Bác sĩ dửng dưng, bệnh nhân chết oan?

Bác sĩ dửng dưng, bệnh nhân chết oan?
TP- Cả người nhà và bệnh nhân Nguyễn Ngọc Tấn xin được chuyển viện lên tuyến trên cấp cứu nhưng các bác sĩ Bệnh viện Cao su Dầu Tiếng, Bình Dương vẫn dửng dưng để rồi sau hai tiếng nằm chờ, anh Tấn tử vong.
Bác sĩ dửng dưng, bệnh nhân chết oan? ảnh 1

Ngày 6/5, đường dây nóng báo Tiền Phong nhận được thông tin từ anh Phạm Ngọc Lân em của bệnh nhân Phạm Ngọc Tấn ở ấp Ông Thanh, xã Cây Trường, huyện Bến Cát, Bình Dương phản ánh sự vô cảm của bác sĩ ở Bệnh viện (BV) Cao su Dầu Tiếng dẫn đến các chết oan uổng của anh Tấn.

Trong đơn trình bày gửi báo Tiền Phong, anh Lân cho biết, khoảng 16 giờ ngày 4/5, anh Phạm Ngọc Tấn, 32 tuổi, làm bảo vệ cho Cty Cao su Dầu Tiếng có biểu hiện đau thắt ngực bên trái, khó thở, bàn đến khám tại Trạm Y tế Long Hòa, Dầu Tiếng. Đến 17 giờ cùng ngày, anh Tấn được người thân chuyển vào cấp cứu tại BV Cty Cao su Dầu Tiếng.

Tại đây, các bác sĩ tiến hành đo điện tim và cho anh Tấn uống thuốc. Đến 17 giờ 30 phút, anh Tấn thấy đau nhiều và khó thở, chị của anh Tấn là Phạm Thị Ngọc Yến nhiều lần tới phòng trực nhờ bác sĩ tới xem tình trạng bệnh cho anh Tấn, nhưng các nhân viên bệnh viện vẫn dửng dưng ngồi trong phòng trực chuyện trò.

Không thấy bác sĩ tới, đến 19 giờ cùng ngày chị Yến tiếp tục sang phòng trực xin cho em trai được chuyển viện. Thay vì cho bệnh nhân chuyển viện, một bác sĩ yêu cầu chị Yến đi đóng phí để làm xét nghiệm máu cho anh Tấn. Tuy nhiên, khoảng 19 giờ 10 phút, khi một điều dưỡng tới thăm khám, anh Tấn tử vong.

Trước những bức xúc của gia đình nạn nhân, ngày 7/5 bác sĩ Văn Đình Khuê - Giám đốc BV Cty Cao su Dầu Tiếng cho biết: “Nguyên nhân cái chết của anh Tấn ban đầu được xác định là do nhồi máu cơ tim cấp tính”.

Ông Khuê cho rằng các bác sĩ đã làm hết trách nhiệm. Ngay sau khi anh Tấn nhập viện bác sĩ bệnh viện đã đo điện tim và cho uống thuốc giảm đau, thuốc điều trị tim mạch và được chỉ định nằm theo dõi. “Không có chuyện bệnh nhân kêu đau vì bệnh nhân còn ngồi dậy nói chuyện được. 15 phút các bác sĩ đến kiểm tra anh Tấn một lần”. Tuy nhiên, ông Khuê khẳng định có việc người nhà bệnh nhân xin chuyển viện.

Trong khi đó, trao đổi với Tiền Phong, những người thân trong gia đình anh Tấn cho rằng, bác sĩ không thường xuyên đến theo dõi như lời bác sĩ Khuê nói. “Nếu như chẩn đoán ban đầu nói em tôi bị nhồi máu cơ tim nhưng, hơn hai tiếng đồng hồ, họ chỉ khám một lần bằng điện tâm đồ, cho em tôi uống thuốc rồi không thấy xuất hiện”- Anh Lân phản ánh. Theo anh Lân gia đình xin chuyển viện bằng xe gia đình thuê nhưng bác sĩ không cho. Họ cho rằng phải nằm để theo dõi. 

Bác sĩ Khuê cho rằng, bệnh viện không cho chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vì bệnh nhân có dấu hiệu bị nhồi máu cơ tim cấp tính nên không đảm bảo an toàn. “Chúng tôi sẽ lập hội đồng khoa học để làm rõ nguyên nhân vụ việc này” -  Ông Khuê nói.
MỚI - NÓNG