Học phí tăng, chất lượng giáo dục phải tăng

Học phí tăng, chất lượng giáo dục phải tăng
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Thi đánh giá: đề án “Đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục và đào tạo giai đoạn 2008 - 2012” của Bộ GD-ĐT đáng lẽ phải có thêm mục tiêu cam kết chất lượng.

>> Tăng học phí: Không khả thi
>> Tăng học phí bằng 6% thu nhập: Cao quá!
>> Học phí đại học có thể tới 800.000 đồng/tháng

Học phí tăng, chất lượng giáo dục phải tăng ảnh 1
Ông Đào Trọng Thi - Ảnh: V.Dũng (Tuổi Trẻ).

Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói: Trong đề án Bộ GD-ĐT có dùng thuật ngữ “chất lượng tối thiểu” đối với chương trình đại trà.

Không rõ Bộ GD-ĐT xác định thế nào là “chất lượng tối thiểu”. Đó có phải là mức chất lượng hiện nay và đến sau khi tăng học phí, giáo dục đại trà vẫn chỉ đạt ở mức đó?

Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị Bộ GD-ĐT, nếu không xác lập việc đảm bảo về chất lượng thành một mục tiêu riêng của đề án, thì trong phần về mục tiêu chung cũng phải cam kết rõ về chất lượng, đưa ra một “chất lượng chuẩn” rõ ràng cần đạt được sau khi thực hiện học phí mới.

Bao nhiêu năm nay, giáo dục đại trà chưa chuẩn vì lý do học phí thấp. Nay người dân phải đóng góp cao hơn thì chất lượng giáo dục phải có sự thay đổi. Chứ nếu muốn tăng học phí mà không có cam kết, đảm bảo gì cả thì không có sự công bằng giữa người dân và nhà trường.

Có thể gọi đó là một biểu hiện cửa quyền. Anh đòi người ta tăng tiền đóng thì người ta phải được hưởng cái gì cụ thể chứ. Người dân không thể đóng tiền nhiều hơn mà không được đòi hỏi gì cả.

Trong quan hệ xã hội bình thường, chúng ta chỉ chịu trả tiền tương xứng cho một sản phẩm, dịch vụ mà ta đã biết về chất lượng. Ở đây, người dân đã phải chấp nhận trả tiền trước ở mức cao hơn khi chưa biết chất lượng dịch vụ được cung cấp, thì ít ra, phía ngành giáo dục cũng phải đưa ra cam kết rõ ràng về chất lượng.

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, trước khi đặt vấn đề tăng học phí, ngành giáo dục cần có sự đánh giá, rà soát lại việc sử dụng học phí và nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục xem đã hiệu quả, tiết kiệm và minh bạch đến đâu?

Thời gian vừa qua, kinh phí của GD-ĐT chủ yếu chi cho lương và những khoản phụ cấp, phần còn lại để chi cho những nội dung công việc khác rất ít. Nên nếu nói đến chuyện sử dụng ngân sách cho giáo dục thì cũng phải nói thẳng là giáo dục thiếu tiền thật chứ không phải vì sử dụng không tiết kiệm.

Nhưng sắp tới thì khác, Nhà nước cam kết sẽ tiếp tục dành đầu tư thỏa đáng và ngày càng tăng cho GD-ĐT, đồng thời tăng thu học phí của người học thì phải đặt ra vấn đề sử dụng học phí nói riêng và nguồn tài chính cho giáo dục nói chung đạt hiệu quả cao, minh bạch.

Trong đề án lần này, Bộ GD-ĐT có cam kết rõ ràng và đề xuất nhiều giải pháp về việc thực hiện công khai, minh bạch tài chính trong các cơ sở GD-ĐT. Nhưng theo tôi, công khai, minh bạch không phải là mục tiêu cuối cùng, đó là biện pháp được sử dụng, là công cụ, phương tiện để đạt đến mục tiêu cuối cùng là tạo ra chất lượng tốt hơn cho giáo dục.

Nhưng nếu sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn nguồn tài chính cho giáo dục thì sẽ giảm sức ép học phí lên người học?

Sử dụng một cách có hiệu quả như thế nào cũng không đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng với mức học phí hiện nay. Khi 80% nguồn tài chính chi cho lương, phần còn lại cho tất cả những chi phí khác của giáo dục, ai đó kỳ vọng vào việc có thể giải quyết vấn đề khó khăn kinh phí cho giáo dục bằng biện pháp tiết kiệm có lẽ là chưa thật sự hiểu về giáo dục.

Chi phí cho lương chiếm tỉ lệ cao trong kinh phí giáo dục như vậy cũng bởi vì tiền quá ít. Đó là mới chi lương đúng theo thang bậc quy định nhà nước.

Vấn đề ở đây không phải là giải pháp quản lý mà là vấn đề tiền, thiếu tiền thật. 20% tổng chi ngân sách, hơn 9% GDP đối với chúng ta là đã rất nỗ lực, nhưng về mặt con số tuyệt đối thì vẫn rất khiêm tốn so với những nước chi tỉ lệ ít hơn.

Vậy ông đánh giá như thế nào về mức học phí mới mà Bộ GD-ĐT đề xuất trong đề án? Những căn cứ tính toán và các mức học phí được đề xuất có hợp lý và khả thi với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân?

Sự cần thiết phải tăng học phí, theo tôi, không cần phải bàn nữa. Chúng tôi nhất trí với chủ trương tăng học phí. Nhưng mức tăng và lộ trình tăng Bộ GD-ĐT đề xuất thì phải điều chỉnh lại cho hợp lý.

Đối với học phí của giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đề xuất tăng gấp ba, bốn lần hiện nay là quá cao và quá đột ngột. Đối với học phí giáo dục phổ thông, tính theo mức 6% thu nhập bình quân hộ gia đình là quá cao.

Học phí tăng, chất lượng giáo dục phải tăng ảnh 2

Trường Đại học Bách khoa TP.HCM là một trong những trường có cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo tốt- Ảnh: Như Hùng (Tuổi Trẻ).

Tôi muốn bàn sâu một chút về học phí phổ thông vì đây chính là vấn đề đang gây tranh luận nhiều nhất và xã hội tỏ ra chưa đồng thuận với phương án của Bộ GD-ĐT.

Đối với học phí phổ thông hiện nay, thực tế là Nhà nước chi phần lớn, người dân đóng góp một tỉ lệ nhỏ hơn. Quan điểm người dân phải chia sẻ với Nhà nước là phù hợp nhưng chia sẻ đến bao nhiêu là vừa, chia sẻ như thế nào thì phải xem hoàn cảnh sống cụ thể của dân ta chứ không thể chỉ nói Mỹ thế này, Pháp thế kia...

Kinh tế của ta gần đây khá hơn, mức sống tăng lên nhưng dân ta mới chỉ đủ sống, chưa có để dành. Vì thế, phải cân nhắc kỹ khả năng chi trả và chia sẻ với Nhà nước của người dân đến đâu. Không thể máy móc người ta 6%, ta cũng áp dụng 6%.

Bộ GD-ĐT cũng khảo sát rồi, đối với nhóm các nước mới phát triển tỉ lệ này là 1,9 - 7,95%. Các nước phát triển là từ 2 - 10%. Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển, là nước đang phát triển ở nhóm trung bình có thu nhập thấp, áp dụng mức 6% trong tương quan so sánh như vậy là cao.

Vì vậy, theo quan điểm của tôi, học phí phổ thông không thể bắt đầu ngay từ mức bằng 6% thu nhập bình quân hộ gia đình. Vì khi tính theo mức này, học phí phổ thông ở nhiều địa phương, sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.

Lương tăng từng bước, lần tăng cao nhất cũng chỉ đến 20% nên học phí cũng không thể tăng đột ngột 200% như vậy. Mỗi năm chỉ có thể tăng 30-40% so với hiện nay.

Mối quan hệ Nhà nước và người dân phải cân bằng. Khi tăng lương, tức là thuộc phần trách nhiệm Nhà nước phải gánh, Nhà nước cân nhắc rất kỹ. Khi tăng học phí, tức là khi trách nhiệm người dân gánh, thì cũng phải cân nhắc kỹ để không đảo lộn cuộc sống của người dân.

Với nhận định khung học phí đại học mới là quá cao và đột ngột, theo ông, học phí đại học nên được điều chỉnh như thế nào?

Đối với giáo dục đại học, quan điểm người học chia sẻ với Nhà nước là đúng, nhưng phải theo nguyên tắc học phí phải gắn với chất lượng. Biên độ trong khung học phí mới của Bộ GD-ĐT đưa ra hiện nay quá rộng, mức trần gấp mấy lần mức sàn và gấp mấy lần so với khung học phí hiện hành.

Bộ GD-ĐT lại dự định trong khung học phí đó, cho quyền hiệu trưởng tự quyết định và công bố học phí, là không được, vì trường nào, hiệu trưởng nào chẳng muốn thu học phí cao nhất có thể.

Trường ngoài công lập thì có thể làm như vậy vì người học tùy chọn, không thích thì có thể phấn đấu vào trường công lập. Trường công lập mà làm thế, người học biết chạy đi đâu! Cách xác định học phí và cách thu học phí như vậy, theo tôi, vẫn còn thể hiện tính độc quyền.

Về lộ trình tăng học phí, không thể tăng đột ngột như Bộ GD-ĐT dự kiến. Càng không thể đến tháng 9/2009 này đã có trường đại học được áp dụng mức học phí mà Bộ GD-ĐT đề xuất.

Học phí các nước khác thu rất cao so với ta. Để đào tạo có chất lượng cao, mức học phí Bộ GD-ĐT đề xuất có thể cũng chưa đủ. Nhưng để vừa với sức dân thì hiện nay chưa có trường đại học nào của ta đạt chất lượng đáng để thu học phí ở mức trần mà Bộ đề xuất.

Lộ trình mỗi năm chỉ nên tăng 30 - 40%. Bây giờ gần hết năm 2009, nếu Bộ GD-ĐT chỉ định đến năm 2012 là đạt đến mức cao nhất trong khung học phí thì tốc độ tăng quá nhanh.

Bộ GD-ĐT cần viết lại đề án, kéo dài thời gian thực hiện thành năm năm kể từ năm học 2010 - 2011. Mỗi năm tăng 30 - 40% để đến năm 2015, học phí đại học đại trà tăng 200% so với hiện nay là hợp lý, chứ tăng tới gấp hơn bốn lần như dự định của Bộ là quá cao, khó chấp nhận.

Đối với những chương trình đào tạo chất lượng cao thì nên tính học phí riêng, không nên gắn với chương trình đại trà.

Bổ sung mục tiêu chất lượng

Đề án có hai mục tiêu: một là, huy động nguồn lực để tăng chất lượng, mở rộng quy mô và hai là hình thành hệ thống chính sách về tài chính cho GD-ĐT.

Theo tôi, đáng lẽ phải có thêm một mục tiêu nữa và là mục tiêu quan trọng nhất. Đó là Bộ GD-ĐT phải đưa ra được một cam kết về chất lượng: sau khi tăng học phí, sau thời gian thực hiện đề án, GD-ĐT của chúng ta phải đạt được chất lượng cao hơn hiện nay, đạt đến một “chất lượng chuẩn” - dù là chuẩn của Việt Nam.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG