Kích cầu dễ dẫn tới xin - cho, bao cấp

Kích cầu dễ dẫn tới xin - cho, bao cấp
TP - Đó là cảnh báo của TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại Việt Nam, nhưng ông cũng nhận định nền kinh tế đã dần đi vào ổn định.
Kích cầu dễ dẫn tới xin - cho, bao cấp ảnh 1
TS Vũ Thành Tự Anh

Chính phủ tiếp tục trình Quốc hội xin điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2009 là 5 phần trăm. Trước đó, rất nhiều định chế tài chính như IMF, WB, ADB… đã đưa ra những dự đoán khác nhau, thậm chí có tổ chức dự báo GDP chỉ tăng 0,3 phần trăm. Trong bối cảnh Việt Nam như hiện nay, TS có nhận định gì và liệu mục tiêu này có khả thi?

Giảm mục tiêu tăng trưởng GDP là một quyết định đúng đắn, tuy nhiên theo tôi mục tiêu 5 phần trăm vẫn còn cao.

Nền kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới, mà kinh tế thế giới thì chưa có dấu hiệu phục hồi. Hay nói như GS Paul Krugman, tình hình kinh tế thế giới vẫn đang tiếp tục xấu đi, mặc dù với tốc độ chậm hơn trước.

Điều đó chứng tỏ suy thoái kinh tế toàn cầu mới chỉ tiệm cận nhưng chưa chạm đáy. Hệ quả là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm.

Tổng cục Thống kê (TCTK) ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2009 giảm 6,8 phần trăm so với cùng kỳ năm trước, kéo theo suy giảm sản xuất, thất nghiệp, thiểu dụng lao động – tất cả những điều này đều tác động tiêu cực đến thu nhập của người tiêu dùng.

Quy mô gói kích cầu của chúng ta rất lớn (khoảng 145.000 tỷ đồng hay 8 tỷ USD). Tuy nhiên vẫn chưa rõ Chính phủ sẽ tài trợ cho cho gói kích cầu này như thế nào, nhất là trong bối cảnh thâm hụt ngân sách (cả trong và ngoài dự toán) của năm 2008 đã trên 8 phần trăm (theo IMF).

Kích cầu dễ dẫn tới xin - cho, bao cấp ảnh 2
Nguồn: Prasad và Sorkin. Ghi chú: Những số liệu về gói kích thích chỉ bao gồm các khoản chi mới. Số liệu về cán cân ngân sách của Việt Nam lấy từ Báo cáo Quốc gia của IMF, bao gồm cả các khoản chi ngoài ngân sách

Hơn nữa, thường phải mất ít nhất vài tháng, các khoản đầu tư công mới bắt đầu có hiệu lực, trong khi nhiều bộ phận trong gói kích cầu chỉ vừa mới, thậm chí chưa được triển khai.

Điều này có nghĩa là tác động có thể quan sát được của gói kích cầu đến tăng trưởng của năm nay sẽ tương đối hạn chế.

Có ý kiến lo ngại nếu kích cầu không khéo sẽ dẫn đến tình trạng bao cấp trở lại, đồng thời có nguy cơ vừa lạm phát vừa suy giảm. TS đánh giá thế nào về những nguy cơ trên và giải pháp phòng ngừa chúng ra sao?

Sự lo ngại về nguy cơ gói kích cầu bị lạm dụng là có cơ sở. Ngân sách phân bổ trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, thiếu thẩm định và kiểm soát đầy đủ dễ đi nhầm địa chỉ.

Hơn nữa, việc phân bổ một lượng vốn khổng lồ trong một thời gian rất ngắn trong điều kiện ai cũng khó khăn và phải tranh giành nguồn lực rất dễ dẫn tới xin – cho và bao cấp.

Về nguy cơ kích cầu dẫn tới lạm phát, tôi cho rằng, ở thời điểm này, chưa thực sự đáng lo. Nguyên nhân là cầu trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu đều đang giảm mạnh.

Tuy nhiên, vì những yếu tố có tính cơ cấu của lạm phát như chiến lược tăng trưởng dựa vào đầu tư theo chiều rộng (và đi đôi với nó là tăng cung tiền và tín dụng), sự thiếu chủ động của ngân hàng nhà nước, chi phí phân phối cao trong nền kinh tế Việt Nam vẫn còn nguyên nên nếu, thêm vào đó, những biện pháp kích cầu kém hiệu quả, nguy cơ lạm phát sẽ vẫn luôn tiềm ẩn và có thể bộc phát khi nền kinh tế thế giới phục hồi.

