Một nông dân dạy nhiều học sinh nghèo đỗ đại học

Một nông dân dạy nhiều học sinh nghèo đỗ đại học
TPO- Suốt 10 năm qua, tại xã Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên có một người thầy nổi tiếng trong vùng đã cặm cụi dạy không công cho rất nhiều học sinh thi đỗ đại học. Điều đặc biệt, người thầy này không hề có bằng cấp, ông là một "lão nông tri điền" chính cống. 

Gần qua nửa đời người mới quyết định làm thầy, Vũ Duy Hưng đã giúp cho bao học sinh vùng quê nghèo vào Đại học. Ngôi nhà cổ nằm sâu trong ngõ nhỏ của thôn Thanh Xá (Nghĩa Hiệp, Yên Mỹ, Hưng Yên) được lưu truyền qua nhiều thế hệ là nơi Vũ Duy Hưng sinh ra.

Tại đây, nhiều thế hệ trước ông từng là những nhà giáo được nhiều người kính trọng. Ông nội Vũ Duy Hưng, thầy giáo nổi tiếng của trường Chu Văn An – Hà Nội một thời. Cha ông, một giảng viên của trường Y khoa Thái Bình, đến nay vẫn được người dân trong làng nhắc đến.

Bước vào trung học phổ thông, Vũ Duy Hưng cũng ước muốn trở thành nhà giáo. Tuy nhiên đầu năm 1975, khi học hết kỳ 1 lớp 10, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Đến tháng 11/1981, ông xuất ngũ trở về quê, chọn đồng ruộng làm kế sinh nhai.

Ông tâm sự: “Tôi cảm thấy mình có lỗi khi không kế nghiệp của cha ông, nhưng hoàn cảnh thời bấy giờ không cho phép…”  

Cuộc sống khó khăn khiến Vũ Duy Hưng phải làm thêm nhiều nghề: Từ vác đất, đóng cối xay lúa, cắt tóc, rồi thợ sửa radio, tivi... Dù vất vả, nhưng ông  vẫn tạo điều kiện cho hai con trai học tập, với mong muốn các con sau này phát huy truyền thống của gia đình.

Thế nhưng ước mơ của ông Hưng như bị dội gáo nước lạnh khi nhận được kết quả học tập kém cỏi của Vũ Qúy Đôn - người con trai đầu vào năm học lớp 10. Ông quyết định bỏ mọi công việc khác để kèm Đôn học…

Thật bất ngờ, năm tháng sau, từ một học sinh kém, Đôn vươn lên đứng đầu lớp và đạt giải trong kì thi học sinh giỏi toán của tỉnh. Liên tiếp trong các kỳ thi sau, Đôn đều đạt giải cao. Năm học lớp 12, Đôn đạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi toán tỉnh Hưng Yên- thành tích chưa một học sinh nào trong xã có được. Hiện nay, Vũ Qúy Đôn đang học năm thứ ba, khoa Tự động hóa tại Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Tiếng lành đồn xa, nhiều học sinh đã đến xin ông dạy học. Ban đầu ông từ chối, nhưng học sinh quá nhiệt tình nên đành liều. Lấy một gian nhà làm lớp, xin gỗ về làm bàn, ông cặm cụi chuẩn bị “làm thầy”. 

Một nông dân dạy nhiều học sinh nghèo đỗ đại học ảnh 1
 Giấy khen của huyện Mỹ Hào khi Đôn đạt giải nhì trong kỳ thi học sinh giỏi toán tỉnh Hưng Yên

Nhiều học trò nghèo thi đỗ vào đại học

Đã có lần cán bộ xã đến đề nghị ông thôi dạy vì chưa có bằng cấp. Khi đó ông Hưng nói: “Nếu các anh bảo được bọn trẻ đừng đến thì tôi sẽ không dạy nữa…”

Học sinh đến xin học hầu hết có hoàn cảnh khó khăn. Ai có thì đưa tiền, không có cũng chẳng sao. Học sinh đến ở tại nhà, mang gạo đến góp, thầy Hưng không lấy thêm bất cứ khoản nào khác.

Ban đầu, biết mình còn kém khả năng sư phạm nên ông Hưng vừa dạy vừa cố gắng tích lũy kinh nghiệm, tranh thủ học thêm. Ông thường nhờ Đôn mua hộ tài liệu mới, sách nâng cao và những sách dạy thêm về kỹ năng sư phạm.

Năm 1999, thầy Hưng dạy lớp đầu tiên, lúc đó là 10 học sinh đang học lớp 12, đến từ những làng lân cận. Kết thúc kỳ thi Đại học năm đó, cả mười học sinh đều thi đỗ vào những trường khá nổi tiếng như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quân Sự, ĐH Y Hà Nội… Khi học sinh về báo tin, ông mừng ứa nước mắt. Đó là một khích lệ lớn. Không chủ ý, nhưng cái nghiệp làm thầy vận vào ông khi nào chẳng hay.

Khi được hỏi về bí quyết dạy học, thầy Hưng cười: “Tôi chẳng có bí quyết gì cả. Những em đến chỗ tôi hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, nhưng đều có ước mơ được vào Đại học. Tôi luôn động viên các em cố gắng thực hiện ước mơ. Khi bắt tay vào bài thì thầy trò cùng học, cùng thảo luận bình đẳng. Khi giảng dạy, tôi cố gắng không tạo áp lực cho các em”.

Thầy Hưng thường dạy học sinh môn toán và văn. Theo ông, học tốt hai môn này thì các môn khác cũng sẽ khá. Với mỗi bài giảng về văn học, ông tìm những câu thơ nói về các nhân vật văn học để các em dễ liên tưởng. Trong những công thức toán khó nhớ, ông sưu tầm hoặc sáng tác ra những câu thơ vần để các em dễ nhớ, dễ thuộc…

Trong mười năm qua, nhiều thế hệ học sinh đến rồi đi, bao nhiêu người thành đạt, ông không nhớ. Ông cũng chẳng bận tâm khi có người quên mình: “Chỉ cần các em thành đạt thì tôi vui rồi”- Ông chia sẻ. 

Một nông dân dạy nhiều học sinh nghèo đỗ đại học ảnh 2

      Thầy Hưng và anh Khương (học trò cũ) trong ngày hội ngộ

Nguyễn Văn Khương, sinh viên năm cuối khoa hệ thống điện trường Đại học Bách Khoa kể: “ Tôi đến đây học và ở lại nhà thầy trong 3 năm liền. Thầy chỉ lấy mỗi tháng vài cân gạo, mặc dù khi ấy gia đình thầy cũng khó khăn. Sắp ra trường rồi càng thấy biết ơn thầy”.

Là người thầy, học sinh còn đến thì ông còn dạy. Ông tâm sự: “Tôi không lấy nghề dạy học làm kế sinh nhai. Tôi chỉ muốn làm được điều gì đó cho những học sinh nghèo. Như thế cũng coi như tiếp nối được phần nào nghiệp dạy học của cha ông tôi.”

Những người dân ở thôn Thanh Xá vẫn quen gọi ông là Nhà giáo nông dân của học trò nghèo.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.