Phong Điệp: Blogger nhưng không viết tiểu thuyết mạng

Phong Điệp: Blogger nhưng không viết tiểu thuyết mạng
TP - Nhà văn Phong Điệp - người cần mẫn với việc viết, đã xuất bản 10 tập sách văn học - lại vừa “tái xuất” với cuốn tiểu thuyết có tựa đề rất “văn chương mạng” Blogger.

Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Phong Điệp, với nhiều thử nghiệm trong cách xây dựng mạch chuyện, cách khai thác ngôn ngữ biểu hiện. Đằng sau cái tên sách gợi đến thế giới trẻ với cuộc sống đa chiều đương đại này là gì? Chúng tôi đã trò chuyện cởi mở với Phong Điệp.

Phong Điệp: Blogger nhưng không viết tiểu thuyết mạng ảnh 1
Nhà văn Phong Điệp

Nhân vật xuyên suốt trong tiểu thuyết này là một cô gái “nhà quê” lập nghiệp ở thành phố và gặp rất nhiều trắc trở trong cuộc sống: có con ngoài giá thú, bị chèn ép trong cơ quan, mất việc. Chị có thể chia sẻ vì sao chị chọn chủ đề này?

Khi phải chôn chân cả tiếng đồng hồ trên đường vì kẹt xe, tôi tự hỏi: Có bao nhiêu người tạm gọi là “dân tứ xứ” đã đổ về Hà Nội?

Ngồi nhớ lại lớp đại học của mình, sau nhiều năm bạn bè chưa thể gặp mặt nhau đầy đủ vì bận mưu sinh, tôi tự hỏi: Có bao nhiêu người đã và đang trụ lại ở mảnh đất này?

Và trong cuộc “chạy đua” ấy mấy người được thuận buồm xuôi gió, không phải buồn, không phải đau khổ, không có lúc tuyệt vọng? Biết bao nhiêu vấn đề  đặt ra với một người trẻ tuổi phải trụ lại thành phố lớn: công ăn việc làm, nhà cửa, gia đình…  Ai dám chắc ra trường là có việc làm ngay, việc làm phù hợp chuyên môn và sở thích?

Lương kiếm đủ sống? Nếu mất việc bạn biết sống thế nào? Tiền thuê nhà lấy đâu? Người yêu phụ tình, bạn có gục ngã không? Rất nhiều rất nhiều những câu hỏi như vậy. Và anh có thấy không, những chuyện đó nếu đặt ra với nam giới đã là rất nặng nề rồi nữa là những cô gái gốc gác tỉnh lẻ  yếu đuối và đơn độc.

Tôi nghĩ rằng kiểu nhân vật mà tôi đề cập trong tác phẩm cũng như chủ đề câu chuyện vừa có tính phổ biến, vừa có tính cá biệt để nhà văn làm công việc của mình.

Xin một câu hỏi rất “truyền thống”:Câu chuyện trong tiểu thuyết của chị có bao nhiêu phần trăm là “tự truyện”? Và chuyện trong đó chị lấy ở những “nguyên mẫu” là bao nhiêu chi tiết? Nhiều người rất thích thú với những suy nghĩ của nhân vật “mẹ chồng hờ”, làm sao mà chị có được những dòng sinh động như vậy?

Xin trả lời ngay là tôi không, đúng hơn là chưa có ý định viết tự truyện (cười). Những nhân vật trong sách của tôi đều được gợi ý từ những con người hàng ngày tôi cùng sống, hoặc từng gặp.  Tôi “ghi chép” lại họ theo cách riêng của mình và huy động họ lúc cần thiết. Nếu anh thấy họ xuất hiện sinh động trong Blogger có nghĩa là tôi đã thành công phần nào đó chăng?

Nhiều phân đoạn trong tác phẩm của chị có hình thức một Entry, cuộc chơi này có khiến chị hứng thú không, chị có bị sức ép gì không? Có những Entry toàn bộ nội dung là cuộc...… “chat”.  Trong tiểu thuyết lại có nhiều dòng Comment dưới những Entry (thực chất là các chương ngắn). Chị có đi từ thực tế sống của chính mình với những cuộc “chát chít”, những entry có thật ngoài đời? Hay chị tưởng tượng ra – đồng nghĩa với việc tự mình đóng rất nhiều vai?

Tôi cảm thấy rất  thoải mái với cách viết này. Việc hoá thân vào nhiều vai diễn thật ra rất kích thích những người viết.

Tôi online hàng ngày, như cách để thông báo cho bạn bè là mình vẫn đang mạnh khỏe. Bạn bè nhiều khi không gặp mặt nhau thì lên mạng, cũng là cách để rút ngắn khoảng cách. Và tôi thấy bằng cách thức “chát chít” ấy, người nói chuyện có thể bày tỏ một cách thoải mái những cảm xúc, suy nghĩ của mình.

Có những cuộc chat ám ảnh tôi hàng tuần liền. Vậy thì chat đâu phải là chỉ là một thứ vô thưởng vô phạt? Giá trị của chúng ở cách chúng ta có biết sử dụng chúng hay không mà thôi

Sở hữu đến 2 blog và 1 trang web văn chương cá nhân khá hot, điều này ảnh hưởng đến tác phẩm “Blogger” của chị như thế nào?

Bằng chứng là tôi đã hoàn tất được Blogger sau 1 năm bản thảo nằm im trong máy tính vì lúng túng ở cách lựa chọn hình thức thể hiện.