Để đối phó với tình huống này, điều quan trọng nhất là chính phủ phải đảm bảo hiệu quả của gói kích cầu, đồng thời theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chỉ số giá của nền kinh tế để có đối sách phù hợp, kịp thời.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cần chủ động rút bớt chi tiêu và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ động giảm bớt tăng trưởng cung tiền và tín dụng khi bắt đầu thấy những dấu hiệu phục hồi của kinh tế thế giới.

Đang có những ý kiến tranh luận về vấn đề liệu kinh tế Việt Nam đã phục hồi hay chưa? Quan điểm của ông về vấn đề này?

Kích cầu dễ dẫn tới xin - cho, bao cấp ảnh 3
Dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2009

Rất khó đưa ra nhận định chính xác về tình trạng của nền kinh tế khi thiếu nhiều số liệu quan trọng hàng tháng như số lượng việc làm bị mất, tình trạng thiểu dụng lao động, số đơn đặt hàng mới của khu vực sản xuất, tình trạng tồn kho của doanh nghiệp, khối lượng xây dựng dân dụng mới, v.v.

Những số liệu (không đầy đủ) hiện có cho thấy một bức tranh không rõ rệt về tình trạng kinh tế Việt Nam. Trong khi số liệu về đầu tư và xuất nhập khẩu giảm mạnh, số liệu về tiêu dùng và giá trị sản xuất công nghiệp lại được cải thiện so với quý I.

Một số người cho rằng, sự tăng trở lại của chỉ số chứng khoán VN-Index và giá bất động sản là những tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi. Tôi cho rằng nhận định này thiếu cơ sở vì, một mặt, những doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay chưa đại diện cho toàn nền kinh tế.

Mặt khác, nguyên nhân khiến hai thị trường (vốn có tính đầu cơ cao) này ấm lên là do chính sách tiền tệ nới lỏng của NHNN chứ không phải do sự cải thiện của các yếu tố nền tảng.

Không những thế, việc hai thị trường này ấm lên trong khi nền kinh tế thực không có những dấu hiệu phục hồi cho thấy đồng tiền dễ dãi đang chảy vào hai kênh đầu cơ và gây ra hiệu ứng chèn lấn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thực.

Nói tóm lại, tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang dần đi vào ổn định (tất nhiên ở mức thấp) nhưng còn quá sớm để khẳng định về sự phục hồi.

Bội chi ngân sách năm 2009 có thể lên đến trên 8 phần trăm và phụ thuộc rất lớn vào giá dầu thô. Theo ông, mức này có an toàn cho nền kinh tế? Kịch bản nào khả dụng nhất có thể cân đối được ngân sách một cách an toàn?

Trong điều kiện suy thoái kinh tế toàn cầu, bội chi ngân sách là một vấn đề nan giải không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước trên thế giới (hình dưới, bên phải). Tuy nhiên, khi đưa ra quyết định về quy mô gói kích thích, các nước đều phải cân nhắc thực lực của mình.

Những nước có thặng dư ngân sách (như Nga, Đức, Hàn Quốc và Trung Quốc), hoặc có khả năng huy động nợ dễ hơn các nước khác (như Mỹ và Anh), sẽ có thể rộng tay chi tiêu hơn so với những nước bị thâm hụt ngân sách nặng nề (như Ấn Độ hay Việt Nam).

Việt Nam là một trường hợp ngoại lệ vì, trong khi là một trong những nước có thâm hụt ngân sách nặng nề nhất (-8,3 phần trăm GDP) thì, quy mô tương đối của gói kích thích (chỉ tính các khoản chi mới) lại thuộc loại lớn nhất (7,6 phần trăm GDP).

Hy vọng Chính phủ sớm trình bày phương án tài trợ cho gói kích cầu, và hy vọng những nỗ lực phát hành trái phiếu của Chính phủ từ đầu năm đến nay sớm thành công.

Trong điều kiện này, đầu tiên là Chính phủ cần đưa các khoản chi tiêu ngoài dự toán vào trong ngân sách để có một bức tranh trung thực về tình hình tài khóa. Theo IMF, khi ấy thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2009 có thể lên tới gần 10 phần trăm GDP. Mức thâm hụt này rõ ràng là quá cao và không bền vững.

Để cải thiện tình hình ngân sách và tránh lún sâu vào thâm hụt, chính phủ nên cân nhắc xem có thực sự cần kích cầu với quy mô lớn như hiện nay hay không.

Đồng thời, chính phủ cũng cần tìm mọi cách để đảm bảo hiệu quả của các khoản chi tiêu công, đặc biệt là các khoản đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Chính phủ cũng nên từng bước cải thiện cơ cấu nguồn thu để tránh phụ thuộc quá nhiều vào số thu từ dầu thô vốn thất thường và không bền vững.

Xin cảm ơn ông.

Vương Hạnh
(thực hiện)

MỚI - NÓNG