Giải quyết nạn chạy trường: Phải từ quận, huyện

Giải quyết nạn chạy trường: Phải từ quận, huyện
TP - Theo ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), các văn bản của Bộ về tuyển sinh đầu cấp không tạo rào cản cho địa phương giải quyết nạn chạy trường mà do các cấp thừa hành vận dụng không đúng quy định.

Về quy định của Bộ GD&ĐT trong công tác  tuyển sinh đầu cấp THCS, ông Lê Quán Tần cho biết:

THCS là cấp phổ cập. Nghĩa là mỗi công dân trong xã hội đều có nghĩa vụ khắc phục mọi khó khăn để học hết cấp THCS. Đây cũng là quy định của pháp luật về quyền lợi của nhân dân, về trách nhiệm của nhà nước tạo điều kiện cho mọi người bất kể hoàn cảnh nào đều có điều kiện học hết cấp THCS.

Từ đó cho thấy, việc xét tuyển vào lớp sáu chỉ có thể đặt ra điều kiện về địa bàn. Mỗi trường THCS được xây dựng cho một phường, xã, thị trấn, giúp cho khoảng cách đi học của học sinh không quá xa. Nếu cơ sở giáo dục nhận học sinh nhiều phường, xã khác mà mình không phụ trách thì dẫn đến việc con em trên địa bàn mình có nghĩa vụ phục vụ không có chỗ học.

Theo đó, học sinh chỉ cần có xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học là được học THCS, cơ sở giáo dục không được loại học sinh vì lý do học lực hay lý do nào khác. Vì thế Bộ GD&ĐT quy định cấp THCS không được phép thi tuyển sinh, nghĩa là không được lấy điều kiện trình độ làm cơ sở loại em này, chọn em kia trên địa bàn mà cơ sở giáo dục có nghĩa vụ phục vụ.

Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội nhiều năm nay tồn tại nạn chạy trường. Theo ông, làm thế nào ngăn chặn nạn chạy trường?

Quy định của Bộ là đúng với cả nước, đúng mọi lúc mọi nơi. Không thể vì chỗ này chỗ kia mà sửa quy định.

Nhưng cuộc sống thì có nhiều câu chuyện cụ thể, phức tạp. Ở nhiều thành phố, không riêng nước ta mà còn ở nhiều nước khác, do uy tín của trường nên ai cũng muốn gửi con cháu vào học.

Họ mong muốn con em mình được học ở môi trường được bảo vệ an toàn, được giáo dục thân thiện, được học với những thầy cô giỏi và tận tâm... Đó là nguyện vọng chính đáng. Nhưng nguyện vọng chính đáng này phải được đặt sau nghĩa vụ phục vụ của trường THCS nào đó.

Nên nhớ một điều, dù người ta có cố gắng nâng cao đồng đều mặt bằng chất lượng giữa các trường thì sự khác biệt giữa trường này trường khác luôn luôn tồn tại. Do đó người quản lý phải ứng xử cho phù hợp: vừa tôn trọng nghĩa vụ phục vụ của các nhà trường, vừa tạo điều kiện để cơ sở giáo dục được nhận học sinh trái tuyến nếu điều kiện cơ sở vật chất cho phép. 

Theo ông, các trường phải tuyển sinh theo phương thức nào để không xảy ra tiêu cực như  chạy trường?

Bộ không làm thay được địa phương. Bộ đưa ra quy định khung. Việc vận dụng quy định như thế nào là do cấp thừa hành. Cấp THCS do trưởng phòng GD&ĐT cấp quận, huyện quyết định.

Phải chăng quy định của Bộ GD&ĐT là rào cản trước mong muốn này?

Ở cơ sở, nếu họ đã được cơ quan chủ quản đồng ý cho tuyển sinh trái tuyến với số lượng hữu hạn thì số học sinh tham gia tuyển sinh trái tuyến không phải chịu sự điều chỉnh của một quy định chung.

Do đó việc các cơ sở giáo dục xem xét hạnh kiểm, xem xét học lực và nhiều mặt khác để nhận hoặc không nhận học sinh vào học thì tôi nghĩ là hợp lý. Ngoài đối tượng phục vụ theo quy định pháp lý mà họ phải tuân thủ thì việc họ thu nhận đối tượng bên ngoài và có những quy định riêng là quyền của họ. Đó là một giải pháp thực tế.

Nhưng các trường lại không đưa ra những quy định cụ thể?

Đó là chuyện của những người thừa hành. Về việc này, tôi cho rằng UBND quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoàn toàn có thẩm quyền về quản lý nhà nước đối với công tác này. Đây là việc các cấp thừa hành chiếu theo quy định để làm, sau đó các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét. Nếu phát hiện cá nhân nào làm sai thì có hình thức xử lý thích hợp.

Cấp trên chỉ quy định cái khung. Trong vận dụng vào tình huống cụ thể đòi hỏi trình độ nhận thức, đòi hỏi sự công tâm.

Tại sao Bộ không có những hướng dẫn giúp địa phương tháo gỡ?

Chúng ta đừng nhầm lẫn cái sai, đúng của quy định và cái sai, đúng của thừa hành. Việc ta đang nói là một hiện tượng xã hội và có chỗ cũng nhức nhối nhưng nó không sai do quy định sai mà do vận dụng. Do đó không đặt ra vấn đề chấn chỉnh quy định mà chấn chỉnh khâu thừa hành. Cần phải hậu kiểm khâu thừa hành.

Giải pháp hiệu quả ngăn chặn chạy trường là gì, thưa ông?

Là hậu kiểm và xử lý. Có những trường hợp có dấu hiệu tiêu cực và có đủ chứng lý thì xử lý nghiêm, thông báo rộng rãi. Có nơi làm nghiêm, làm tốt thì biểu dương.

Hậu kiểm làm sao khi ngay từ đầu có quy định minh bạch, rạch ròi?  

Quy định không phải là không có. Không thể quy định một cái mà chỉ áp dụng chỗ này và không áp dụng chỗ kia. Chỉ có quy định khung.

Ít nhất các cấp quận, huyện đưa ra  quy định phù hợp?

Đó là quyền của họ.

Vấn đề là phải có quy định tuyển sinh với trái tuyến?

Câu trả lời này là của chủ thể quản lý trực tiếp chứ không phải là câu trả lời của cơ quan đưa ra quy định chung.

Rốt cục chấn chỉnh nạn chạy trường là trách nhiệm của ai?

Với các trường tiểu học, THCS thì trách nhiệm là của chính quyền cấp quận/ huyện. Nhưng nếu nó là vấn đề nổi cộm ở nhiều quận/ huyện thì tỉnh/ thành phố trực thuộc trung ước phải có trách nhiệm xem xét.

Cảm ơn ông!

Quý Hiên
Thực hiện

MỚI - NÓNG