Xin chớ hiểu lầm trò chấm điểm thầy

Xin chớ hiểu lầm trò chấm điểm thầy
TP- Có một số giáo chức không nhất trí việc để cho học sinh góp ý giờ dạy của thầy trên lớp nên họ gọi chủ trương này là cho trò chấm điểm thầy. Thực ra trò không bao giờ được chấm điểm bạn chứ đừng nói đến thầy. Không thể chấm điểm ai nhưng rất cần được dân chủ hóa trường học.

Chẳng chờ đến năm Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD &ĐT) phát động “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” hoặc đến lúc công bố bản dự thảo lần thứ 14 về chiến lược giáo dục Việt Nam từ năm 2009 đến năm 2020, các trường PT mới biết đến biện pháp để cho học sinh góp ý giờ dạy. Không phải đây là “việc làm mới mẻ, chưa hề có tiền lệ, tính nhạy cảm cao” như một nhà giáo nói trên báo gần đây.

Thiết nghĩ đó là những việc làm của dân chủ hóa trường học, của nội dung trường học thân thiện, học sinh tích cực, không có việc gì phải băn khoăn lo lắng cả.

Hàng chục trường THPT ở Nghệ An từ cuối thập nhiên 80 của thế kỷ trước cho đến gần đây đã tổ chức cho học sinh góp ý giờ dạy. Không phải đây là “việc làm mới mẻ, chưa hề có tiền lệ, tính nhạy cảm cao” như một nhà giáo nói trên báo gần đây.

Hàng chục trường THPT ở Nghệ An từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến gần đây đã tổ chức cho học sinh góp ý giờ dạy của thầy và sự quản lý lớp của giáo viên chủ nhiệm. Giả sử một  trường THPT có 45 lớp, mỗi buổi dạy từ 4 – 5 tiết, mỗi tuần học thêm mỗi lớp từ  3 – 7 buổi, trong một tuần có hàng ngàn tiết dạy chính khóa, hàng trăm buổi học thêm, hiệu trưởng muốn nắm nội dung, phương pháp, kỷ luật chuyên môn diễn ra một cách thực chất hàng ngày có kiểm tra hết không hay chỉ biết gật với số liệu giao ban?

Trường coi như một xã, có 45 xóm hoạt động liên tục  suốt năm về chuyên môn, đoàn thể, lao động, an ninh, tài chính, thi đua, đánh giá, xếp loại, hiệu trưởng lấy thông tin từ đâu để quản lý? Chẳng lẽ yên tâm rung đùi từ một kênh thông tin duy nhất là báo cáo của giáo viên chủ nhiệm, một cuốn sổ điểm và sổ đầu bài?

Không phải là chuyện bày vẽ khi một số trường giàu có ở thành phố, thị xã, thị trấn đã đặt hệ thống camera cho từng lớp học để nắm thông tin từ thực tiễn đang diễn ra của các giờ dạy, giờ sinh hoạt lớp. Những trường đã tổ chức tốt việc để học sinh góp ý giờ dạy ở tỉnh Nghệ An chẳng phải là những trường tiên tiến xuất sắc, là những thương hiệu giáo dục rất mạnh đó thôi. Ngược lại những trường sợ không dám làm thường là trường yếu.

Học sinh là dân của trường, đã hoàn thành mọi nghĩa vụ theo luật giáo dục và điều lệ nhà trường, sao không được góp ý chút nào khi biết cấp trên làm chưa tốt hoặc làm sai.

Tuy thế, việc để học trò góp ý thầy chỉ nên hạn chế trong phạm vi góp ý giờ dạy và cũng chỉ nên áp dụng cho bậc THPT trở lên. Làm sao để nhà trường biết trong các giờ dạy trên lớp, thầy dạy có nhiệt tình không, có phù hợp với tất cả các đối tượng tiếp thu không, có dạy sai kiến thức cơ bản không, có dạy đủ thời lượng không, có gộp tiết bỏ bài không, đặc biệt ở những thời điểm sau tết, sau thi, sau hoàn thành sổ sách. Đó là những thời điểm bộc lộ rõ nhất tinh thần trách nhiệm, tình thương học trò, tính chất thân thiện của trường học và thầy giáo.

Nhìn chung học sinh thấy, biết những việc làm chưa đúng của một số thầy cũng muốn góp ý lên trường. Nhưng nếu nhà trường không có phương pháp tổ chức để tạo được niềm tin, đặc biệt ở những trường trước đó đã xảy chuyện học sinh góp ý bị trù dập, sẽ khó được hưởng ứng, cho dù biên bản họp lớp, họp đoàn nộp đầy đủ, thùng thư góp ý treo chỗ thuận lợi song thông tin vẫn bằng không. Nếu  trường làm tốt việc tổ chức cho học sinh góp ý thì nhà trường chắc chắn sẽ quản lý tốt hơn đưa trường tiến lên.

Tôi chưa thấy sự phản đối của tập thể hội đồng giáo viên và công đoàn ở những ngôi trường biết tổ chức cho học sinh góp ý thầy. Ngược lại, tín hiệu thu được  sau góp ý là nhiều thầy cô được học sinh ca ngợi kính trọng rất trùng khớp với đánh giá của nhà trường. Đương nhiên cũng có người có đến 80 phần trăm số học sinh các lớp mình dạy đề nghị nhà trường cho thay thầy khác.

Muốn làm tốt việc học sinh góp ý giờ dạy, nhà trường phải quán triệt toàn trường về chủ trương, mục đích, cách làm. Lập một tổ công tác gồm những thầy giáo giỏi, uy tín, có trách nhiệm. Cán bộ quản lý, đoàn thể, chủ nhiệm lớp không tham gia tổ công tác này. Tổ vạch một biểu mẫu góp ý gọn, rõ, khoa học gồm các câu hỏi nhỏ giống như câu hỏi trắc nghiệm khách quan, có mục cho ghi ý kiến đề xuất với trường nếu có.

Tổ công tác đi đến từng lớp quán triệt, phát phiếu, kiểm phiếu, niêm phong phiếu tại chỗ sau khi lập báo cáo. Số liệu thu được sẽ trao đổi trong cuộc họp hội đồng, chắt lọc những thông tin có ích, báo cáo cho học sinh biết kết quả tổng hợp không công bố những thông tin cụ thể.

Giá trị của những thông tin trung thực chính xác sẽ được hội đồng nhà trường kết luận có những điều chỉnh hợp lý để tạo động lực, niềm tin cho học sinh và phụ huynh. Làm  được như vậy  ý thức trau dồi chuyên môn sẽ nâng cao, việc bình xét thi đua khen thưởng chính xác hơn, tạo sự phấn khởi, niềm tin trong đội ngũ.

Hoàng Văn Hân

(Phó CT hội KH huyện Yên Thành)

MỚI - NÓNG