Viết cuộc đời bằng đôi chân

Viết cuộc đời bằng đôi chân
Vừa cất tiếng khóc chào đời, số phận đã không cho Nguyệt có được đôi tay như bao người khác. Nhưng cô gái Mê Linh (Hà Nội) ấy đã làm nên điều kỳ diệu: cô đã viết nên cuộc đời mình bằng đôi chân với một nghị lực phi thường.

Vũ Thị Ánh Nguyệt sinh ra và lớn lên bên con sông Cà Lồ, bao quanh thôn Thái Lai, xã Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội. Là con thứ ba trong gia đình có năm anh em, bố làm trong hợp tác xã nông nghiệp, mẹ là giáo viên cấp I. Không có đôi tay, không cam chịu, cô âm thầm vượt qua sự run rủi của cuộc đời.

“Sao con không có tay như các bạn?”

Vừa lọt lòng, bà ngoại sợ mẹ ngất nên đem Nguyệt giấu, chỉ khi nào đến bữa bà mới bế Nguyệt đến bú, gói kỹ trong tấm khăn. Bà Nhâm - mẹ Nguyệt - bùi ngùi:

“Một tháng sau khi sinh tôi mới biết đứa con bé bỏng tội nghiệp của mình không có tay. Ruột gan tôi như cắt, không khóc mà nước mắt chảy dài. Nhiều người khuyên tôi đem bỏ nó vào chùa, nhưng vợ chồng tôi không nỡ đành đoạn với giọt máu của mình”.

Viết cuộc đời bằng đôi chân ảnh 1
Nâng tách trà bằng chân - Ảnh: Ng.Huân

Bố Nguyệt nói ông làm thủ kho vật tư nông nghiệp xã từ năm 1976-1979, năm 1978 thì sinh Nguyệt, có thể ông bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu nên Nguyệt mới như vậy.

Đến tuổi, cô bé không thể bò, trườn như những đứa trẻ cùng tuổi. Lên 5, thấy các bạn đi học, Nguyệt xin mẹ cho đi theo vì mẹ là giáo viên. Ngồi cuối lớp Nguyệt bi bô đánh vần theo các bạn, thấy các bạn tập viết cô bé cũng xin một viên phấn, mới chợt nhận ra mình không có tay. Nguyệt thơ ngây hỏi mẹ: “Mẹ ơi, sao con không có tay như các bạn?”. Bà Nhâm quay mặt đi, những giọt nước mắt mặn đắng lăn dài.

Không cầm phấn được bằng tay, Nguyệt ngồi bệt dưới đất tập viết bằng chân. Bà Nhâm bộc bạch: “Đứng trên bục giảng, thấy con gái kẹp phấn vào chân rồi lại rơi, tôi không dám khóc. May là Nguyệt không bao giờ bỏ cuộc hay làm nũng mẹ, chỉ lầm lũi tập viết một mình”.

Cuối giờ, thấy con vẫn miệt mài với những hình vẽ nguệch ngoạc trên nền đất, bà Nhâm nhận ra con mình có khả năng viết bằng chân, từ đó cất công kèm cặp. Không chỉ viết thành thạo bằng chân mà Nguyệt còn viết rất đẹp. Một thời gian sau Nguyệt đã vươn lên tốp đầu của lớp về thành tích học tập.

Viết cuộc đời bằng đôi chân ảnh 2
Với đôi bàn chân, Nguyệt vẫn viết nên cuộc đời mình -Ảnh: Hải Chung

Rồi Nguyệt cũng theo hết tiểu học. Lên cấp II, trường cách nhà hơn 3km, thấy sức khỏe con yếu, bà giáo Nhâm không có điều kiện đèo con đến trường nên muốn Nguyệt ở nhà. Nhưng Nguyệt nài nỉ: “Mẹ...! Cho con học hết cấp II xem cấp II khác cấp I như thế nào. Mẹ không phải đèo con đâu, con tự đi bộ được mà..!”.

“Thầy xin lỗi em...”

Khi được hỏi kỷ niệm nào khiến cô nhớ nhất, Nguyệt cười:

“Đầu năm học lớp 10, ghi xong đầu bài, thầy giáo nhìn xuống thấy mình ngồi quay ngang trên ghế viết bài nên ngạc nhiên: ”Ơ, sao lại ngồi thế kia?”.

Mình đang lúng túng chưa biết trả lời thế nào thì các bạn đứng lên nói: “Thưa thầy, bạn ấy không có tay”.

Lặng đi một lúc, thầy tiến đến chỗ mình, động viên rồi nói: thầy xin lỗi em...”.

Vậy là từ đó, người dân xã Tiến Thắng trở nên quen thuộc với hình ảnh cô bé Nguyệt với chiếc cặp vắt chéo qua vai, một mình băng tắt cánh đồng làng đến trường. Để đi học đúng giờ, cô bé thường xuyên nhịn ăn sáng, thậm chí nhịn cả ăn trưa, đi trước các bạn cả tiếng đồng hồ.

Ngày đầu, các bạn cùng lớp thấy Nguyệt khác thường nên xa lánh. Rồi dần dần hiểu bạn, ai cũng giành để được ngồi gần, thay phiên đèo Nguyệt đến trường. Thầy, cô bảo đóng riêng cho Nguyệt một chiếc bàn, nhưng Nguyệt không chịu, Nguyệt muốn ngồi ghế như các bạn. Bốn năm học cấp II trôi qua, Nguyệt lại rinh về cho mình thêm bốn tấm giấy khen.

