Lừa đảo chứng khoán: 'đầu' trí thức, 'đuôi' tội phạm

Lừa đảo chứng khoán: 'đầu' trí thức, 'đuôi' tội phạm
Theo đánh giá của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội, trong số các vụ án vi phạm sở hữu, kinh tế và chức vụ xảy ra trên địa bàn, có tới 1/5 là các vụ án lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ án lừa đảo có liên quan tới chứng khoán, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tội phạm loại này đa phần là những người có trình độ kiến thức, có hiểu biết pháp luật, thậm chí còn giữ chức vụ cao, nhưng mải lao theo lợi nhuận bong bóng trước mắt, để rồi khi “sa cơ, lỡ vận”, phải đối mặt với khoản nợ khổng lồ không có khả năng chi trả, họ biến thành kẻ lừa đảo lúc nào không hay…

Cách đây mấy hôm, Tòa án nhân dân quận Ba Đình (Hà Nội) đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên án phạt Ngô Quốc Hoàng (37 tuổi, ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) 4 năm 6 tháng tù giam do có hành vi làm giả cổ phiếu để bán lấy tiền… trả nợ.

Tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại năm 1996, Hoàng đã trải qua một loạt công việc: bán bảo hiểm, tiếp thị đồ gia dụng… để trang trải cuộc sống.

Năm 2005, cơn sốt chứng khoán đã kéo Hoàng "lên sàn", làm nghê môi giới chứng khoán tự do ở thị trường OTC. Nhưng sự thất thường khôn lường của thị trường này đã khiến Hoàng trở thành con nợ.

Bí bách, Hoàng đã làm liều, lừa đảo bán cổ phiếu giả bằng cách dùng bộ hồ sơ giao dịch chuyển nhượng cổ phần của Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội thật, mang ra hàng photo scan lại mẫu dấu, mẫu tên của cán bộ bộ phận chuyển nhượng, sau đó mang đến một cửa hàng trên phố Lý Thường Kiệt để thuê khắc dấu giả.

Với 2 con dấu giả này, Hoàng đóng khống vào các đơn yêu cầu chuyển nhượng cổ phần để lừa những người có nhu cầu mua. Hoàng bịa ra tên người chuyển nhượng là Nguyễn Văn Tuấn để bán cổ phần không có thật cho những người cùng làm môi giới trên sàn với Hoàng.

Sau khi mua đi bán lại qua nhiều trung gian, người cuối cùng mua phải 10.000 cổ phiếu rởm của Hoàng với giá 146 triệu đồng là anh Nguyễn Đắc Hướng (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội). 2 con dấu giả và nhiều giấy tờ có liên quan đã được cơ quan công an phát hiện tại nhà Hoàng, khiến Hoàng không thể chối tội được.

Tương tự như Hoàng, Lý Thị Trúc Quỳnh (Trưởng phòng khu vực số 9, Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh tại Hà Nội) cũng đã bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” do đã lừa đảo môi giới cổ phiếu, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Tháng 12/2005, lợi dụng Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) chuẩn bị phát hành trái phiếu tăng vốn điều lệ, Lý Thị Trúc Quỳnh (Lý Quỳnh) đã trao đổi với Lê Thị Trúc Quỳnh (Lê Quỳnh), Cán bộ Công ty cổ phần chuyển phát nhanh Bưu điện Hà Nội - về việc có nguồn mua 4 tỷ trái phiếu VCB với giá chỉ bằng 80% mệnh giá thị trường.

Thấy “ngon ăn”, Lê Quỳnh cùng đồng nghiệp là Nguyễn Anh Dũng rủ một số người khác mua số trái phiếu này. Sau đó chuyển cho Lý Quỳnh gần 9,1 tỷ đồng để mua trái phiếu VCB mệnh giá 9,706 tỷ đồng. Tuy nhiên, Lý Quỳnh chỉ giao được 1,3 tỷ đồng trái phiếu VCB và chiếm đoạt gần 7,8 tỷ đồng còn lại.

Với cùng thủ đoạn này, Lý Quỳnh đã lừa đảo mua bán cổ phiếu của Ngân hàng Phương Nam, chiếm đoạt hơn 5 tỷ đồng; lừa bán cổ phiếu của Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội để chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng; huy động vốn từ anh Nguyễn Hồng Quang ở phố Huế 4 tỷ đồng để mua trái phiếu và kinh doanh.

Một đối tượng khác, cũng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực chứng khoán là Lê Quang Hưng (32 tuổi), có trình độ học vấn khá cao, tốt nghiệp Đại học Tài chính và hiện đang làm luận án tiến sỹ về lĩnh vực này.

Vài năm trước, khi đang chuẩn bị các thủ tục để tiến hành thành lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Dầu khí (sau đổi tên là Ngân hàng Thương mại cổ phần Hồng Việt), Hưng được chuyển công tác tại Ban trù bị thành lập Ngân hàng này và còn được dự kiến bổ nhiệm làm Trưởng phòng Hành chính quản trị.

Sau khi Ban trù bị thông báo việc mua cổ phần góp vốn thành lập ngân hàng, Hưng có đơn xin mua 50.000 cổ phần (trị giá 500 triệu đồng) và đã nộp số tiền này vào tài khoản của Ban trù bị thành lập ngân hàng tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế.

Tiếp đó, Hưng nhận của anh Lê Tuấn Anh - cán bộ Ban trù bị Ngân hàng Hồng Việt 5,5 tỷ đồng để góp vốn mua 550.000 cổ phần. Sau khi nộp số tiền trên vào tài khoản của Ban trù bị, Hưng viết đơn đề nghị Ban trù bị xác nhận số tiền 5,5 tỷ đồng là của anh Lê Tuấn Anh, trong trường hợp ngân hàng không được thành lập thì đề nghị Ban trù bị trả cho anh Lê Tuấn Anh số tiền này.

Tuy nhiên, Lê Quang Hưng đã lợi dụng các chứng từ liên quan đến việc nộp số tiền 5,5 tỷ đồng trên (thực chất là tiền của anh Lê Tuấn Anh, Hưng chỉ đứng tên người nộp tiền) để lừa đảo, vay tiền của nhiều người rồi chiếm đoạt. Đến tháng 8/2008, Ngân hàng Hồng Việt không được phép thành lập, khiến các kế hoạch mua bán cổ phần của Hưng bị phá sản.

Các khoản vay trước đây đều có lãi suất cao, Hưng không có khả năng thanh toán nên đã dùng tiền vay của người này trả lãi cho người kia. Đến nay, Hưng mới trả được một phần tiền, hiện còn chiếm đoạt 8,171 tỷ đồng và 50.000 USD.

Những vụ án lừa đảo như trên đang ngày càng nhiều, gây hậu quả nghiêm trọng với số tiền chiếm đoạt lớn, thủ đoạn phạm tội tinh vi, phức tạp. Đấu tranh với loại tội phạm này, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã chủ động nâng cao trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc nắm tình hình, xử lý tin báo tố giác tội phạm, áp dụng các biện pháp ngăn chặn, nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Đồng thời, phối hợp với cơ quan điều tra khẩn trương tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố, nhằm sớm hoàn tất hồ sơ, đưa các đối tượng vi phạm ra trước vành móng ngựa để trừng phạt, cảnh cáo, răn đe và phòng ngừa chung.

MỚI - NÓNG