Không chỉ tay phụ nữ, mà còn có chim chuột

Không chỉ tay phụ nữ, mà còn có chim chuột
TP - Nhiều chuyện đã xảy ra không bao giờ được ghi vào chính sử, mà luôn luôn chỉ ghi vào “bia miệng” mà thôi. Lịch sử có phải chỉ toàn là những cứ liệu, ghi chép thành văn?

Tranh luận “Vẫn chỉ là chân rồng” - tác giả Thiền Phong Phạm Tuấn (Viện nghiên cứu Hán Nôm) trên TP cuối tuần số 17 với bài viết “Giải mã hình rồng có đôi tay phụ nữ ở đền vua Đinh” đã gợi ra nhiều vấn đề về phương pháp nghiên cứu mỹ thuật và lịch sử. Sau đây là bài viết của nhà nghiên cứu mỹ thuật Trang Thanh Hiền cung cấp thêm những điều thú vị ở Đền thờ Vua Đinh.

Tay hay chân rồng?

Trước tiên phải nói rằng trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt Nam, mô típ chân rồng được chạm khắc như những bàn tay có lẽ không quá hiếm. Chúng được tìm thấy trên các chạm khắc đá gỗ của người Việt và có niên đại khoảng từ sau thế kỷ XVI. Tuy nhiên hình ảnh là bàn tay phụ nữ lại là một trường hợp hy hữu. Có lẽ sẽ không cần phải tranh cãi nhiều nếu nhìn vào các bản vẽ đồ họa, bản dập và cả bản khắc đá hai chiếc sập này người ta có thể nhìn thấy rất rõ ràng những ngón tay thon dài, và cả những móng tay rất xinh xắn. Điều đó có thể chưa thuyết phục nếu không có những chiếc vòng được tạo ra ở cổ tay, để khẳng định đó là những đôi tay phụ nữ.

Trong bài viết của mình, Thiền Phong Phạm Tuấn đã dẫn những chuẩn tắc về hình ảnh con rồng theo điển chương Trung Hoa và dùng nó để áp dụng đối với việc nghiên cứu mỹ thuật Việt Nam. Về phương pháp luận thì việc này xem có vẻ như khách quan, nhưng trên thực tế, hình tượng con rồng Việt Nam không hoàn toàn lấy mẫu thức Trung Hoa làm chuẩn tắc. Kể cả về ý nghĩa, rồng Trung Hoa chỉ tượng trưng cho vương quyền và chịu những qui cách ngặt nghèo, nên không thể mang những ý nghĩa về thiên nhiên hay xuất hiện trong kiến trúc Phật giáo như rồng Lý - Trần của Việt Nam.

Rồng Việt còn ít nhiều chịu ảnh hưởng từ văn hóa Chămpa để tạo nên sự tiếp biến hình tượng và kiến tạo những giá trị khác biệt. Thế mới có chuyện rồng có những đôi tay và cả những đôi chân trên các đồ án chạm khắc. Do đó không thể lấy một “cái chân còn lại bên phải đồ án rồng trên sập rõ ràng là một chân với 5 ngón, ngón chân có vuốt” để suy ra là “các chân còn lại cũng có móng vuốt và là chân rồng mà chẳng qua được người thợ khắc cách điệu cho mềm mại”.

Đồ án tạo hình tay hay chân rồng đều có những qui cách hoàn toàn khác nhau, một đằng giống với bàn tay người, một đằng giống dạng móng vuốt chim ưng (minh họa). Chẳng nhẽ Thiền Phong Phạm Tuấn lại không thể phân biệt được đâu là chân và đâu là tay dẫn đến việc đánh tráo khái niệm. 

Không chỉ có những chạm khắc trên các văn bia, mà ngay cả trong điêu khắc đình làng, hay chính thống hơn nữa là trên đôi rồng đá ở Điện Lam Kinh, Kính Thiên, chân trước của rồng cũng đã được cách điệu thành tay để tạo nên hình ảnh con rồng vuốt râu trông rất oai nghiêm.

Mặc dầu chiếc tay này có cách tạo hình khá xương xẩu với những chiếc móng vuốt khá dài, chứ không mềm mại như đôi tay ta gặp ở đền vua Đinh. Ngay bức ảnh minh họa mà Thiền Phong Phạm Tuấn đưa ra cũng là minh họa cho một đôi tay và một đôi chân ở mỗi con rồng. Chân thì quặp xuống tạo thế đứng, còn tay thì ở thế cầm nắm mềm mại yểu điệu.

Đơn nghĩa hay đa nghĩa?

Về việc xây dựng hay trùng tu các đền thờ thuộc di tích cấp “quốc gia” như đền vua Đinh Lê cho dù có sự giám sát chỉ đạo của hệ thống quan lại tập quyền, thì chủ yếu vẫn do các nghệ nhân dân gian địa phương làm. Sự chỉ đạo thường mang tính chất định hướng, chứ không thể chỉ tay bắt ngón cho các thợ khắc chạm ra hình ảnh như thế nào.

Do vậy mới có chuyện những người thợ khắc này, có thể lồng ghép các ý đồ cũng như cách suy nghĩ dân gian vào tác phẩm của mình. Không chỉ  2 chiếc sập rồng đang bàn đến ở đây là được làm theo lối tư duy dân gian, mà ở đền vua Đinh còn có một chiếc bia đá Chính Hòa 17 (1696) khá thú vị minh chứng.

Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đã phát hiện ra ở bia này có hai hình ảnh đối lập nhau giữa mặt trước và mặt sau. Phía trước là đôi chuột chầu cua, phía sau lại là con rồng nằm buồn bã, chúng mang ẩn ý về một giai đoạn lịch sử mà chúa Trịnh lấn át vua Lê. Phải chăng điều này cũng do sự chỉ đạo của các quan tập quyền như Phạm Tuấn đã nói?

Đáng chú ý là các biểu tượng tôm cá, chim chuột được chạm chung với hình tượng rồng. Biểu tượng chim chuột, theo quan niệm dân gian lại có những hàm ý không được nhã nhặn lắm. Và cũng theo dân gian, thì câu chuyện tình giữa bà hậu họ Dương và Lê Hoàn có khá nhiều uẩn khúc liên quan đến việc đổi ngôi giữa hai ông vua.

Trở lại với 2 chiếc sập đá có đôi tay phụ nữ, giữa chúng có sự khác nhau khá rõ rệt. Chiếc sập rồng phía bên trong, có nhiều yếu tố phức tạp hơn, được làm sau, nhưng dập theo khuôn mẫu của chiếc sập ngoài và thêm nhiều chi  tiết.

Trong triển lãm “Các phương pháp nghiên cứu mỹ thuật” tại Viet Art Center, Trần Hậu Yên Thế cũng đã phát hiện ra nhiều biểu tượng độc đáo trên chiếc sập này. Đáng chú ý là các biểu tượng tôm cá, chim chuột được chạm chung với hình tượng rồng. Nếu trên khía cạnh chính danh thì chiếc sập như một “vũ trụ thu nhỏ”, và sự hòa đồng này như thể “thể hiện mong ước mưa thuận gió hòa, vạn vật sinh sôi” ngoài ý nghĩa về vương quyền.

Nhưng trên một khía cạnh khác biểu tượng chim chuột, theo quan niệm dân gian lại có những hàm ý không được nhã nhặn lắm. Và cũng theo dân gian, thì câu chuyện tình giữa bà hậu họ Dương và Lê Hoàn có khá nhiều uẩn khúc liên quan đến việc đổi ngôi giữa hai ông vua. Đương nhiên những chuyện như thế này không bao giờ được ghi vào chính sử, mà luôn luôn chỉ ghi vào “bia miệng” mà thôi. Cái ẩn ngữ này của dân gian càng gia cố thêm cho những lý giải về hình tượng các đôi tay phụ nữ kia.

Và “Cũng bởi tài liệu viết về bà hậu này đến nay gần như không còn gì, ngoài các truyền thuyết mà các nhà nghiên cứu sưu tầm được” đúng như Thiền Phong Phạm Tuấn viết, thì việc đặt ra các giả thuyết trong nghiên cứu càng là phương pháp cần thiết để người ta có thể từ nhiều khía cạnh khác nhau cùng soi chiếu vào một vấn đề. Nếu tất cả các vấn đề đều đã được rõ ràng rành mạch, thì có lẽ người ta không cần phải nghiên cứu, cũng như không còn cái thú khi chiêm nghiệm những tác phẩm nghệ thuật của người xưa để lại. 

Còn nếu con rồng ở đây chỉ là biểu tượng xác lập “vương quyền và thần quyền của đất nước dưới tư tưởng Nho giáo của vua Lê chúa Trịnh” thì bản thân biểu tượng rồng xuất hiện ở vị trí này trong đền đã mang đủ hàm nghĩa trên. Nhưng đó chỉ là một lớp nghĩa đơn giản nhất. Thêm nữa nếu được sự chỉ đạo bởi các quan lại với một đồ án rành rẽ, thì không thể có hình ảnh con rồng cuộn mình lại với đôi tay nắm bờm, nắm sừng như thể nó đang bị cầm cương vậy. Mặc dù trên một phương diện khác chiếc chân cuối cùng vẫn tạo nên thế đạp uy vũ cho con rồng. Như vậy, đằng sau lớp nghĩa trên, nó còn nhiều lớp nghĩa khác.

Người ta không thể giải thích rành rẽ một tác phẩm nghệ thuật như giải một bài toán chỉ có một đáp số duy nhất. Nếu Thiền Phong Phạm Tuấn chỉ nhìn vào bề nổi của ý nghĩa duy nhất trên thì không thể đọc ra những giá trị ẩn tàng. Điều thú vị để làm nên nghệ thuật chính là trên cùng một hình tượng, trong cùng một bối cảnh lịch sử, nhưng người ta vẫn có thể đọc ra được những đáp án khác nhau, những tầng lớp nghĩa khác nhau.

Chính vì vậy mà những nghệ nhân dân gian, cho dù có bị sự chỉ đạo giám sát “kỹ lưỡng” của những quan coi sóc việc xây dựng đền, thì họ vẫn có những điểm lùi nhất định để bộc lộ tư tưởng. Sự đa nghĩa của hình ảnh sẽ tạo nên sự đa nghĩa của biểu tượng trên chiếc sập chạm rồng. Nó làm nên sự hấp dẫn cho nghệ thuật. Và không chỉ trong mỹ thuật mà văn học cũng vậy nên mới có chuyện Trạng Quỳnh lỡm chúa Trịnh được tục truyền hàng thế kỷ sau.

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.