Tăng học phí bằng 6% thu nhập: Cao quá!

Tăng học phí bằng 6% thu nhập: Cao quá!
TP - Nhiều ý kiến thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua về đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo 2008 - 2012, cho rằng, mức tăng học phí bằng 6 phần trăm thu nhập là quá cao.
Tăng học phí bằng 6% thu nhập: Cao quá! ảnh 1
Học phí tăng sẽ khiến nhiều sinh viên gặp khó khăn. Ảnh: PV

“Tăng học phí phải gắn với chất lượng đào tạo của các trường, đồng thời cần duy trì chế độ cấp học bổng đối với sinh viên xuất sắc, sinh viên nghèo, vượt khó học giỏi” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ & Môi trường Đặng Vũ Minh phát biểu.

Phản biện về vấn đề tăng học phí (dự kiến mức học phí, chi phí học tập của một gia đình bốn người, có hai con học mầm non, phổ thông sẽ không vượt quá 6 phần trăm thu nhập bình quân của gia đình), Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên & Nhi đồng, cho rằng, 6 phần trăm là mức chi trả khá cao trong nhóm các nước mới phát triển (số liệu của Bộ GD&ĐT), còn ở các nước phát triển con số này từ 2 - 10 phần trăm.

“Như vậy, đối với nước ta, nếu lấy mức 6 phần trăm sẽ là quá cao, vì thực tế thu nhập của nhân dân còn thấp, đa số học sinh, sinh viên là con em nông dân nghèo” - Chủ nhiệm Ủy ban, ông Đào Trọng Thi nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, nên đưa ra nhiều phương án khác nhau như miễn toàn bộ học phí cho học sinh phổ thông, hoặc miễn toàn bộ học phí đối với học sinh vùng nông thôn.

“Nhà nước nên đầu tư mạnh cho giáo dục và y tế bởi, qua giám sát, chúng tôi thấy nhiều nơi người dân còn thiếu ăn, nói gì đến đóng góp” - Ông Thuận nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, cốt lõi của đề án là vấn đề học phí, cụ thể là việc tăng và sẽ mở rộng đối tượng nộp.

Vấn đề này không chỉ xã hội, phụ huynh học sinh mà cả Quốc hội đều rất quan tâm.

Tăng học phí bằng 6% thu nhập: Cao quá! ảnh 2Đồng thời với việc tăng đầu tư cho giáo dục, cần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính dành cho giáo dục; sử dụng tài chính như một công cụ đắc lực để khuyến khích các cơ sở GDĐT phấn đấu nâng cao chất lượng, hiệu quả; bảo đảm khi kết thúc đề án, chất lượng giáo dục đại trà về cơ bản phải đạt chuẩnTăng học phí bằng 6% thu nhập: Cao quá! ảnh 3

Ý kiến của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên & Nhi đồng.

Chúng ta cũng không tiếc tiền đầu tư cho giáo dục, không kể từ nguồn của nhà nước hay dân nhưng việc đầu tư phải có hiệu quả.

“Nhưng, để thể hiện tính ưu việt, cần có chế độ miễn học phí cho toàn bộ học sinh tiểu học, miễn 100 phần trăm học phí với học sinh phổ thông khu vực nông thôn. Ngoài ra, cần quan tâm lĩnh vực đào tạo nghề cho con em vùng nông thôn” - Ông Hiển nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, đề án không chỉ tác động đến ngân sách Nhà nước mà sẽ tác động tới cả xã hội. Do đó, cần tính toán để có lộ trình phù hợp, nhất là vấn đề tăng học phí. Quốc hội sẽ ra một nghị quyết về vấn đề này trước khi thảo luận tại kỳ họp tới.

Để giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu

Đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008-2012 đặt ra mục tiêu tổng quát: Xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục và đào tạo, nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu.

Theo đó, sẽ xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba lưu ý rằng, chế độ chính sách đối với giáo viên vùng sâu, vùng xa hiện nay chưa thực sự tương xứng với đóng góp của cán bộ, giáo viên.

“Cần có nghiên cứu cụ thể, để giáo viên khi ra trường tự nguyện về miền núi, vùng sâu, vùng xa phục vụ và họ không bị thiệt thòi”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hiển cho rằng nhà nước cần có nguồn đầu tư thỏa đáng. “Nếu đặt ra lộ trình đến 2010 học phí các cấp đủ bù đắp tiền lương sẽ không khả thi, gây sức ép lớn” – Ông Hiển phát biểu.

Cùng ngày, UBTVQH đã biểu quyết thông qua danh sách 82 tòa án nhân dân cấp huyện được tăng thẩm quyền xét xử và cho ý kiến vào dự án luật sửa đổi một số điều luật liên quan đến xây dựng cơ bản.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Vấn đề ở đây chính là tăng chi phí để tăng chất lượng giáo dục, đào tạo: người nghèo thu ít, không thu, thậm chí còn đầu tư thêm, nhưng người có thu nhập cao sẽ phải đóng góp cao hơn, tuy nhiên mức đóng không vượt quá 6 phần trăm thu nhập. Nếu thiếu, nhà nước có thể cho vay chứ không bao cấp tràn lan.

Mục đích là tạo ra sự công bằng và người dân dễ chịu hơn. Còn nếu giữ như mức cũ, khó mà tăng được chất lượng giáo dục.

Trước mắt, có thể giữ nguyên học phí bậc phổ thông năm học 2009-2010, nhưng cần tăng một phần bù giá đối với học phí bậc đại học, cao đẳng.

Cần cho thực hiện ngay các nội dung khác của đề án, nhằm tạo ra tiền đề, cơ chế quản lý mới, thúc đẩy đổi mới giáo dục, đào tạo

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.