Khảo sát kết quả học tập của học sinh lớp 9:

Đánh giá đúng chất lượng giáo dục

Đánh giá đúng chất lượng giáo dục
TP - Lần đầu tiên, Bộ GD&ĐT tổ chức khảo sát kết quả học tập của học sinh lớp 9 với số lượng mẫu lớn trên phạm vi toàn quốc, mở đầu cho một hoạt động đánh giá định kỳ nhằm phác họa nên bức tranh chất lượng giáo dục THCS nước ta trong một thời gian dài.
Đánh giá đúng chất lượng giáo dục ảnh 1
Học sinh Thủ đô Hà Nội  Ảnh: Phạm Yên

PGS – TS Nguyễn Lộc – Phó Viện trưởng Viện khoa học giáo dục nói: Có thể coi đây là khảo sát đầu tiên đối với học sinh lớp 9 vì những tính chất sau:

Trước hết, việc khảo sát không chỉ để đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 9 mà còn để xem xét một cách toàn diện tất cả những yếu tố tác động tới quá trình giáo dục như chương trình, SGK, giáo viên, cơ sở vật chất trường học, gia đình, điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm học sinh v.v...

Thứ hai, cuộc khảo sát này không phải là một hoạt động đơn lẻ mà nằm trong một hệ thống khảo sát định kỳ, kéo dài thậm chí hàng chục năm. Qua đó, chất lượng giáo dục của một quốc gia được đánh giá trong một tiến trình phát triển, theo các mốc thời gian khác nhau.

Đánh giá đúng chất lượng giáo dục ảnh 2
PGS – TS Nguyễn Lộc – Phó Viện trưởng Viện khoa học giáo dục

Thứ ba, để nhận được lượng thông tin khá chính xác kết quả học tập của học sinh lớp 9 trên toàn quốc lượng mẫu phải đủ lớn, đủ tin cậy.

Theo kế hoạch, hơn 36.000 học sinh lớp 9 tham gia khảo sát (chiếm khoảng gần bốn phần trăm tổng số học sinh lớp 9 trên cả nước). Thứ tư, kỹ thuật khảo sát được thiết kế hiện đại, được quốc tế chấp nhận.

Vì sao phải đánh giá trong thời gian hiện nay thưa ông?

Rõ ràng là cần phải đánh giá như vậy thì mới nói lên được chất lượng học tập. Nếu không, mọi người sẽ tiếp tục tranh luận về chất lượng giáo dục mà không có căn cứ.

Hiện nay, chúng ta vẫn có các kỳ thi quốc gia, chẳng hạn như thi tốt nghiệp phổ thông nhưng, thực sư, những kết quả thi cử đó chưa đủ để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà chính trị và dư luận xã hội tin tưởng.

Để đảm bảo tính khách quan và khoa học của cuộc khảo sát, việc chuẩn bị diễn ra như thế nào?

Về khâu tổ chức, Bộ GD&ĐT thiết lập một ban điều hành cuộc khảo sát từ cấp trung ương tới địa phương. Đứng đầu ban điều hành trung ương là một thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

Việc biên soạn đề được chuẩn bị từ cách đây hơn nửa năm. Bên cạnh ban biên soạn đề là hội đồng thẩm định đề ở nhiều giai đoạn khác nhau, thẩm định nhiều lần. Tham gia ban ra đề, hội đồng thẩm định là các chuyên gia về kỹ thuật khảo sát, kỹ thuật ra đề, các nhà nghiên cứu, các giáo viên giỏi và nhiều kinh nghiệm của các môn học tương ứng.

Việc lựa chọn học sinh để khảo sát căn cứ vào nguyên tắc nào?

Chọn mẫu cũng là một yếu tố đảm bảo chất lượng của khảo sát. Một phương pháp được gọi là phân tầng hai giai đoạn được áp dụng cho chọn mẫu.

Giai đoạn thứ nhất là chọn ngẫu nhiên trường THCS cho tất cả 63 tỉnh/thành có tính đến đặc thù của từng địa phương. Giai đoạn thứ hai là chọn ngẫu nhiên học sinh trong các trường khảo sát theo quy định thống nhất cụ thể do chuyên gia chọn mẫu đề xuất.

Liệu có hiện tượng của bệnh thành tích xảy ra trong cuộc khảo sát này?

Đây cũng là một nội dung mà ban điều hành khảo sát rất quan tâm. Các địa phương luôn được quán triệt mục đích của cuộc khảo sát cũng như khẳng định rằng khảo sát chỉ để phục vụ mục đích nghiên cứu, đưa ra các kết luận vĩ mô chứ không nhằm đánh giá thi đua hoặc thành tích của địa phương, trường và cá nhân học sinh.

Mặt khác, qua trao đổi cho thấy, hiện nay các lãnh đạo giáo dục ở địa phương cũng thật sự có nhu cầu được nhìn thấy bức tranh chân thực về chất lượng giáo dục của chính địa phương mình.

Vì thế, họ có thái độ ủng hộ và nghiêm túc. Chấm bài, một khâu quan trọng, sẽ do các chuyên gia của Viện thực hiện. Bài làm của học sinh sẽ được niêm phong và gửi về cho chúng tôi để chấm và phân tích.

Một vấn đề khác, một kỳ khảo sát mà tính mục đích với cá nhân các em không cao, có e ngại là nhiều em làm bài không nhiệt tình.

Vì vậy, trước khi tiến hành khảo sát, lãnh đạo sở, hiệu trưởng sẽ quán triệt cho học sinh.

Cảm ơn ông.

Quý Hiên
(thực hiện)

MỚI - NÓNG
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
Lai Châu bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục
TPO - Tại Kỳ họp thứ hai mươi (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Lai Châu khóa XV thông qua 13 nghị quyết có ý nghĩa quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tỉnh có Nghị quyết phê duyệt bổ sung hơn 250 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2024.