Nhà vệ sinh bệnh viện: Eo ơi, ghê quá!

Nhà vệ sinh bệnh viện: Eo ơi, ghê quá!
Nhà vệ sinh xuống cấp trầm trọng, hư hỏng, bẩn thỉu, bốc mùi hôi… là thực trạng ở không ít bệnh viện tại TP.HCM. Hầu hết bệnh nhân khi được hỏi đều nói, khi nào không thể… nhịn được mới “liều mình” vào nhà vệ sinh.

Ngày 7/5, chúng tôi vào nhà vệ sinh ở khu phòng khám Bệnh viện An Bình. Nhà vệ sinh của khu khám này được bố trí ở một góc khuất, rất tối. Trước cửa có một bàn thu phí đi vệ sinh. Tại đây, có hai phòng vệ sinh nữ thì cả hai đều mất chốt cửa bên trong.

Vì không biết chốt cửa bị hư, tôi đẩy một cánh cửa đang khép hờ và bước vào. Một người phụ nữ hết hồn khi thấy tôi. Tôi cũng bất ngờ và… tối mắt.

Tôi vội vàng xin lỗi và rút kinh nghiệm bằng cách gõ cánh cửa khép hờ của phòng vệ sinh kế bên. Phòng vệ sinh này cũng bị hư chốt cửa bên trong, thùng rác để bên ngoài và giấy vệ sinh vứt rải rác dưới sàn.

Một số nhà vệ sinh nằm trong khu nội trú của Bệnh viện An Bình không khá hơn. Tình trạng nhà vệ sinh ở các phòng 226 và 230 khoa ngoại, phòng 402 khoa nhi đều xuống cấp.

Ở phòng 327 khoa tiêu hóa - gan mật, nhà vệ sinh bị hư vòi nước, mỗi khi mở vòi nước kêu rất khó chịu, khi khóa phải ấn ngược tay gạt lên tiếng kêu mới hết nhưng nước vẫn chảy rỉ rả.

Cũng trong ngày 7/5, chúng tôi đến nhà vệ sinh ở tầng trệt nằm trong khu cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Sài Gòn. Nhà vệ sinh nữ có năm phòng, trong đó hai phòng có bồn cầu đã bị đóng bít. Ba phòng vệ sinh còn lại chỉ là sàn gạch như nhà tắm. Trong đó, có một phòng không thể sử dụng được do nước giội sàn vệ sinh ứ đọng, giấy vệ sinh nổi lềnh bềnh.

Trong phòng vệ sinh cũng không có thùng rác. Chị em ra vào nhà vệ sinh đều phải bịt mũi và ngồi bệt xuống sàn “giải quyết”.

Ở nhà vệ sinh khoa vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, mới đứng bên ngoài đã ngửi thấy mùi khai nồng nặc. Phía trong nhà vệ sinh, rác vương vãi khắp nơi.

Khu vệ sinh này có ba phòng nhưng một phòng để tắm, một phòng bị khóa ngoài. Phòng vệ sinh còn lại rất nhỏ, bồn cầu cáu bẩn không có nước xả tự động do bị hư cần gạt, không có chốt cửa. Đây là nhà vệ sinh phục vụ gần 20 bệnh nhân của các phòng 120, 122, 123, chưa kể người nhà bệnh nhân.

Chị Liên - người nhà một bệnh nhân -  nói, mỗi lần đi vệ sinh ở đây giống như chịu cực hình. Mùi khai, hôi của nhà vệ sinh làm nhức hết cả mũi, đầu.

Chị Thoa ở Bến Tre, chăm con bị tai nạn lao động, nằm một tháng nay ở bệnh viện, kể, mỗi lần con đi vệ sinh, chị phải đứng ở ngoài canh vì cửa bị hư khóa. Ngày nào chân chị cũng phải tiếp xúc nhiều lần với sàn nhà vệ sinh sũng nước, hai bàn chân đều bị nước ăn. Dù nhà vệ sinh kinh khủng như vậy, nhưng đến giờ cao điểm vẫn phải bịt mũi xếp hàng chờ đến lượt.

Tại khoa nội 1 Bệnh viện Ung bướu thành phố, sàn của nhà vệ sinh bị ngập nước. Bệnh nhân ở đây rất đông nhưng cả hai nhà tắm đều bị dùng làm nơi để dụng cụ lau nhà.

Tại bệnh viện này còn có hai nhà vệ sinh ở khu B và khu C bị nghẹt, mùi xú uế bốc lên nồng nặc.

