Chạy thận tại nhà: Niềm vui cho bệnh nhân suy thận

Chạy thận tại nhà: Niềm vui cho bệnh nhân suy thận
TP - Hơn 200 bệnh nhân suy thận mạn tại Khoa Thận - Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai) vừa được lọc màng bụng tại nhà thay vì đến bệnh viện, mở hy vọng mới giảm gánh nặng tài chính cho hơn 70 nghìn người cần lọc máu.

Trước đây bệnh nhân bị suy thận mãn phải gắn bó cuộc đời với bệnh viện.

Nhưng hiện nay nhờ phương pháp lọc màng bụng liên tục (thẩm phân phúc mạc) thực hiện tại nhà, những bệnh nhân này chỉ cần tới bệnh viện một tháng một lần.

Đây là một trong những giải pháp giúp những bệnh nhân bị suy thận sống ở xa các trung tâm y tế hiện đại có thể cải thiện sức khỏe của mình.

Bệnh nhân P.T.L (48 tuổi, Nam Định) bị bệnh suy thận mãn. Những ngày ở viện để chạy thận nhân tạo thực sự vất vả vì hai con còn nhỏ cần người chăm sóc, cửa hàng bán vật liệu xây dựng thiếu người trông.

Chi phí một ca phẫu thuật đặt Catheter  thường khoảng  ba đến năm triệu đồng tùy theo kỹ thuật mổ và loại thiết bị. Sau đó mỗi tháng chi phí  cho dịch lọc, thuốc và vật tư tiêu hao khoảng 7-8 triệu đồng. Bệnh nhân tham gia bảo hiểm y tế sẽ được chi trả cơ bản.

Lo lắng chuyện xa gia đình một thì nỗi lo về chi phí ăn uống, ở trọ, thuê người trông nom bệnh nhân trong những ngày nằm viện chạy thận nhân tạo còn nặng nề hơn nhiều lần.

Sau khi được các bác sĩ phẫu thuật đặt ống Catheter tại vùng bụng để giúp chị có thể trực tiếp lọc máu tại nhà chứ không phải đến bệnh viện ba ngày một tuần như trước đây, chị L bớt đi nhiều nỗi lo nên ăn ngủ tốt hơn, tăng được bảy cân.

TS Đinh Thị Kim Dung - Trưởng  khoa Thận - Tiết niệu (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết, những bệnh nhân suy thận mãn, các chất độc không thể thải ra ngoài cơ thể khiến các độc tố trong máu tăng.

Do đó những bệnh nhân này thường được chỉ định ghép thận, chạy thận nhân tạo. Nhưng những cơ sở y tế hiện đại có đủ trang thiết bị để chạy thận nhân tạo rất ít nên phương pháp lọc màng bụng sẽ góp phần chống quá tải cho các bệnh viện.

Với kỹ thuật lọc màng bụng, bệnh nhân sau khi được thực hiện các kỹ thuật ban đầu tại bệnh viện, thay vì một tuần phải đến bệnh viện ba lần để chạy thận nhân tạo, có thể tự lọc máu tại nhà. Hàng tháng bệnh nhân đến bệnh viện kiểm tra định kỳ một lần.

TS Dung cho biết thêm, lọc màng bụng cũng có tác dụng như chạy thận nhân tạo. Với chạy thận nhân tạo, bác sĩ phải dùng màng lọc nhân tạo. Trong phương pháp thẩm phân phúc mạc, màng bụng (lớp mỏng lót mặt trong ổ bụng) được sử dụng để lọc các chất độc và điều chỉnh nước-điện giải và thăng bằng kiềm-toan cho cơ thể.

Nhờ phương pháp này, máu được lọc liên tục trong ngày. Ưu điểm của phương pháp này là giúp các sinh hoạt của bệnh nhân được chủ động hơn so với chạy thận nhân tạo tại bệnh viện.

Điều trị tại nhà giúp loại trừ nguy cơ lây nhiễm chéo HIV, viêm gan siêu vi B, C giữa các bệnh nhân như ở chạy thận nhân tạo. Với phương pháp lọc màng bụng, bệnh nhân không phải thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt như khi lọc máu bằng các phương pháp khác, ít xảy ra biến động huyết áp và không cần sử dụng kim tiêm.

Phương pháp được áp dụng cho mọi lứa tuổi, đặc biệt đối với trẻ em, người bị các bệnh lý tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp, huyết áp. Phương pháp lọc máu màng bụng được áp dụng cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối (từ độ ba).

Khi điều trị bằng kỹ thuật này, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật đặt Catheter tại vùng bụng. Dịch lọc sẽ được đưa từ ngoài qua ống Catheter vào ổ bụng. Sau khoảng bốn giờ trong ổ bụng, các chất độc trong máu sẽ thẩm thấu qua các mạch máu màng bụng vào dịch lọc.

Sau khi hút các chất độc trong cơ thể, dịch lọc chứa các độc tố sẽ được thải qua ống nhỏ đã được đặt cố định. Tiếp đó, bệnh nhân thực hiện quy trình mới bằng cách đưa dịch lọc sạch vào ổ bụng và lại thải ra sau bốn giờ. Lượng dịch lọc đưa vào ổ bụng khoảng hai lít mỗi lần, mỗi lần 30 phút và mỗi ngày sẽ thực hiện bốn lần.

Ngoài việc giúp bệnh nhân điều trị tại nhà, phương pháp lọc màng bụng còn giúp duy trì chức năng thận lâu hơn, giảm nguy cơ mất máu hơn so với chạy thận nhân tạo, quá trình lọc máu diễn ra liên tục nên bệnh nhân ổn định, tránh hội chứng mất thăng bằng…

Theo các bác sỹ, phương pháp lọc màng bụng phải thực hiện trong môi trường vô trùng, nếu không, bệnh nhân rất dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt là viêm phúc mạc dễ gây tử vong, hoặc bệnh nhân bị tắc Catheter, lúc đó sẽ phải chuyển sang chạy thận nhân tạo.

Các bác sĩ cho biết trong quá trình lọc máu tại nhà nếu bệnh nhân thấy có các biểu hiện bất thường như dịch lọc chảy ra đục, dịch hơi hồng, sốt, đau bụng, đi ngoài hoặc dịch vào và ra chậm, không như bình thường phải báo ngay cho nhân viên y tế theo dõi để làm theo hướng dẫn và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Phương pháp lọc màng bụng không được chỉ định đối với bệnh nhân bị viêm phúc mạc có dính, chấn thương chảy máu ổ bụng, sẹo mổ cũ vùng bụng ảnh hưởng nhiều đến phúc mạc, bệnh thận đa nang, thận quá to, tình trạng thần kinh không tỉnh táo, suy tim, suy hô hấp nặng.

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 10.000 bệnh nhân mới mắc suy thận mạn. Tuy nhiên tỷ lệ điều trị còn rất thấp, hiện cả nước có trên 70.000 người bệnh cần được lọc máu nhưng chỉ có khoảng 5.000 người được đáp ứng. Số bệnh nhân còn lại không được điều trị hoặc từ bỏ điều trị và tử vong.
MỚI - NÓNG