Phải giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia

Phải giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia
Ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT trao đổi quanh việc đưa nội dung về Hoàng Sa (Đà Nẵng) và Trường Sa (Khánh Hòa) vào giảng dạy như một phần kiến thức trong nội dung giáo dục địa phương.
Phải giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia ảnh 1
Ông Lê Quán Tần  - Ảnh: Quý Hiên

Ông Tần cho biết: Khánh Hòa và Đà Nẵng đã gửi nội dung giáo dục lịch sử, địa lý về Trường Sa và Hoàng Sa cho học sinh của địa phương mình, báo cáo Bộ GD-ĐT từ năm 2005. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang rà soát và sẽ tiếp tục hoàn thiện nội dung này cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế.

Thưa ông, từ trước tới nay việc đưa những nội dung kiến thức về địa phương vào giảng dạy trong chương trình được chỉ đạo ra sao?

Khung chương trình quy định về thời lượng dành cho nội dung này, năm 2008, Bộ GD-ĐT cũng có riêng một văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở bậc THCS và THPT, bắt đầu từ năm học 2008 - 2009.

Chúng tôi yêu cầu các địa phương phải đưa nội dung này vào giáo dục một cách phù hợp và đặc biệt tôn trọng sự thật.

Đối với nội dung kiến thức xung quanh vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa thì rõ ràng, những gì thuộc về địa lý, lịch sử Việt Nam, chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục cho học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia, về lãnh thổ, lãnh hải, chủ quyền về biển theo quy định của luật pháp.

Không chỉ có nội dung về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh)... đều là những quần đảo hành chính dân sự của Việt Nam và đều đã được những địa phương này đưa vào nội dung giảng dạy cho học sinh rất có hiệu quả.

Thời gian sắp tới, khi thay đổi chương trình và sách giáo khoa bậc phổ thông, ông có cho rằng nên đưa Hoàng Sa và Trường Sa vào giảng dạy kỹ hơn cho học sinh trên toàn quốc, chứ không chỉ học sinh của Đà Nẵng hay Khánh Hòa?

Trong các sách giáo khoa lịch sử, địa lý từ xưa đến nay đều đề cập và khẳng định chủ quyền của nước ta về quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Trong phần giảng dạy về địa lý bậc THCS và THPT đều có phần kiến thức về biên giới trên bộ, biên giới trên biển, chủ quyền quốc gia theo luật định.

Tuy nhiên, đúng là lịch sử và địa lý là hai lĩnh vực có nhiều biến động theo từng thời kỳ nên cần được liên tục cập nhật bổ sung những kiến thức mới.

Vậy việc biên soạn và thẩm định những tài liệu ngoài sách giáo khoa này được tiến hành ra sao?

Phải giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia ảnh 2Chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục cho học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia, về lãnh thổ, lãnh hải, chủ quyền về biển theo quy định của luật phápPhải giáo dục học sinh ý thức về chủ quyền quốc gia ảnh 3

Đây là một vấn đề rất khó khăn. Nghe qua thì đưa nội dung lịch sử, văn học... về địa phương đó vào giảng dạy cho chính học sinh trên quê hương mình rất đơn giản nhưng khi thực hiện lại vấp phải hàng loạt vấn đề: Ai là người có thể viết được tài liệu một cách chân thực, ngắn gọn, dễ hiểu? Ai là người có thể tập hợp và thẩm định những tài liệu ấy...?

Phải có một hội đồng chuyên môn nghiêm túc, nếu không sẽ lại thành phản tác dụng, bởi có những lĩnh vực rất nhạy cảm, không chọn đúng giá trị thực để đưa vào giảng dạy, sẽ là “lợi bất cập hại”.

Theo hướng dẫn của Bộ thì Sở GD-ĐT trình UBND tỉnh, thành phố kế hoạch thực hiện giáo dục địa phương; chủ trì phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức biên soạn, thẩm định để ban hành tài liệu giáo dục địa phương.

Cần tập hợp các chuyên gia, cán bộ khoa học, công nghệ, các nhà hoạt động văn hóa, nghệ sĩ và nghệ nhân tiêu biểu am hiểu về địa phương tham gia biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương thuộc các môn học.

Nhà sử học Dương Trung Quốc: Tôi rất hoan nghênh việc Đà Nẵng đưa vấn đề Hoàng Sa, và Khánh Hòa đưa Trường Sa vào nội dung giáo dục địa phương để giảng dạy cho học sinh.

Hiện nay, bên cạnh nội dung kiến thức địa lý tự nhiên, chúng ta còn một khoảng trống nhất định về lịch sử địa lý của đất nước trong chương trình và sách giáo khoa.

Tôi cho rằng, việc đưa nội dung về lịch sử địa lý của Trường Sa và Hoàng Sa không nên chỉ là vấn đề cần giáo dục cho riêng học sinh ở Đà Nẵng và Khánh Hòa, mà cần đưa vào chương trình giảng dạy phù hợp hơn cho học sinh toàn quốc.

Bởi, đây là việc giáo dục cho lớp trẻ ý thức công dân, ý thức lịch sử dân tộc, lịch sử lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để đưa nội dung này vào chương trình và sách giáo khoa sao cho thật sự hiệu quả và ý nghĩa” .

Ông Trần Trọng Hà - nguyên chuyên viên cao cấp về môn Địa lý Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT: Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa từ cấp tiểu học đến cấp THPT.

Cụ thể, cấp tiểu học chỉ đơn thuần là giới thiệu tên các quần đảo này trong hệ thống biển đảo của nước ta;

Đến lớp 8 (cấp THCS), phần nội dung kiến thức về tài nguyên biển, vị trí địa lý cũng đã đưa nội dung này vào sách giáo khoa Địa lý;

Cấp THPT, các bài học về vị trí, tài nguyên biển, các miền, phần khai thác kinh tế biển... kiến thức địa lý tự nhiên về Hoàng Sa và Trường Sa đều được đưa vào sách giáo khoa địa lý của các lớp;

Đặc biệt, đến lớp 12, trong các bài về biển đảo Việt Nam, nội dung về Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của nước ta và địa phương nào quản lý cũng đã được giới thiệu rất rõ ràng”.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG