Cần lập cơ quan dự báo kinh tế quốc gia

Cần lập cơ quan dự báo kinh tế quốc gia
TPO - Theo ông Lê Văn Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, công tác dự báo kinh tế của Việt Nam chưa được chú ý đầu tư cả về con người, vật chất nên kết quả dự báo không chuẩn. Để tránh những thiệt hại cần lập cơ quan dự báo kinh tế quốc gia.
Cần lập cơ quan dự báo kinh tế quốc gia ảnh 1

TS Trần Du Lịch. Ảnh: Thục Quyên

Trao đổi với Tiền phong,  ông Dung cho rằng chất lượng dự báo về kinh tế của Việt Nam còn rất thấp. Mỗi dự báo so với sự vận động thực tiễn còn khác nhau xa.

Trong hai năm qua, bên cạnh việc dự báo yếu còn có tác động của yếu tố khách quan là sự suy giảm kinh tế thế giới tác động vào khiến Quốc hội phải điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng, CPI.

Mỗi lần điều chỉnh này làm cân đối không ổn định, ảnh hưởng trong quá trình điều hành. Trong thời gian tới không chỉ nhà nước mà các cấp các ngành, cả xã hội phải làm công tác dự báo. Chỉ tính riêng việc đưa ra được các dự báo chính xác về đồng tiền hay dự báo về giá cả thế giới sẽ mang lại hiệu quả rất lớn. Nó giúp chúng ta lựa chọn đồng tiền nào để dự trữ, cơ cấu dự trữ tiền ra sao, giá dầu ra sao....

Liên quan đến những dự báo kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 do các tổ chức, hiệp hội đưa ra trong thời gian vừa qua, ông Dung cho rằng ông hoài nghi về những dự báo này.

Theo ông, việc đưa ra các thông tin không chính thống sẽ tạo ra các dư luận gây ảnh hưởng, làm méo thị trường thậm chí sẽ ảnh hưởng đến việc điều hành chung. Hiện có nhiều cơ quan làm dự báo. Tuy nhiên Nhà nước nên chỉ đạo và có cơ quan chính thức công bố những thông tin về dự báo để tạo ra định hướng.

Cũng cần thông tin để một số lĩnh vực có thể cho phép họ dự báo để người dân có thể so sánh xem cơ quan, đơn vị, tổ chức nào dự báo tốt hơn. Nếu nơi nào nhiều lần dự báo tốt thì thương hiệu, ảnh hưởng của dự báo do nơi đó đưa ra sẽ được tín nhiệm. Khi đó các cơ quan làm dự báo bắt buộc phải xem lại mình và sẽ có quá trình phối hợp tốt hơn.

“Việt Nam cần lập ra cơ quan chuyên trách làm công tác dự báo và công bố nhưng đồng thời cũng có một số cơ quan làm dự báo mang tính chất ngành, nghiệp vụ để lấy cơ sở làm đối chiếu”- Ông Dung đề xuất.

Chất lượng dự báo kinh tế: Bị xem nhẹ

Trong cuộc trao đổi gần đây với Tiền phong, TS Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cũng thừa nhận công tác dự báo kinh tế và cả dự báo của các ngành đặc thù thời gian vừa qua đều cho kết quả không tốt, thậm chí là dự báo sai, dẫn đến những ảnh hưởng đối với nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.

Điều này một phần là do hiện chưa có quy định liên quan đến trách nhiệm của dự báo và kết quả cuối cùng của các dự báo thường không có ai chịu trách nhiệm. “Nếu người hoạch định chính sách dựa vào dự báo, mà dự báo đó sai thì người dự báo phải chịu trách nhiệm. Phải có nghị định của Chính phủ quy định rõ việc này”- Ông Ân đề nghị.

Liên quan đến công tác thống kê trong dự báo kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng với thống kê trong xuất nhập khẩu hiện nay đề nghị cần chú ý khi sử dụng vàng đưa vào thống kê. Nếu là vàng khai thác thì phải đưa vào sản lượng công nghiệp còn nếu là vàng nữ trang thì đưa vào sản phẩm hàng hóa còn vàng thỏi thì tính trong cung tiền, trong phần ngoại tệ chứ không tính trong kim ngạch xuất nhập khẩu. Việc đưa vàng vào tính trong thống kê xuất nhập khẩu sẽ làm “loãng” các con số.

Theo TS Lịch, công tác thống kê hiện chưa được chú trọng. Điển hình có thể được thấy rõ qua kết quả thống kê về lao động. Chính phủ đưa ra “chỉ tiêu” 1,5 triệu việc làm nhưng không biết đây là việc làm mới do đầu tư tạo ra không hay là số lượt người giải quyết việc làm. Nếu là số giải quyết việc làm thì phải trừ số mất việc làm đi.

MỚI - NÓNG