Lộ rõ nguy cơ thiếu điện

Lộ rõ nguy cơ thiếu điện
TP - Báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện theo quy hoạch điện VI của Bộ Công Thương cho thấy, nhiều dự án điện quan trọng đang phải đối mặt với việc chậm tiến độ hàng năm trời bởi những lý do không mới.
Lộ rõ nguy cơ thiếu điện ảnh 1
Công trình khí điện Cà Mau. Ảnh: Diệp Hòa

Điều này đồng nghĩa nguồn điện cho các năm tới sẽ không được đảm bảo và nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn 2008-2015 đang là mối đe dọa hiển hiện.

Nhiều dự án chậm hai năm

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy nhiều dự án điện dự kiến đưa vào vận hành trong các năm 2009 - 2010 đều bị chậm 6 - 12 tháng, thậm chí là hai năm.

Đáng chú ý, trong số 33 dự án thủy điện và nhiệt điện của giai đoạn này, do EVN, PVN và các tổng công ty khác làm chủ đầu tư, có tới 12 dự án đang bị chậm tiến độ.

Điển hình trong lĩnh vực thủy điện là các công trình Thủy điện Bản Vẽ 2 (công suất 150 MW), Thủy điện Đồng Nai 3 (công suất 180 MW), Thủy điện Sekaman 3 (Lào) công suất 248 MW.

Các công trình nhiệt điện khác có mặt trong danh sách chậm tiến độ một năm phải kể đến Nhiệt điện Hải Phòng II (công suất 300 MW), Nhiệt điện Mạo Khê I (công suất 220 MW), Nhiệt điện Ô Môn I (công suất 300 MW), Nhơn Trạch 2 (công suất 750 MW).

Riêng hai dự án Nhiệt điện Vũng Áng I (công suất 600 MW) và Nhiệt điện Mạo Khê (công suất 220 MW) phải lùi tiến độ phát điện đến hai năm.

“Theo quy hoạch tổng sơ đồ, từ 2010 - 2015, chúng ta sẽ có thêm trên 30.000 MW, trong đó nhiệt điện chạy than chiếm 26.000 MW.

Với kinh nghiệm của tôi, một dự án đầu tư từ khi đặt chủ trương đến khi ra được hồ sơ đầy đủ để đấu thầu thi công phải mất ít nhất ba năm. Trong khi đó, các kỹ sư Việt Nam lại chỉ giỏi về thủy điện còn nhiệt điện thì ít có chuyên gia có kinh nghiệm, chưa kể đến đội ngũ công nhân.

Bài toán cấp điện giai đoạn 2010 – 2015 nếu không được giải nhanh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp điện cho đất nước và thậm chí là một cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng, đe dọa nền kinh tế”- Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

Ban chỉ đạo quy hoạch điện VI cũng cho biết trong số 74 dự án điện của các năm 2011 đến  2015, có chín dự án chậm tiến độ từ một đến hai năm, một dự án phải điều chỉnh lại quy hoạch do chậm tiến độ, nhiều dự án điện khác không xác định được thời hạn đưa vào hoạt động.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất của giai đoạn này là hàng loạt dự án điện, chủ yếu là nhiệt điện, công suất lên tới 600 MW/nhà máy, đang bị chậm tiến độ.

Thiếu vốn

Nguyên nhân chính của sự chậm trễ các dự án điện này là do khó khăn về nguồn than, nguồn vốn giải ngân, thanh toán khối lượng công việc đã hoàn thành, thiếu lực lượng thi công và cả do thiếu sự tập trung chỉ đạo dẫn đến chậm trễ trong thiết kế, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên trên công trường.

Theo báo cáo của EVN, trong quá trình thực hiện và định hướng đầu tư công trình lưới điện truyền tải theo quy hoạch điện VI, nợ năm 2008 chưa thanh toán được lên tới 465 tỷ đồng.

Dự kiến của quy hoạch điện VI tính toán tổng nhu cầu đầu tư từ nay đến năm 2015 cần khoảng 148.000 tỷ đồng nhưng, hiện tại, vốn khấu hao cơ bản của Tổng Cty Truyền tải Quốc gia (NPT) lũy kế đến năm 2015 chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, không đủ trả nợ.

“Những năm qua do liên tục thiếu điện cũng như hạn chế vốn đầu tư và do tập đoàn tập trung đầu tư xây dựng nguồn điện nên bắt đầu xuất hiện nguy cơ mất cân đối giữa nguồn và lưới điện truyền tải.

Hiện tổng dung lượng các trạm 220 kV chỉ xấp xỉ bằng tổng công suất nguồn trên toàn hệ thống. Những năm tới, khi công suất nguồn điện tăng đến 3.000- 4.000 MW, năng lực truyền tải tăng thêm khó có thể đáp ứng yêu cầu”- Báo cáo EVN thừa nhận.

Việc đội chi phí đền bù giải phóng mặt bằng nhiều công trình lên gấp đôi so với dự toán, theo EVN, cũng là khó khăn khiến đơn vị này không thể thực hiện dự án đúng tiến độ. Điển hình như dự án điện Nghi Sơn 1 do EVN thực hiện.

Lãnh đạo EVN tổ chức nhiều đoàn vào làm việc với tỉnh Thanh Hóa nhưng đến nay, 626 hộ dân thuộc diện phải di dời vẫn chưa chuyển sang khu tái định cư.

Một số dự án khác do Tập đoàn Công nghiệp, Than & Khoáng sản Việt Nam thực hiện cũng đang gặp phải khó khăn tương tự cần được tháo gỡ.

Hàng chục năm nữa Việt Nam mới hết thiếu điện

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, khẳng định, với tốc độ đầu tư như nhiều năm qua, tình trạng thiếu điện của Việt Nam còn kéo dài ít nhất vài ba chục năm nữa.

So với Thái Lan, với tốc độ đầu tư hiện nay, phải 30 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Thái Lan bây giờ.

Các dự án chuẩn bị khởi công năm 2008 đều bị chậm tiến độ hai năm (Nhiệt điện Vĩnh Tân II, Duyên Hải I, Mông Dương I) và thậm chí là ba năm (Nhiệt điện Mạo Khê, Thủy điện Trung Sơn) so với quy hoạch điện VI.

Theo thống kê, trong tổng số 11 dự án điện dự kiến vận hành vào năm 2008, đến nay chỉ 2 dự án hoàn thành đúng kế hoạch, một số dự án khác hoàn thành giai đoạn 1, còn lại phần lớn là sẽ hoàn thành trong năm nay.

MỚI - NÓNG