Anh Sáu Dân với văn nghệ sỹ

Anh Sáu Dân với văn nghệ sỹ
TP - Buổi chiều tháng tám năm 1981, anh Sáu đến chơi nhà tôi – Đón anh không chỉ có chủ nhà (tôi) mà cả một “đoàn” văn nghệ sĩ, nói một đoàn cho “hoành tráng”, thật ra là chỉ có năm ba anh em: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Trần Long Ẩn.
Anh Sáu Dân với văn nghệ sỹ ảnh 1
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Đây là nhóm anh em thường gặp anh. Trong lúc anh Sáu chưa đến, anh em ngồi xung quanh cái bàn ngoài sân dưới gốc hai cây mận – Cái bàn giữa hai cây mận, anh em thường gặp nhau lai rai với đủ thứ chuyện, là chuyện bình thường của chúng tôi, nhưng hôm ấy tôi thấy có cái gì là lạ…

A, tôi nhận ra rồi, người nào ăn mặc cũng đàng hoàng, không xềnh xoàng như mọi hôm. Đón anh Sáu thì phải vậy chớ, thân mật và trân trọng.

Đúng sáu giờ, anh Sáu đến, chúng tôi tiếp anh trong phòng riêng mười sáu mét vuông. Khi đưa thức ăn lên bàn, tôi nói:

- Bọn tôi định mở một quán ăn, người đứng bếp là nhà thơ Nguyễn Duy, một nhà thơ mê ẩm thực, ở xứ này khó có nhà bếp nào nấu ngon như Nguyễn Duy, tiếp tân là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bưng bê là nhà văn Nguyễn Quang Sáng, anh Sáu thấy sao?

Anh Sáu ngước mắt cười:

- Chừng nào khai trương cho mình biết, mình mở hàng, đắt lắm!

Mỗi lần gặp nhau giữa anh và chúng tôi thường có chuyện vui như vậy, rất thoải mái. Rồi anh kể, anh vừa đi thăm lực lượng Thanh niên xung phong, một thanh niên xung phong hỏi anh:

- Chú Sáu, nghe nói chú sắp ra Hà Nội, phải không?

- Đúng, sắp đi, hôm nay chú lên thăm các cháu.

- Chú đừng đi, chú ở đây với tụi cháu!

- Lệnh của Đảng, phải chấp hành!

- Mà chú có hộ khẩu ở Hà Nội chưa?

Chúng tôi cười ngất. Bữa cơm ngon, nhưng ăn ít, uống nhiều, chuyện này qua chuyện kia, rôm rả không dứt. Gặp nhau thì đọc thơ, hát và chuyện vui.

Nhà thơ Nguyễn Duy khởi xướng bằng bài thơ “Đánh thức tiềm lực”, bài thơ tặng anh Sáu đi làm kinh tế. Bài thơ dài, đặt ra nhiều vấn đề xã hội và con người, bài thơ dễ “đụng chạm”, dễ “gây sốc”. Với một số người, bài thơ có thể nói lúc đó là bài thơ khó đăng. Bài thơ lôi cuốn mọi người về ý, về tứ qua giọng đọc của Nguyễn Duy.

Tôi được biết, mỗi buổi cơm chiều, anh Sáu đều mời bạn bè, những người đủ các ngành, vừa dùng cơm, vừa trao đổi, anh sẵn sàng nghe nhiều ý kiến khác nhau, ngược nhau, nghe những gì mà nhiều người cho là “sốc”. Anh luôn tạo một không khí thoải mái, bình đẳng khi tranh luận.

Nói với anh, không ai e dè điều gì, nói không ngại, không sợ. Anh Sáu là một nhà lãnh đạo hết sức dân chủ và dễ gần. Cũng như đêm ở nhà tôi, anh lắng nghe bài thơ của Nguyễn Duy rất chăm chú, thỉnh thoảng lại gật gù, vẻ tâm đắc lắm. Bài thơ: “Đánh thức tiềm lực” anh Sáu đã nghe rồi. Các báo hãy yên tâm!

Trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, anh là người đánh thức tiềm lực của văn nghệ sĩ – Từ ý tưởng của anh mà năm 1981, trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, các Hội chuyên ngành của thành phố Hồ Chí Minh: Hội Nhà Văn, Hội Điện Ảnh, Hội Âm Nhạc, Hội Kiến Trúc lần lượt ra đời. Anh nói trong cuộc sống phải có tiếng cười, tiếng hát… Anh phát động phong trào ca hát, sân khấu hài kịch, báo Tuổi Trẻ Cười cũng ra đời từ ý tưởng của anh…

Có hai việc tôi nhớ mãi. Một buổi gặp mặt giữa anh, văn nghệ sĩ và bạn bè. Cô Kim Hạnh báo Tuổi Trẻ nói với giọng bức xúc: “Thưa chú Sáu, có một lãnh đạo nghi CIA gài anh Trịnh Công Sơn ở lại” – Chuyện nghiêm trọng quá, chúng tôi đưa mắt về phía anh Sáu, chờ ý kiến của anh. Anh Sáu vẫn tươi cười, đưa tay chỉ vào ngực mình “Ngay như tôi, cũng có người nghi, huống chi là Trịnh Công Sơn!”. Tất cả đều bật cười – Không khí buổi gặp gỡ lại thân mật, thoải mái, tất cả các ly rượu đều đưa lên cụng với anh và Trịnh Công Sơn. Việc thứ hai – Trong những ngày chuẩn bị vở cải lương “Tiếng trống Mê Linh”, có một câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người đóng vai Trưng Trắc. Người được chọn là nghệ sĩ Thanh Nga – Râm ran có nhiều ý kiến khác nhau. Có một số ý kiến đưa ra tiêu chuẩn, đóng vai Bà Trưng phải là nghệ sĩ từng hoạt động, lập trường chính trị phải vững vàng – Đây là ý kiến của một số cán bộ cũng cỡ bự, không dễ bỏ qua – Chuyện đến tai anh Sáu, anh Sáu cười nói “Nếu chọn vai Bà Trưng theo tiêu chuẩn đó, thì phải mời bà Nguyễn Thị Thập hoặc bà Nguyễn Thị Định lên sân khấu” – Mọi người cười xòa.

Vai Bà Trưng của Thanh Nga thuyết phục không biết bao nhiêu người – Cho đến bây giờ chưa có ai thay nổi cố nghệ sĩ Thanh Nga.

Những chuyện “gút mắc” như vậy, Anh giải tỏa nhẹ nhàng như không.

Hơn mười năm trước, từ Vĩnh Long anh điện về, anh bảo tôi chiều nay đến nhà anh ăn cơm. Đến nhà anh, lần ấy tôi thấy hơi lạ - Những lần trước, tôi đến với một số anh em, lần này chỉ có mình tôi, tôi không đoán nổi chuyện gì.

Khi lên bàn ăn, tôi nhớ là anh đãi tôi món cháo cá lóc và rau đắng, món ăn của người miền Tây. Rồi sau một hớp rượu (tôi uống rượu nặng, anh uống rượu vang), anh nói:

- Mình muốn có một cuốn sách viết về cuộc đời cách mạng của trí thức và địa chủ yêu nước của Nam Bộ. Cách mạng thành công, không thể không nhắc đến công lao của các nhân vật ấy – Một yếu tố không thể thiếu của Chiến Thắng. Việc này ai làm? Hội nhà văn!

Đề tài này anh nói say sưa. Tôi bỗng nghĩ: Anh, một tâm hồn nghệ sĩ trong con người chiến sĩ.

MỚI - NÓNG