Phát hiện hai đường Hồ Chí Minh

Phát hiện hai đường Hồ Chí Minh
TP - Năm năm thu thập tư liệu, gặp gỡ nhân chứng và tiếp cận hồ sơ mật, cuốn 5 đường mòn Hồ Chí Minh của nhà nghiên cứu Đặng Phong không chỉ gấy ấn tượng về một cách viết sử, mà còn chỉ ra nhiều phát hiện về đường Hồ Chí Minh.

>> Nhớ ngày vượt Trường Sơn

Phát hiện hai đường Hồ Chí Minh ảnh 1
Tác giả Đặng Phong với cuốn sách đầy tính phát hiện. Ảnh: PV

Ông Đặng Phong tiết lộ: Ngoài ba con đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển và đường xăng dầu, còn hai con đường nữa mà đến giờ, dường như Mỹ vẫn mù tịt. 

Một là con đường hàng không bí mật  trong công khai, từ Phnom Penh bay qua lãnh thổ miền Nam Việt Nam, thậm chí qua Sài Gòn, tới Hồng Kông hoặc Quảng Châu rồi về Hà Nội.

Con đường này từng vận chuyển hàng ngàn lượt tướng tá của Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc rồi về Hà Nội. Có những cán bộ cao cấp như tướng Lê Đức Anh, Trần Văn Quang, Nguyễn Thị Định.

Con đường này cũng được dùng để vận chuyển hàng triệu dollar cho cơ quan kinh - tài của miền Nam; vận chuyển rất nhiều máy móc, thuốc men và hóa chất quan trọng; vận chuyển thương binh, vợ con chiến sĩ miền Nam ra Bắc học tập và điều dưỡng.

Phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn hoàn toàn chưa biết gì.

Thứ hai, con đường chuyển ngân càng bí hiểm hơn. Đó là con đường vô hình, không có đường, không lối trên đất liền, trên biển, trên không, trên những đường ống…

Nó đi theo hệ thống ngân hàng của các nước phương Tây và hệ thống ngân hàng ở Sài Gòn để chuyển tiền một cách hợp pháp từ Bắc vào Nam, từ nguồn tài trợ của các nước vào Sài Gòn rồi từ Sài Gòn rút ra tiền bản địa để chi tiêu cho lực lượng giải phóng.

Không cần ô tô, không máy bay, không tàu thủy, không gùi thồ, chỉ cần những mật mã, những cú điện… là tiền từ Paris, London, Hồng Kông, Bangkok, Moskva, Bắc Kinh… chuyển qua Sài Gòn, rồi lên các căn cứ địa.

Con đường đó, suốt 20 năm, chỉ ai làm nấy biết. Mỹ không biết, chính quyền Sài Gòn không biết, nên không ai bị bắt, không một vụ chuyển ngân nào bị phát hiện.

Cuốn  “5 đường Hồ Chí Minh” đang được dịch ra tiếng Pháp, Anh, Tây Ban Nha. Tác giả Đặng Phong sinh 1939 tại Hà Tây (cũ).

Ông tốt nghiệp Khoa Lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội; ĐH Kinh tế Quốc dân; khóa đào tạo nâng cao của Học viện Kinh tế Địa Trung Hải (IAM), Montpellier, Pháp.

Ông là chuyên gia mời và giáo sư mời của nhiều trường đại học lớn trên thế giới.

Ông làm thế nào để thu thập được những tư liệu ít người biết đến này?

Tôi qua Pháp tìm hiểu tư liệu về một người Việt Nam lai Ấn Độ từng trực tiếp tổ chức làm vé giả, liên lạc cho các cán bộ cao cấp của ta đi lại trên các tuyến bay bí mật trong công khai đó.

Tôi gặp các cán bộ điều hành con đường chuyển ngân - binh chủng tiền qua nhiều nước trước khi đến Sài Gòn như ông Mười Phi, ông Nhật Hồng. 

Tôi cũng gặp những nhân viên trong con đường chuyển ngân để tìm hiểu tiền được tiếp nhận và phân phối như thế nào. Nhờ thế, tôi phát hiện nhiều tư liệu mới mà phía Mỹ  chưa từng biết đến.

Ông là một nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế, lại bỏ ra năm năm để viết cuốn sách về đề tài này?

Chiến tranh kết thúc hơn 30 năm, vẫn tiếp tục một loại chiến tranh trong giải thích và bình luận về đường Hồ Chí Minh.

Mục đích của cuốn sách này là trình bày một khía cạnh lịch sử quan trọng của cuộc chiến tranh mà nhiều chỗ vẫn còn chưa được biết tới, hoặc biết rất không đầy đủ: Đó là những hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh.

Đến nay, chưa có một trình bày tổng hợp nào về cả 5 đường mòn Hồ Chí Minh, cũng như tính liên hoàn của chúng, nói lên được những nét chính yếu của hệ thống chi viện vừa đa phương, vừa đa dạng cho miền Nam suốt 20 năm.

Đó cũng là nhu cầu của thế hệ đương thời lẫn hậu chiến, ở Việt Nam cũng như ở Hoa Kỳ. Và là lý do tôi viết nên tập sách nhỏ này.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.