay buổi sáng 1/5/1975  đi chợ mua chục con cá lóc. Anh về đếm mãi vẫn cứ 12 con, bèn lật đật ra chợ tìm cho được bà bán cá trả lại hai con vì “tội người ta”, “buôn bán kiểu này thì lời cái gì”.

Khi anh tìm được bà bán cá, bà cười toáng lên: “Chú giải phóng ơi, “một chục” ở đây là 12 chứ không phải mười nghen!”. Anh về kho nấu bữa tối, còn hai  con cá để lại ngày mai, anh cho vào chỗ bệ cầu vì thấy ở đó có nước! Sáng mai anh đi bắt cá để nấu cháo thì cá không còn nữa. Anh đi báo cáo thủ trưởng, tưởng có người làm mồi nhậu ban đêm. Đến nơi ai cũng ôm bụng cười vì cá thì mất, mà cầu thì tắc, phải nhờ ông thợ hàng xóm sang thông hộ.

Chỉ vài ba ngày sau “anh nuôi” Ban chính trị của tôi đã không phải đi chợ mua thực phẩm nữa, mà đã có các bà ở chợ Cầu Bông gánh cá thịt vào bán  ngay ở cổng. Còn các loại xe nước mía, nước sinh tố, các xe bánh mỳ... rôm rả tiếng chào mời đêm ngày...

Mới đó mà đã ba mươi tư năm. Con cái tôi bây giờ nó đã lớn hơn tuổi mình ngày đầu tiên đi mua thịt chó ở Sài Gòn. Nhưng sao những kỷ niệm cứ như mới hôm qua, thơm nức mùi áo lính...  

Ngô Minh

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.