Năm kiến nghị 'đại phẫu' nền kinh tế

Năm kiến nghị 'đại phẫu' nền kinh tế
Với tác động của khủng hoảng tài chính thế giới, không dễ đánh giá rạch ròi giữa nguy và cơ đối với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, mục tiêu biến nguy thành cơ sẽ khó thành hiện thực nếu không có một cuộc “đại phẫu”.
Năm kiến nghị 'đại phẫu' nền kinh tế ảnh 1
Hiện nay, doanh nghiệp đứng trước một tình hình gọi là “thị trường sàng lọc”. Doanh nghiệp nào khỏe thì có cơ hội phát triển nhanh, doanh nghiệp yếu có nguy cơ phá sản. Ảnh: Vneconomy

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì nhưng đạt mức thấp hơn so với chỉ tiêu do Quốc hội quyết định. Một số dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam bị “chệch” và phải điều chỉnh trong thời gian qua, được cho là do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đến Việt Nam ngày càng khó đoán định.

Cơ hội tổng kiểm tra “sức khỏe” nền kinh tế

Mô hình phát triển của nền kinh tế nước ta trong nhiều năm qua là hướng ngoại, dựa nhiều vào xuất khẩu, nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Thanh, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, mô hình này chỉ có thể phù hợp trong điều kiện bình thường, nhưng lại khiến nền kinh tế và nền tài chính, tài khóa trong nước bị tổn thương, khi kinh tế thế giới có sự biến động và lâm vào tình trạng bất ổn.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua chủ yếu theo chiều rộng. Sự gia tăng của yếu tố năng suất của các nhân tố tổng hợp còn quá nhỏ. Vốn đầu tư toàn xã hội lên đến hơn 40% GDP, có năm là 44%.

Rõ ràng, nguồn vốn dành cho đầu tư ngày càng lớn nhưng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có chiều hướng giảm thấp vào những năm gần đây. Trong suy thoái kinh tế, các yếu kém của tài chính nhà nước bộc lộ khá rõ, đặc biệt là yếu kém về quản lý và tính minh bạch.

“Sự lãng phí và thất thoát ngân quỹ nhà nước diễn ra ngày càng phức tạp. Chất lượng và hiệu quả sử dụng ngân quỹ nhà nước có xu hướng giảm” - Tiến sĩ Đặng Văn Thanh nêu rõ.

Do tác động của suy giảm và những nỗ lực chống chọi, nguồn thu của ngân sách nhà nước năm 2009, và có thể cả những năm tiếp theo, có nguy cơ hụt giảm.

Theo đó, nếu duy trì mức tăng trưởng GDP 5% thì thu ngân sách nhà nước giảm hơn chục nghìn tỷ đồng so với dự toán đã được Quốc hội quyết định, trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm khá lớn. Giá dầu thô giảm làm giảm đáng kể thu ngân sách nhà nước. Các chính sách miễn, giảm giãn thuế cũng làm hao hụt đáng kể nguồn thu.

Thu ngân sách giảm, nhưng chi ngân sách vẫn duy trì ở mức được duyệt, thậm chí có không ít nhu cầu, nhiệm vụ chi mới, trong khi nguồn dự trữ quá mỏng buộc phải tăng mức chi ngân sách và nguồn bù đắp bội chi là các khoản vay trong nước và ngoài nước, trong đó chủ yếu vay trong nước.

Phát biểu tại Hội thảo “Cơ hội và giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng”, do báo Nhân Dân tổ chức ngày 19/5, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói, nền kinh tế Việt Nam chịu sức ép giữa “băng” và “lửa” cùng với những tồn tại của cơ cấu kinh tế, những nhược điểm trong quản lý điều hành đã gây nên những khó khăn cực điểm trong nửa đầu năm 2008.

Thực tế trên đòi hỏi sự đánh giá nghiêm túc về vai trò của nhà nước trong quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện ngày càng hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, cả nội dung lẫn phương thức quản lý.

Tái cấu trúc theo hướng nào?

Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận xét, cuộc khủng hoảng này bộc lộ hoàn toàn những nhược điểm trong mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Mô hình tăng trưởng mà chúng ta đang theo đuổi chính là cái bẫy của sự phát triển thiếu bền vững. Do đó, cần tiến hành một cuộc “đại phẫu thuật” nền kinh tế, chứ không chỉ dừng lại việc “sơ cứu” bằng các biện pháp tình thế.

Thứ nhất là tái cấu trúc nội bộ các ngành kinh tế. Vấn đề không phải là sản xuất ra cái gì mà sản xuất bằng cách nào có hiệu quả nhất. Không có sản phẩm “thời thượng”, chỉ có cách tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn là “thời thượng”. Cái chính là sản xuất bằng cách nào để có giá trị gia tăng cao nhất.

Thứ hai là cấu trúc lại thị trường, mối quan hệ giữa thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Chính sách hướng về xuất khẩu của Việt Nam áp dụng trong các năm qua không phải sai mô hình kinh tế, mà chưa đúng ở mô hình sản xuất. Tức là, hướng về xuất khẩu, nhưng lại không chuyển được nền kinh tế từ gia công sang sản xuất.

Thứ ba là tái cấu trúc hệ thống các doanh nghiệp. Hiện nay, doanh nghiệp đang đứng trước tình hình gọi là “thị trường sàng lọc”. Doanh nghiệp nào khỏe thì có cơ hội phát triển nhanh, doanh nghiệp yếu có nguy cơ phá sản.

Do đó, cần rà lại các chính sách hiện nay, để thực sự tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có điều kiện tự mình tái cấu trúc, nhằm phát triển bền vững hơn.

Thứ tư là tái cấu trúc về đầu tư. Tiến sĩ Trần Du Lịch nhận định rằng, hiện nay, cơ hội để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và nông thôn, cần tập trung kích thích thị trường xây dựng. Đây là dư địa lớn nhất hiện nay. Vì vậy, cần tháo nhanh “nút cổ chai” về thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản để có thể tái cấu trúc phần đầu tư, nhất là đầu tư từ ngân sách.

Thứ năm là tái cấu trúc thể chế kinh tế. Có bốn nhóm công cụ điều tiết vĩ mô thông dụng, quốc gia nào cũng áp dụng, nhưng biến ảo tùy thời kỳ. Một là nhóm chính sách về tài khóa; hai là chính sách tiền tệ; ba là chính sách chi tiêu; bốn là chính sách ngoại thương.

Theo Lê Hường
Vneconomy

MỚI - NÓNG