Nói về cô học trò đặc biệt của mình, thầy Lê Văn Đức - nguyên hiệu trưởng Trường THPT Phúc Yên (nay đổi thành THPT Bến Tre) - xúc động: “Nguyệt là cô gái giàu nghị lực. Ba năm học cấp III dù nắng hay mưa, Nguyệt chưa một lần nghỉ học cũng như đi học muộn.

Năm lớp 11 em được cử đi thi học sinh giỏi toàn tỉnh, dù không đoạt giải nhưng nhà trường vẫn rất tự hào về cô học trò này. Khi biết Nguyệt tốt nghiệp THPT với tấm bằng khá, tôi và toàn thể thầy cô trong trường, hội cha mẹ học sinh cùng các bạn của Nguyệt đến nhà trao tận tay em tờ giấy chứng nhận tốt nghiệp. Giây phút ấy, ai nấy đều nghẹn ngào”.

Rọi sáng cuộc đời

Đứng trước cánh cửa đại học, Nguyệt trăn trở lắm. Cuối cùng cô chọn học vi tính, phần vì nhà nghèo, phần do sức khỏe không cho phép. Được tặng một chiếc máy tính, nhưng không có ai hướng dẫn chỉ bảo, Nguyệt ở nhà tự đánh vật với bàn phím. Không chỉ giỏi vi tính, Nguyệt còn đan len, làm thơ, viết văn... Tất tần tật mọi công việc hằng ngày đều do đôi chân của cô quán xuyến.

Nhận thấy tố chất của Nguyệt, Trung tâm đào tạo dạy nghề và phát triển nhân đạo Hà Nội đã mời cô về làm việc. Sau đó Nguyệt sang công tác tại Đoàn nghệ thuật từ thiện TP Ninh Bình. Hiện cô là một trong hai người phụ trách đội biểu diễn ca nhạc từ thiện, tất cả các em đều là những người khuyết tật.

Tới thăm Nguyệt và các em khuyết tật trong một khu nhà trọ ở ngoại thành Hà Nội, được thấy cô mở cửa, rót nước, nhắn tin điện thoại, đánh máy vi tính, nấu cơm rồi cả chải đầu làm đẹp, tất cả đều bằng đôi chân bé nhỏ kỳ diệu. Khéo léo dùng chân lấy từ đáy hòm ra một chiếc túi nhỏ, Nguyệt khoe quyển sách.

 Tôi đi học do thầy Nguyễn Ngọc Ký (nhà giáo - nhà văn Nguyễn Ngọc Ký, bị liệt hai tay từ năm lên 4 tuổi. Ông đã nỗ lực tập luyện viết bằng chân và trở thành nhà giáo. Tác phẩm nổi tiếng - cũng là hồi ký của ông - có tên là Tôi đi học. Hiện ông đã nghỉ hưu, sống tại TP.HCM - BTV) tặng, kèm lời nhắn: “Chúc Nguyệt luôn là người chiến thắng”.

Nguyệt tâm sự: “Hằng ngày mình cùng các em đi khắp các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hà Nam, Vĩnh Phúc... đem lời ca tiếng hát cùng thông điệp nhắn nhủ tới mọi người: Đừng bao giờ bỏ cuộc, hãy luôn cố gắng, cánh cửa cuộc đời không bao giờ khép lại với ai”.

Trong các buổi biểu diễn, tiết mục làm thơ, kể chuyện của Nguyệt luôn để lại ấn tượng và sự xúc động trong lòng khán giả. Mỗi ngày cô nhận được hàng trăm tin nhắn của các bạn học sinh gửi tới tâm sự và bày tỏ sự cảm phục. Nguyệt cho biết số tiền quyên góp được sau mỗi buổi biểu diễn được dùng để giúp đỡ phục hồi chức năng cho các em khuyết tật và là nguồn kinh phí hỗ trợ các em khác học nghề.

Đã từ lâu các em trong trung tâm khuyết tật coi Nguyệt là chị cả, là cánh chim đầu đàn giúp các em có nghị lực vượt qua bóng tối cuộc đời. Nguyệt giờ chỉ nặng 34kg, căn bệnh dạ dày lại luôn hành hạ, song như vành trăng khuyết bé bỏng, Nguyệt kiên cường đem cuộc đời mình rọi sáng những phần đời bất hạnh, truyền cho nhau nghị lực và niềm tin tiến về phía trước, chiến thắng số phận, chiến thắng cuộc đời.

Dạ này

Vũ Thị Ánh Nguyệt

Viết cuộc đời bằng đôi chân ảnh 3
Bài thơ Nguyệt viết bằng chân -Ảnh: Ng.Huân

Giục lòng giấu một con tem
Gói đời vào sóng mở xem phận mình
Thu rồi qua buổi trúc xinh
Nét duyên còn thắm chữ tình đa mang
Thuyền thơ trôi bến trăng vàng
Ý trung nhân dõi theo làn sóng xanh
Chừng nào lòng gọi... ơi anh
Phải duyên cột lại đừng dềnh kẻo xa
Lỡ mai... ta có gặp ta
Dạ này... sóng đẩy! Đẩy ra... hay vào.

Theo Nguyên Huân- Hải Chung
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.