Nhà vệ sinh ở khu ngoại 2, Bệnh viện Ung bướu thành phố cũng trong tình trạng sàn buồng tắm tràn ngập nước dơ tù đọng. Phòng vệ sinh thì bị mấy “bãi mìn” phong tỏa, không ai dám vào.

Người nhà một bệnh nhân khu C bức xúc: “Nơi tắm giặt, vệ sinh cá nhân cho người bệnh tại bệnh viện hiện nay quá kém”.

Nam, nữ… một phòng!

Cũng ở Bệnh viện Ung bướu, khu vực nhà vệ sinh công cộng của bệnh viện nằm ngay bên hông khoa ngoại 1 đang sửa chữa một phần nên bệnh nhân nam và nữ phải dùng chung một nhà vệ sinh. Dù nhà vệ sinh có năm phòng nhưng tất cả đều hư chốt cửa bên trong.

Một bệnh nhân nữ kể: “Lúc nãy, đi vệ sinh, tôi không cài cửa được, một ông xô cửa vào làm tôi không biết giấu mặt đi đâu”.

Do lượng người đi vệ sinh quá đông nên một số người nhịn không nổi phải “giải quyết” ngay phía ngoài phòng vệ sinh. Một bệnh nhân bức xúc: “Nhà vệ sinh dơ nhưng mọi người phải chen chúc nhau đi. Tôi đứng chờ gần 15 phút mà chưa đến lượt”.

Nhà vệ sinh công cộng ở khoa vi phẫu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng có tình trạng cả nam và nữ dùng chung một phòng vệ sinh. Lúc chúng tôi đến, một phụ nữ vừa bịt mũi vừa bước vội ra khỏi phòng vệ sinh thì một bệnh nhân nam đã “nhào vô”.

Tại khoa khám bệnh, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cũng chỉ có một nhà vệ sinh công cộng chung cho cả nam lẫn nữ. Muốn vào phòng vệ sinh nữ, các bà phải đi qua một dãy bồn tiểu “lộ thiên” của các ông. Vì vậy, khi các bà, các cô vào thì mấy ông phải đứng đợi và ngược lại.

Do bệnh nhân đông mà nhà vệ sinh thì ít nên trước cửa nhà vệ sinh lúc nào cũng có vài ba người xếp hàng chờ đến lượt.

Anh P.T.N. - một người đi khám bệnh - nói: “Tôi canh cả 30 phút rồi mà mấy chị em cứ “xoay tua” hết người này đến người khác. Thời gian chờ đi vệ sinh cũng lâu như chờ đến lượt khám bệnh”.

Còn chị Hương, thường xuyên khám bệnh tại đây, nói thêm: “Đàn ông sao cũng được, còn phụ nữ ngại lắm nên phải nín”.

Ở nhà vệ sinh công cộng của khu khám dịch vụ, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thành phố cũng ngổn ngang cây lau nhà. Trong phòng vệ sinh rác chật ứ thùng, bồn cầu có “mìn”.

Lãng phí

Nhà vệ sinh ở Bệnh viện Sài Gòn thì tình trạng vòi nước ở bồn rửa bị hư, con thỏ ngắt nước của bồn cầu và cần gạt bồn cầu bị gãy, cửa phòng bị hư chốt khóa xảy ra ở không ít khoa phòng.

Chúng tôi đến khoảng 10 phòng vệ sinh nằm trong các khoa tim mạch, tổng hợp 1, tổng hợp 2 và phát hiện có đến ba bồn cầu nước tự do chảy.

Anh Nguyễn Văn Phong - đang nuôi người nhà ở phòng số 8, khoa tổng hợp 1 - chỉ cho chúng tôi xem cần gạt cầu bị hư, nước cứ rả rích chảy suốt.

Đích thân anh Phong phải lật nắp bồn cầu kéo con thỏ lên sửa để ngăn không cho nước chảy. “Để nước chảy như vậy vô cùng lãng phí mà nhân viên bệnh viện không ai quan tâm kiểm tra, sửa chữa” - anh Phong nói.

Ở phòng số 10, khoa nội tổng hợp 2, bồn cầu cũng bị hư, nước sạch chảy ào ào. Bà Nguyễn Thị Vân (Q.1, TP.HCM) đang nuôi người nhà ở đây bức xúc nói: “Nước chảy lênh láng như vậy quá lãng phí”.

Ở nhà vệ sinh nằm trong khu cấp cứu Bệnh viện Sài Gòn có một vòi nước bị hư không khóa được. Vì thế, nước sạch cứ chảy tràn cả ra ngoài thùng chứa nước mà không ai sửa chữa.

Nhà vệ sinh của khoa vi phẫu tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cũng có ống nước bị hư làm nước sạch chảy lênh láng ra sàn nhà.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG