Kỷ niệm 50 năm ngày mở đường Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2009):

Nhớ ngày vượt Trường Sơn

Nhớ ngày vượt Trường Sơn
TP - Cách đây 36 năm, chúng tôi có mặt trên con đường Trường Sơn huyền thoại, từ huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, qua một số tỉnh của hai nước bạn Lào, Campuchia, rồi vượt qua sông Vàm Cỏ Đông, trở về tỉnh Tây Ninh, Việt Nam
Nhớ ngày vượt Trường Sơn ảnh 1

Ta vượt lên đỉnh núi cao Trường Sơn. Ảnh: www.thethaovanhoa.vn/

Từ thôn Kim Lê, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), ôtô đưa chúng tôi đi sau khi bổ sung quân tư trang, lương thực, thực phẩm ở Ninh Bình, Thanh Hóa. Xe nhằm phương nam thẳng tiến.

Ai cũng nghĩ, chỉ hơn 10 ngày nữa, mình sẽ có mặt ở chiến trường. Sau đêm ngủ ở xã Cự Nẫm (xã ba lần được tuyên dương Anh hùng qua các thời kỳ), huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, phà kéo đưa chúng tôi vượt sông Son, bắt đầu cuộc chinh phục đường Tây Trường Sơn.

Sau ba tháng huấn luyện, sinh viên, cán bộ giảng dạy, nhiều anh là kỹ sư, kiến trúc sư, tuổi đời trên dưới 30 (ngày ấy khoa Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và nhiều cơ quan của trung ương sơ tán về tỉnh Hà Tây), thật sự trở thành lính, ba lô sau lưng, trang bị đầy đủ, súng trên vai, với ước vọng duy nhất là giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Không khí lạc quan tràn ngập trên suốt chặng đường hành quân, ngày đi, đêm nghỉ, người ra Bắc động viên người vào Nam: nhanh lên, chậm chỉ còn sắt vụn để nhặt thôi, đừng mong đánh đấm gì.

Hàng ngàn lá thư, cái có tem, cái thì không, thậm chí chỉ là những tờ giấy xé vội từ sổ tay, được chuyền tay nhau về tới từng nhà. Mà thật lạ, số thư thất lạc rất ít…

Trường đại học nhỏ cứ thế xa dần, phía trước là chiến trường thôi thúc. Nhiều kỷ niệm trên đường hành quân thật khó quên. Thiếu rau xanh, ăn gốc cây đu đủ cũng thấy bùi.

Rồi những đêm mò vào lán lấy trộm rau tàu bay của thanh niên xung phong, đến những trạm có bãi rau hoang ven suối, người nọ động viên người kia, đoàn trước động viên đoàn sau, nhớ hái phần ngọn hoặc thân, chứ đừng nhổ hết, đoàn sau đi qua lấy gì mà ăn.

Sướng nhất là trên đường hành quân gặp những cây bứa, lá có vị chua, nấu canh ăn ngon, hay qua những vùng có người Lào sinh sống, cái gì có thể đổi được là đổi: tranh ảnh, vỏ chăn, ăng gô, quần áo (trừ súng đạn, gạo, đồ nấu ăn…).

Hai người chung nhau ba bộ quần áo. Nhiều chiến sỹ còn cắt cả bao đựng gạo để may quần đùi, đỡ phải mang nặng.

Đôi lúc, lại còn có cả rượu để liên hoan.

Những ngày được nghỉ, chúng tôi rủ nhau đi đào củ mài, loại củ to, mọc thẳng, đứng ăn rất ngon, nhưng chỉ lúc nào đói mới đào được, bụng no là bỏ cuộc ngay.

Quên sao được cái Tết đầu tiên xa nhà, Tết năm 1973 ở trạm 10  Trường Sơn. Hai người một chiếc bánh chưng, một củ cải, hộp thịt, 10 điếu thuốc lá Tam Đảo.

Nhớ ngày vượt Trường Sơn ảnh 2
Đường Hồ Chí Minh hôm nay

Nhớ lắm hành quân cả ngày, vượt qua dốc bà Định (có lẽ, dốc này trong lần ra Bắc, chị Nguyễn Thị Định đã đi qua), từ sáng sớm đến trưa mới lên đến ngọn, rồi từ trưa đến tối mới xuống được chân.

Vượt Trường Sơn, sợ và ngại nhất là những ngày hành quân vượt trạm. Rồi những trận mưa rừng ở Tây Trường Sơn, mưa suốt cả ngày, chỉ nằm võng, ăn lương khô, đếm từng con vắt bò trên cây. 

Vượt qua đường dây 559, chúng tôi tiếp tục chinh phục con đường 472, chạy trên địa phận nước bạn Campuchia. Chúng tôi lần đầu nhìn thấy dòng sông Mê Kông.

Nhớ lắm những ngày hành quân dưới những cánh rừng cao su bạt ngàn ở Sở 3. Giữa rừng cây Bằng Lăng bạc nắng trưa hè, được nếm mùi bọ cạp trong rừng cao su đốt, đau buốt vào tận tim.

Rồi chuyện thèm và ăn rau muống dại (lá dày và to bản hơn loại rau muống thường, cuộng rau có nhựa, mọc hoang ở ngoài cánh đồng) mọi người tranh nhau hái đem về luộc ăn.

Đêm ấy (vào khoảng đầu tháng 5/1973), gần trăm người bị ngộ độc, cả đoàn hành quân phải nằm chờ mọi người hồi phục. Tháng Sáu năm 1973, đến Vàm Cỏ Đông vượt sông về Việt Nam, sau gần sáu tháng hành quân, được biên chế vào Sư đoàn 5 Bộ binh Anh hùng.

Qua bài báo này, tôi cũng muốn hé lộ một điều với cán bộ chiến sĩ Đoàn 2021 (E12, tỉnh đội Hà Tây, đi B tháng 1/1973). Ngày ấy, (tôi không nhớ rõ, vào khoảng cuối tháng Ba, đi trên đất Lào), cả ngày vượt trạm, đến một bãi nghỉ rất đẹp, nằm ngay ven suối, hành quân cả ngày ai cũng mệt và muốn nghỉ.

Là A phó, lẽ ra tôi phải động viên chiến sỹ đào bếp Hoàng Cầm. Thương lính, tôi đã làm một điều dại dột, mà đến 36 năm sau tôi mới dám dũng cảm công khai nói ra với mọi người.

Tôi đã đồng ý cho chiến sỹ dùng bếp Hoàng Cầm cũ. Ngờ đâu, bếp lâu chưa dùng, còn nhiều lá khô, đốt lửa lên khói bay vượt qua ngọn cây, lập tức OV10 (loại máy bay chỉ điểm cho không quân ngụy ném bom) nhào tới.

Lệnh báo động ban ra, thế là mạnh ai người ấy chạy. 36 năm rồi mà hình ảnh anh Thích, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, cao gầy, người miền Nam, đứng bên đầu cầu sắt, tay lăm lăm khẩu súng ngắn, miệng chỉ một câu: “Đù mẹ thằng nào”.

Đến lượt tôi, lưng đeo ba lô, vai vác súng, tay cầm nồi quân dụng, mới vừa kịp đổ nước đi, chạy qua cũng chỉ líu ríu một câu: “Không phải em”.

Nghĩ lại, lúc ấy nếu mình nhận, thì chắc chả còn sống đến ngày hôm nay để viết lên những dòng tâm sự này. Rất may, chiều tối ấy, máy bay địch chỉ bay qua, ném vài quả bom vu vơ, đơn vị không có thương vong gì.

MỚI - NÓNG