Giúp dân 'biết, bàn, làm và kiểm tra'

Giúp dân 'biết, bàn, làm và kiểm tra'
TP - Dân cần phải có thông tin và dựa vào thông tin để tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và giám sát việc thực hiện chính sách của nhà nước, hạn chế quan liêu, tham nhũng.

Đó là nội dung được nhiều đại biểu nêu ra trong hội thảo xây dựng Luật Tiếp cận Thông tin (TCTT) do Bộ Tư pháp chủ trì, với sự tài trợ của Đại sứ quán Anh quốc, vừa kết thúc hôm qua.

Giúp dân 'biết, bàn, làm và kiểm tra' ảnh 1

Vụ ém thông tin nước tương đen ở TPHCM khiến người tiêu dùng bất bình / Ảnh: Lê Nguyễn

Đói thông tin

Điều 69 Hiến pháp năm 1992 của nước ta quy định: “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin...”. Điều 32 Luật Phòng chống Tham nhũng năm 2005 cũng quy định “cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi mình làm việc cung cấp thông tin về hoạt động của cơ quan tổ chức đó.

Công dân có quyền yêu cầu Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn nơi mình cư trú cung cấp thông tin về hoạt động của UBND xã, phường, thị trấn đó”. Thế nhưng, theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung - nghiên cứu viên Khoa luật, ĐHQG Hà Nội, các điều luật trên vẫn chưa đi vào cuộc sống.

Theo ông Dung, qua khảo sát ở một số địa phương, hầu hết cán bộ đều lúng túng khi được yêu cầu cung cấp thông tin, thường thì họ sẽ chuyển yêu cầu đó lên cấp trên.

Còn phía dân, hiện rất ít người nhận thức được họ có quyền được cung cấp các thông tin có liên quan đến các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, các quy định pháp luật và hành chính, liên quan đến cuộc sống của họ. Có nơi người ta đóng cả dấu “mật” lên danh bạ đại biểu HĐND.

Luật Báo chí quy định “trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí...”. Thực tế nhiều khi để tránh nhà báo tiếp cận thông tin, người ta đóng dấu “mật” lên các tài liệu không thuộc phạm trù “mật”.

Có nhà báo đưa tin rồi bị kiện vì lý do sử dụng văn bản có đóng dấu “mật”, trong khi chưa có quy định pháp lý nào cho thấy văn bản đó thuộc loại tài liệu “mật”.

Pháp lệnh về Vệ sinh An toàn Thực phẩm năm 2003 nêu rõ “người tiêu dùng có quyền được thông tin về vệ sinh an toàn thực phẩm...”. Sau khi có kết luận vụ nước tương, cơ quan chức năng chỉ cung cấp kết luận giám định những mẫu nước tương có chất 3MCPD cho một số cơ sở chế biến liên quan, trong khi người tiêu dùng cần biết về thông tin này không biết mò đâu ra.

Khi có Luật, sẽ dễ dàng hơn

Vấn đề được nhiều người quan tâm trong dự thảo Luật TCTT là chưa nêu được tổ chức nào chịu trách nhiệm giám sát hoạt động TCTT, giải quyết quyền lợi của dân khi bị từ chối TCTT.

Dự thảo luật chưa nêu được tổ chức nào sẽ đứng ra giải quyết những bất đồng, chẳng hạn khi có thông tin Chính phủ xếp vào loại “mật”, nhưng người có nhu cầu tiếp cận thông tin (cá nhân, tổ chức) cho rằng đó không phải thông tin mật.

Nhiều đại biểu quốc tế cũng phân tích nhiều bất cập trong dự thảo Luật TCTT như chưa làm rõ được những thông tin nào thuộc loại mật (việc công bố rộng rãi sẽ làm ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước), thông tin nào thuộc loại thông tin đặc quyền.

Chuyên gia tổ chức Article 19 cho biết, năm 1990 có 13 quốc gia thông qua Luật Tiếp cận Thông tin; nay đã có trên 80 quốc gia và có khoảng 30 quốc gia khác đang trong quá trình xây dựng luật, trong đó có Việt Nam.

Đại diện Ngân hàng Thế giới nêu kinh nghiệm cần thành lập các văn phòng cung cấp thông tin như một số nước đã làm thành công.

Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, khi nhân dân được cung cấp đầy đủ thông tin, sẽ ngăn ngừa được hiện tượng lạm dụng quyền lực, sử dụng tài sản công sai và tham nhũng, và nhấn mạnh sự cởi mở và minh bạch sẽ tăng cường lòng tin của dân vào Chính phủ.

Còn đại diện Đại sứ quán Thụy Điển nêu nguyên tắc TCTT ở Thụy Điển: mọi công dân có quốc tịch Thụy Điển và không có quốc tịch Thụy Điển đều có quyền đọc các tài liệu của các cơ quan công quyền.

“Việc ban hành Luật TCTT là rất quan trọng ở Việt Nam. Cơ sở pháp lý về quyền TCTT của công dân ngày càng hoàn thiện, theo hướng đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, sẽ tạo điều kiện cho nhân dân tham gia vào quá trình hoạch định chính sách và giám sát thực hiện các chính sách của đất nước, hạn chế tình trạng quan liêu, tham nhũng”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên phát biểu tại hội thảo.

Một số điểm trong dự thảo Luật TCTT

- Mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tiếp cận thông tin theo quy định của luật này và các quy định của pháp luật có liên quan. Quyền tiếp cận thông tin tại luật này bao gồm quyền xem, nghe, đọc, ghi chép, sao chép; quyền nhận bản sao, bản chụp.

- Nguyên tắc tiếp cận thông tin: đảm bảo tính công khai, chính xác, toàn diện và kịp thời; đảm bảo sự bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin; đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ thông tin cá nhân, bí mật kinh doanh.

- Người yêu cầu cung cấp thông tin phải trả chi phí tiếp cận thông tin theo quy định; có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định pháp luật.

- Người yêu cầu tiếp cận thông tin có thể khiếu nại, khiếu kiện khi: bị từ chối tiếp cận thông tin; quá thời hạn xem xét, giải quyết yêu cầu nhưng không được tiếp cận thông tin; phải trả khoản phí theo họ là không hợp lý.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG