Mất đi là không gì lấy lại được

Việt Nam quyến rũ

Việt Nam quyến rũ
TP - 13 năm nghiên cứu với mong ước gìn giữ kho tàng thư tịch giá trị của Việt Nam, hai nhà Việt Nam học người Pháp Philippe Failler và Olivier Tessier thừa nhận Việt Nam đã quyến rũ họ và níu kéo họ ở lại.
Việt Nam quyến rũ ảnh 1
Philippe le Failler (phải) và Olivier Tessier

Gần đây nhất, Philippe Failler và Olivier Tessier cùng dốc sức hoàn thành dự án tái bản cuốn tranh khắc gỗ Kỹ thuật của người An Nam, một trong những tư liệu độc đáo về xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Cuốn sách này từng có mặt tại nhiều thư viện lớn ở Mỹ, Nhật Bản, Pháp nhưng đều là những bản không trọn vẹn.

Mất đi là không gì lấy lại được

Philippe khoe với tôi mấy chiếc đĩa ghi lại đầy đủ các số của  tạp chí Tri Tân, báo Thanh Nghị ấn hành từ năm 1941-1946, những tờ báo có tầm quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam.

Anh cho biết: “Tôi luôn trăn trở, nếu muốn tìm những tờ báo đó thì tìm ở đâu. Chiếc đĩa này trả lời câu hỏi đó vì nó ghi lại toàn bộ các số báo nhằm giúp bạn có thể tra cứu dễ dàng”.

Để có được trọn bộ, Philippe lục lọi khắp các thư viện tại Hà Nội và TPHCM, nhưng không thành. Rất may, anh được biết cụ Nguyễn Đình Hòe, một nhà sưu tập tư nhân.

Philippe cho biết, nhiều nhà sưu tập cá nhân ở Việt Nam sở hữu nhiều tài sản quý giá nhưng, khi anh tìm đến, những tài liệu đó bị hư hỏng cả. Philippe tiếc rẻ: “Không được bảo tồn sẽ không bao giờ lấy lại được”. 

Philippe le Failler bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam từ năm 1986 tại Pháp khi theo học khoa lịch sử. Anh đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1994 theo một dự án nghiên cứu về Đông Nam Á.

Anh chỉ ở Việt Nam chừng vài tháng rồi sang Australia tiếp tục nghiên cứu về Việt Nam. Anh trở lại Việt Nam năm 1996 và làm việc cho Viện Viễn Đông Bác Cổ từ đó tới nay. Lĩnh vực nghiên cứu của Philippe là lịch sử Việt Nam thế kỷ 19 và 20.

Philippe đã viết một số cuốn sách về lịch sử của Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên. Anh cũng đang làm việc với tỉnh Lào Cai để hoàn thành cuốn catalog về bãi đá cổ Sa Pa và phục chế một số cuốn sách cổ của người Dao. Philippe đang ấp ủ kế hoạch lưu trữ trọn bộ tạp chí Phong Hóa và tuyển tập Hồ Chí Minh, nhưng anh vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tài liệu.

Điều thú vị nhất đối với một nhà nghiên cứu lịch sử như Philippe là có được may mắn chứng kiến sự đổi thay của Việt Nam trong vòng hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, anh vẫn còn trăn trở khi không có những thước phim tư liệu nào về xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 20. Hơn nữa, Việt Nam đang thiếu vắng những bộ phim hay về lịch sử Việt Nam.

Việt Nam quyến rũ tôi

Olivier Tessier đến Việt Nam cách đây 13 năm để làm luận án phó tiến sỹ ngành dân tộc học. Sau đó, anh lại tiếp tục trở lại Việt Nam làm luận án tiến sỹ.

Anh rất say mê với chủ đề nông thôn Việt Nam ngày nay. Những chuyến đi thực địa tới những vùng sâu, vùng xa của Việt Nam như Lai Châu, Hòa Bình cho anh những kinh nghiệm quý giá về ngành mình đeo đuổi.

Trước khi về làm việc cho Viện Viễn Đông Bác Cổ, anh từng tham gia một số dự án nghiên cứu do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam thực hiện. Dự án tái bản cuốn Kỹ thuật của người An Nam là dự án mà Olivier rất tâm đắc.

Ngay từ khi mới bén duyên với ngành Việt Nam học, anh rất trân trọng cuốn sách này và không ngờ có một ngày được tham gia vào việc bảo tồn nó.

Trong vòng một năm rưỡi thực hiện dự án, anh và các đồng nghiệp có những nỗ lực lớn trong việc tìm kiếm bản gốc và phục chế những trang sách in trên chất liệu giấy dó tồn tại một thế kỷ qua. Olivier hy vọng trong tương lai sẽ tiếp tục có một số dự án hay như thế.

Vốn tiếng Việt tốt khiến chàng trai người Pháp này nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam. Anh cho biết: “Việt Nam quyến rũ tôi”. Và một người vợ Việt Nam là sợi dây níu kéo Olivier ở lại mảnh đất này từ bấy tới giờ.

Trong khi tìm kiếm bản gốc cuốn Kỹ thuật của người An Nam, Olivier và Philippe  phát hiện thêm một điều thú vị. Đó là cuốn Kỹ thuật của người An Nam gồm hơn 4.000 bức vẽ và được in thành 700 trang. Họ tình cờ phát hiện ra trang 701 bên cạnh trang 700.

Điều này cũng trùng hợp với những suy đoán trước đây là tác giả cuốn sách, Henry Oger, còn có một cuốn sách chừng 230 trang nữa, cũng là tranh khắc nhưng với chủ đề đa dạng hơn.

Sau khi tái bản cuốn Kỹ thuật của người An Nam ngày 20/5 tại Hà Nội, hai người sẽ tiếp tục làm việc với một số trường đại học trên thế giới mà họ nghĩ đang còn lưu giữ những bản thảo này để tập hợp và cho tái bản.

MỚI - NÓNG