Gói kích cầu 8 tỉ USD gồm những gì ?

Gói kích cầu 8 tỉ USD gồm những gì ?
Liên quan đến gói kích cầu của Chính phủ, Bộ trưởng Phúc cho biết, cho đến thời điểm này, tổng gói kích cầu đã lên tới 143 nghìn tỉ đồng (tương đương 8 tỉ USD) và 17.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD) vốn vay có bảo lãnh.

Hôm qua 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII (UBTVQH) đã khai mạc phiên họp thứ 20, với việc xem xét và cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ trước khi trình Quốc hội vào tháng 5/2009.

“Cú hích” cho nền kinh tế

Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Võ Hồng Phúc, Chính phủ xin được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống khoảng 5%, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2009 tối đa khoảng 8% GDP.

Liên quan đến gói kích cầu của Chính phủ, Bộ trưởng Phúc cho biết, cho đến thời điểm này, tổng gói kích cầu đã lên tới 143 nghìn tỉ đồng (tương đương 8 tỉ USD) và 17.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD) vốn vay có bảo lãnh.

Khoản 8 tỉ USD bao gồm:

+ hỗ trợ lãi suất vay vốn tín dụng 17.000 tỉ đồng

+ tạm hoãn không thu hồi các khoản ứng trước kế hoạch đầu tư phát triển thuộc NSNN năm 2009 khoảng 3.400 tỉ đồng

+ ứng trước kế hoạch NSNN các năm tiếp theo cho các dự án chuyển tiếp, có khả năng hoàn thành trong năm 2009, 2010 khoảng 37.200 tỉ đồng

+ chuyển nguồn kế hoạch NSNN và trái phiếu Chính phủ kế hoạch năm 2008 sang năm 2009 khoảng 30.200 tỉ đồng

+ bổ sung thêm kế hoạch trái phiếu Chính phủ năm 2009 là 20.000 tỉ đồng

+ miễn, giảm thuế khoảng 28.000 tỉ đồng

+ các khoản chi kích cầu khác nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 7.200 tỉ đồng.

Báo cáo giám sát về gói kích cầu của UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét: "Việc triển khai thực hiện vốn kích cầu của Chính phủ khá kịp thời, đã tạo ra "cú hích" cho nền kinh tế đang trong tình trạng trì trệ và suy giảm, đem lại những kết quả tích cực bước đầu".

Lạm phát đang rình rập

Tuy nhiên, UB Tài chính - Ngân sách cũng thẳng thắn đánh giá, gói kích cầu chưa thực sự đảm bảo được các nguyên tắc: kịp thời, đúng đối tượng, đem lại hiệu quả thiết thực trong mức độ cho phép và mang tính ngắn hạn.

Cụ thể, về hỗ trợ lãi suất 4% (17.000 tỉ đồng), ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách cho biết, qua giám sát, nhiều ý kiến trong UB cho rằng, việc thực hiện đảo nợ là khó tránh khỏi và sẽ diễn ra khá phổ biến ở các DN đang gặp khó khăn do trước đây vay nợ với lãi suất cao.

Chính sách bù lãi suất mang tính bình quân không tạo cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, giảm bớt những DN làm ăn kém hiệu quả. Cũng có ý kiến cho biết, bù lãi suất 4% thực chất chỉ là "cứu trợ" cho hệ thống ngân hàng và các DN đang gặp khó khăn, không mang ý nghĩa nhiều cho mục tiêu kích cầu đầu tư và tiêu dùng.

Việc miễn, giảm bình quân 30% thuế thu nhập doanh nghiệp và giãn thời hạn nộp 9 tháng đối với DN vừa và nhỏ cũng là một sự cào bằng đối với DN gặp khó khăn và DN không gặp khó khăn.

Mặt khác, trong thời gian qua dư nợ bảo lãnh tín dụng chủ yếu vẫn tập trung vào các DN nhà nước, các DN nhỏ và vừa thuộc khu vực ngoài quốc doanh chiếm tỷ lệ còn thấp, trong khi đó, hiệu quả đầu tư của khối các DN ngoài quốc doanh đạt cao (hệ số ICOR thấp hơn rất nhiều so với khối DN nhà nước).

UB Tài chính - Ngân sách cảnh báo, nếu không giám sát chặt chẽ và quản lý có hiệu quả gói kích cầu, sẽ dễ xảy ra thất thoát, lãng phí các nguồn vốn vay, gia tăng gánh nặng nợ nần và các hiện tượng "đầu cơ nóng" với các dự án vay chất lượng thấp hoặc triển khai kém, giải ngân không đúng mục đích.

Nguy cơ tái lạm phát sẽ là hiện hữu trong những năm tới nếu sử dụng "gói kích cầu" kém hiệu quả, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa nới lỏng cả về phạm vi và thời gian. Nó cũng có thể làm ảnh hưởng sức cạnh tranh của nền kinh tế do việc cho vay nặng tính bao cấp, thiên về quy mô, tốc độ, không phát huy vai trò điều tiết của cơ chế thị trường.

UB Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần tiếp tục rà soát lại gói kích cầu, đảm bảo được nguyên tắc: kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả và kiên quyết thực hiện dứt điểm trong ngắn hạn, tránh kéo dài làm ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô trong dài hạn.

Theo Xuân Toàn
Thanh Niên

MỚI - NÓNG