Việt Nam ký tương đương bằng cấp với một số nước

Việt Nam ký tương đương bằng cấp với một số nước
TP - Phóng viên Tiền Phong trao đổi với ông Trần Bá Việt Dũng,  Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT về việc chuyển đổi và công nhận bằng cấp giữa Việt Nam và các nước Á - Âu.
Việt Nam ký tương đương bằng cấp với một số nước ảnh 1
Sinh viên Đại học Sư phạm I Hà Nội. Ảnh: L.T

Xin ông nói rõ hơn về các chủ đề chính được thảo luận trong phiên họp trù bị ngày 13/5/2009 của Hội nghị Bộ trưởng giáo dục Á - Âu lần thứ 2?

Các sáng kiến được thảo luận trước tại phiên họp trù bị gồm các vấn đề: công nhận tín chỉ và chuyển đổi tín chỉ trong ASEM; phát triển nguồn nhân lực để phục vụ nhu cầu của các nước ASEM trong tương lai.

Sau hội nghị, một loạt nước sẽ hành động ngay để  đạt được mục tiêu mà hội nghị nhằm tới, như tiến hành các hội thảo thiết thực có liên quan.

Ví dụ, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức một hội nghị học tập suốt đời (cuối năm 2009 tại Nha Trang); Trung Quốc tổ chức một hội nghị về dạy nghề; Pháp sẽ bàn về đảm bảo chất lượng; Đức bàn về tín chỉ và Thái Lan sẽ bàn về mối quan hệ giữa các doanh nghiệp và các trường đại học...

Triển vọng chuyển đổi tín chỉ trong khu vực và chuyển đổi Á - Âu trong năm năm tới là gì, thưa ông?

Các Bộ trưởng đang bàn bạc rất kỹ. Lãnh đạo các nước đang tranh luận với nhau và sẽ hướng tới một triển vọng tốt đẹp là nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực để tiến tới công nhận bằng cấp của nhau khi đủ điều kiện.

Hiện bằng của Việt Nam cấp có tương đương bằng cấp nước nào?

Việt Nam đã ký tương đương bằng cấp với một số nước. Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa đi thăm Trung Quốc và ký với Bộ trưởng Giáo dục Trung Quốc một hiệp định về công nhận tương đương bằng cấp.

Điều này tạo điều kiện cho người học của cả Việt Nam và Trung Quốc, khi đến nước bạn học tập, gặp được các điều kiện thuận lợi.

Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn ký kết tương đương bằng cấp với 10 nước như Áo, Ucraina, Lào... Cuối năm nay, có thể sẽ ký với Tây Ban Nha, với LB Nga cũng sẽ chuẩn bị ký lại...

Hội nghị Bộ trưởng giáo dục Á - Âu lần thứ 2

Từ 13 - 15/5, tại Hà Nội diễn ra hội nghị bộ trưởng giáo dục Á-Âu lần thứ 2.

Lãnh đạo của 34 quốc gia châu Âu và châu Á và đại diện sáu tổ chức quốc tế đã tham dự.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân dự hội nghị.

Việc công nhận bằng cấp với các nước này đang được chấp nhận ở mức nào?

Học sinh học hết lớp 12 của Việt Nam được sang các nước mà ta đã ký như tôi vừa trình bày, sẽ được vào học thẳng đại học và không đặt vấn đề có đủ chất lượng hay không.

Chất lượng giáo dục đại học của ta được nước nào chấp nhận tương đương chưa?

Ta đã ký với Trung Quốc ở cả cấp thạc sĩ và tiến sĩ. Như vậy, sinh viên Việt Nam tốt nghiệp đại học xong có thể sang học thạc sĩ  và nếu có bằng thạc sĩ thì sẽ được học tiến sĩ  tại Trung Quốc.

Bậc đại học của Việt Nam còn được Áo và sắp tới là Tây Ban Nha công nhận.

Trong quá trình đàm phán công nhận bằng cấp, phía bạn đặt ra yêu cầu nào với nền giáo dục Việt Nam và chúng ta phải làm gì?

Có nhiều nội dung còn đang tranh luận; có những điều cũng dễ nhận được sự đồng ý của bạn, nhưng cũng có những thứ vẫn phải tiếp tục tranh luận. Thí dụ, số lượng tín chỉ trong chương trình đào tạo của bậc học nào đó.

Bạn bắt đầu công nhận nhưng chúng ta còn phải cố gắng hơn nhiều. Chúng ta có nhiều đổi mới, cải cách toàn diện cả về chương trình, giáo trình, đội ngũ để đáp ứng yêu cầu của bạn và được bạn công nhận. Hiện nay, chủ yếu chúng ta sẽ tập trung vào mảng đại học.

MỚI - NÓNG