Dàn nhạc dân tộc tái xuất: Có nên không?

Dàn nhạc dân tộc tái xuất: Có nên không?
TP - Dàn nhạc Dân tộc VN với 70 người chủ yếu là giảng viên và sinh viên khoa Âm nhạc Truyền thống-Học viện Âm nhạc Quốc gia vừa có buổi diễn ra mắt, khiến không ít người yêu quý sự thuần khiết văn hóa, nghệ thuật các dân tộc tự hỏi làm như thế có nên không.

Buổi ra mắt tại Nhà hát Lớn Hà Nội mở đầu bằng ba bài nhạc cung đình Huế chuyển soạn cho dàn nhạc. Bên cạnh một số tác phẩm quen thuộc Nông thôn đổi mới (Tạ Phước- Tô Vũ), Tiếng sáo trên nương (Hồng Thái), Chung một niềm tin (Xuân Khải), dàn nhạc dân tộc còn chơi một tác phẩm Trung Quốc. Tốp đàn tranh trình diễn tác phẩm Nhật Bản. Dàn nhạc quy mô lớn thế này chưa từng tồn tại trong truyền thống cổ nhạc Việt Nam.

Dàn nhã nhạc Cung đình Huế (được công nhận Di sản Nhân loại năm 2003) chỉ có biên chế 8-12 nhạc công. Tuy nhiên, Dân tộc Việt Nam hoàn toàn không phải dàn nhạc nối tiếp truyền thống này. Ngoài hình thức dân tộc của các nhạc cụ, dàn nhạc được xây dựng chủ yếu trên cơ sở dàn nhạc giao hưởng phương Tây.

* Hình thức hòa tấu dàn nhạc dân tộc với quy mô lớn từng nở rộ trong những năm 1960, với các dàn nhạc Đài tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam...

* Đáp ứng yêu cầu ngoại giao, đối ngoại về văn hóa quốc tế là một trong những động cơ ra đời của Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam.

Nhạc trưởng Phạm Ngọc Khôi:  “Một dàn nhạc dân tộc quy mô gắn liền sự quảng bá hình ảnh đất nước. Văn hóa và du lịch song hành.”

Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam (chính xác hơn nên gọi là Giao hưởng - Dân tộc Việt Nam) chấp nhận sáu cây cello và contre-bass để đảm bảo phần bè trầm (các dàn nhạc dân tộc nhỏ hơn thường dùng guitar-bass).

Ngoài ra, tất cả nhạc cụ dân tộc, kể cả đàn tam thập lục mượn của Trung Quốc, đều được lên dây theo thang âm bảy cung của phương Tây.

Nhạc trưởng Phạm Ngọc Khôi nói rõ: “Nhạc cụ  ta đang dùng chỉ năm cung, không có hệ thống cromatic theo tiêu chuẩn của thế giới(?). Gần đây có cải tiến nhưng chỉ được phần nào”.

Như vậy, nhạc cụ vốn truyền thống Việt Nam còn tiếp tục được cải tiến để chơi nhạc Tây hay hơn.

Nhấn mạnh sự khác biệt của dàn nhạc dân tộc, nhạc trưởng Phạm Ngọc Khôi: “Truyền thống nghìn năm để lại là một bài dân ca mỗi người hát một khác. Ăn thua là cái ngân nga, hơi thở, là cái khó nhất”.

Đây quả là thách thức khi tất cả các cây đàn dân tộc (cùng bộ theo đúng kiểu giao hưởng phương Tây) sẽ phải chơi cùng một giai điệu, nhấn nhá y như nhau. Nghĩa là từng cây đàn sẽ phải triệt tiêu khả năng nhấn nhá, ngân nga của riêng mình. Cách đánh ngẫu hứng trên một lòng bản vốn phù hợp với âm sắc uyển chuyển, luyến láy của nhạc cụ Việt. Nay chẳng hạn tất cả các cây nhị chơi cùng một giai điệu cũng khó có thể tạo ra được một sự đồng âm hoàn chỉnh như violon. Sự chênh lệch này sẽ thấy rõ khi chơi lại các tác phẩm phương Tây.

Sau khi chỉ huy dàn nhạc dân tộc chơi Rhapsody số 2 - Nguyễn Văn Thương sáng tác cho t’rưng và dàn nhạc giao hưởng - nay chuyển soạn cho dàn nhạc dân tộc, nhạc trưởng Phạm Ngọc Khôi khẳng định: “Dàn nhạc giao hưởng đánh thế nào thì dàn nhạc dân tộc đánh y hệt thế! Việc trình diễn tác phẩm này cho thấy bước tiến rất lớn của chúng ta về trình độ đào tạo”. 

Những tác phẩm như Rhapsody số 2 viết cho nhạc cụ dân tộc độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng đã kết hợp được thế mạnh độc tấu của nhạc cụ truyền thống trên nền của dàn nhạc giao hưởng.

Cha ông từng xây dựng các dàn nhạc chèo, tuồng, tài tử-cải lương, nhã nhạc  cung đình... Có lẽ đây là những dàn nhạc nên được đặt lên hàng đầu nếu nói đến sự quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước. Vậy liệu giới thiệu văn hóa đặc thù của một quốc gia có nhất thiết cần tới số lượng lớn nhạc công - hơn là chất lượng âm thanh, sự nguyên gốc, độc đáo và riêng biệt của âm nhạc?

Việc đầu tư cho dàn nhạc Dân tộc Việt Nam phải chăng là giải quyết đầu ra về đào tạo của khoa Âm nhạc Truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam? Không nên vì thế mà bỏ quên nét độc đáo vốn có của các dàn nhạc thực sự dân tộc.

MỚI - NÓNG