Trong sách của chị có những dòng khá “bạo”: Tự nhiên muốn chửi bậy. Tự nhiên muốn đánh nhau. Tự nhiên muốn giết người... Tuy nhiên, trong thực tế, ngôn ngữ trên blog còn bạo hơn rất nhiều (thậm chí có thể gọi là “tục”). Chị có suy nghĩ gì về chuyện này? Liệu có phải chị chưa dám đi tới cùng?

Tôi nghĩ văn chương không phải là bản chụp một cách giản đơn của cuộc sống. Ra chợ thấy người ta chửi nhau thế nào thì bê nguyên si vào tác phẩm của mình. Nếu như thế sẽ có nhiều người làm tốt hơn nhà văn nhiều. Tôi nghĩ mình sẽ bạo ở chỗ cần bạo, có thể những bối cảnh truyện khác mức độ bạo sẽ  hơn những gì  viết trong Blogger nhiều – nhưng nó nhất thiết phải phù hợp với ý đồ của tác phẩm mà tác giả muốn thể hiện.

Mạng internet thường được coi là thế giới “ảo”. Cuộc chơi “thật - ảo” cũng là đất để nhà văn dụng võ. Đoạn cuối chị đưa ra một cái chết giả giả thật thật rất bí hiểm? Chị có thể nói rõ hơn về thủ pháp này?

Nói thủ pháp thì có vẻ to tát quá. Nhưng tại sao không thử đặt ra các tình huống khi mà thế giới mạng nói riêng và thế giới văn chương không hề hạn hẹp chúng ta trong việc đó. Thật - ảo – ảo - thật. Cái gì là thật cái gì là giả? Đã khi nào chúng ta hết nỗi hoang mang về chính mình? Đã khi nào bạn hình dung một cái chết sẽ đến với mình?

Tôi đặt nhân vật của mình vào những giả thuyết – và có thể toàn bộ câu chuyện cũng là một giải thuyết chăng? Đó cũng là điều tôi muốn làm trong cuốn sách này. Người đọc sẽ cùng tôi suy nghĩ là lưa chọn giải pháp cho nhân vật. Tại sao không? Và đó cũng là hướng đi trong thời gian tới của tôi.

Từng phân đoạn trong tiểu thuyết của chị đọc khá “vào”, có thể nói là dễ hiểu, nhưng tổng thể thì khá khó theo dõi vì quá nhiều nhân vật và những đoạn ngắn về nhân vật này nhân vật kia được sắp đặt khá ngẫu hứng. Chị có thể giải thích?

Không ngẫu nhiên mà tôi lấy nhan đề tác phẩm là Blogger. Chính hình thức blog phổ biến trên mạng hiện nay đã gợi ý cho tôi cấu trúc này. Các entry xuất hiện trên blog có thể liền mạch, hoặc khá rời rạc, chẳng mấy liên quan đến nhau. Nhưng thực tế, ở  một cách thức nào đấy, nó luôn có những đường dây kết nối với nhau. Đó là gì?

Tôi muốn bạn đọc của mình không chỉ giở sách ra và làm một công việc thụ động là chờ xem nhân vật chính có làm đám cưới hay có bỏ nhau không (cười); mà muốn họ cùng tham gia giải mã những câu chuyện, những nhân vật được bày ra  trong sách.

Bạn đọc có thể chỉ đuổi theo một trục duy nhất là câu chuyện về số phận nhân vật Hạ, mạch truyện đó tôi duy trì theo cách khá truyền thống để không rơi vào tình trạng dùng sách đánh đố bạn đọc; đồng thời họ cũng có thể theo đuổi những trục truyện khác, có hơi phức tạp hơn nhưng sẽ giúp khám phá một cách đa dạng hơn về thế giới của các nhân vật trong truyện.

Cũng giống như khi lên mạng, bạn có thể rơi vào trạng thái miên man, hoặc thậm chí bối rối giữa vô số entry, vô số thông tin, vô số cảm xúc. Nếu muốn thoát khỏi trạng thái đó, bạn cũng cần kĩ năng đọc blog chăng? Vậy thì truyện của tôi bạn đọc cũng nên đọc theo kiểu vậy (cười).

Trong sách có những đoạn ghi rõ “copy and paste” và lại còn dẫn nguồn từ báo điện tử. Rồi có cả một đoạn báo quảng cáo kiểu “mua và bán”... Chị có thể nói thêm về hình thức sáng tác này? Nhân tiện, khi làm như vậy, liệu chị có thể bị dây dưa với vấn đề bản quyền không?

Tôi ghi nguồn đầy đủ trong sách, và cũng nói rõ là “copy and paste” đấy chứ. Tôi muốn phá vỡ cách kể chuyện “có trật tự” mà lâu nay chúng ta vẫn quen thuộc. Và một điều tôi suy nghĩ đó là: Thực ra trong cuộc sống của chúng ta, mọi thứ đều có câu chuyện phía sau của nó, dù là một mẩu rao vặt trên một tờ báo cũ.

Nó có thể giúp nói lên một điều gì đó ám ảnh hơn thế - chứ không chỉ giới hạn ở những thông tin khá hạn chế khi xuất hiện trên báo chí - nếu được đặt trong một “bối cảnh văn học” . Đây cũng là một hướng mà tôi sẽ tiếp tục khai thác trong các sáng tác tiếp theo của mình.

Xin cảm ơn chị.

Lê Anh Hoài
Thực hiện

MỚI - NÓNG