Gợi ý lời giải đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn

Gợi ý lời giải đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn
TPO - Tiền Phong xin giới thiệu một số gợi ý lời giải đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn sáng nay, 2/6.

>> Hơn triệu thí sinh dự thi

Đề thi môn Ngữ văn Giáo dục Trung học phổ thông

PHẦN CHUNG CHO TẤT CẢ THÍ SINH (5,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Trong truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn, khách ở quán trà nhà lão Hoa đã bàn về những chuyện gì? Hãy cho biết điều nhà văn muốn nói qua những chuyện ấy.

Câu 2 (3 điểm)

Anh/ chị hãy viết một bài văn ngắn (không quá 400 từ) phát biểu ý kiến về tác dụng của việc đọc sách.

PHẦN RIÊNG (5 điểm)

Thí sinh học chương trình nào thì chỉ được làm câu dành riêng cho chương trình đó (câu 3.a hoặc 3.b)

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)

Phân tích giá trị nhân đạo của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài (phần trích trong Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục – 2008).

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)

Phân tích vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông? Của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục – 2008).

GỢI Ý LỜI GIẢI

Câu 1: Bài làm cần có 3 ý chính sau:

1. Giới thiệu vài nét về tác giả - tác phẩm:

- Tác giả: Lỗ Tấn (1881 - 1836) là nhà văn lớn có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học Trung Quốc nửa đầu thế kỷ XX.

- Tác phẩm Thuốc là truyện ngắn tiêu biểu của Lỗ Tấn, đăng lần đầu tiên trên tạp chí Tân thanh niên số 5/1919, là bức tranh thu nhỏ về xã hội Trung Quốc tối tăm cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX.

Tác phẩm được đánh giá như một “tiếng thét để an ủi những người chiến sĩ” và để cảnh tỉnh tinh thần nhân dân, truyền cho họ ý chí nghị lực bước vào giai đoạn đấu tranh mới.

2. Câu chuyện của những người khách trong quán trà nhà ông bà Hoa Thuyên:

- Bàn về cái chết của người tử tù Hạ Du và cho rằng anh ta là kẻ “điên rồi”.

- Bàn về việc ông Hoa Thuyên mua được chiếc bánh tẩm máu người tử tù.

- Bàn về hiệu quả của liều thuốc được truyền tụng trong dân gian chữa bệnh lao bằng bánh bao chấm máu tươi của người.

3. Điều nhà văn muốn nói qua những chuyện ấy:

- Phê phán tuyệt đại bộ phận nhân dân Trung Hoa thời kỳ ấy ngu muội, lạc hậu, như đang “ngủ say trong một cái nhà hộp bằng sắt không có cửa sổ”; xã hội Trung Quốc là một “con bệnh trầm trọng” đòi hỏi một liều “thuốc” mới, cần phát quang một “con đường” mới.

- Tỏ thái độ đau xót, tiếc thương cho người chiến sĩ chiến đấu hy sinh cho quần chúng mà quần chúng “ngu muội quá đỗi” không hiểu. Cùng với ý nghĩa trên, tác giả đưa ra tư tưởng chủ đề của tác phẩm: cần có liều “thuốc” mới chữa căn bệnh rời rã của quốc dân.

Câu 2: Có thể tham khảo những luận điểm chính sau đây:

- Tác dụng của việc đọc sách:

+ Cung cấp thông tin và kiến thức về mọi mặt.

+ Giáo dục, nâng cao khiếu thẩm mĩ, phát triển trí tuệ. Đọc sách là khát vọng của mọi người trong việc chinh phục tri thức.

+ Bồi dưỡng đạo đức, tình cảm, hoàn thiện bản thân và góp phần xây dựng đất nước.

- Vai trò của sách trong thời đại thông tin nghe - nhìn: khẳng định các phương tiện thông tin nghe – nhìn đang phát triển ngày nay không thể thay thế được hoàn toàn cho việc đọc sách.

Câu 3.a.

Kiểu bài phân tích tác phẩm văn học, cụ thể là phân tích theo định hướng của đề.

Phân tích giá trị nhân đạo của một tác phẩm văn học: Trả lời câu hỏi "Trong tác phẩm này, nhà văn tố cáo, lên án ai, việc gì, đồng thời thông cảm, bênh vực, ca ngợi ai, việc gì?"

Cần giới hạn phạm vi bài làm trong phần đầu của truyện Vợ chồng A Phủ: Từ khi Mị bị bắt làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra đến khi cùng A Phủ trốn chạy khỏi Hồng Ngài.

Thân bài được triển khai theo hai yêu cầu về nội dung.

 A. GIÁ TRỊ HIỆN THỰC (phần không trọng tâm)

- Cuộc sống bị áp bức, số phận người lao động miền núi thời thuộc Pháp

- Bộ mặt tàn bạo của bọn phong kiến miền núi

B. GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO (phần trọng tâm)

Tập trung tố cáo, vạch trần tội ác của những thế lực đã chà đạp lên quyền sống của con người.

Nhìn thấy những phẩm chất tốt đẹp của con người lao động và tập trung biểu dương ca ngợi những phẩm chất ấy.

Thấu hiểu và thông cảm sâu sắc tâm tư, tình cảm cũng như những ước mơ, nguyện vọng của những người bị chà đạp.

Có thể nói cả ba phương diện trên đây đều được thể hiện sinh động và sâu sắc trong tác phẩm. Bộ mặt tàn bạo của bọn chúa đất - phong kiến mà tiêu biểu là cha con thống lí Pá Tra đã được phơi bày.

Câu 3.b.

I. Giới thiệu: tác giả, tác phẩm, vẻ đẹp hình tượng dòng sông qua bút pháp tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

II. NỘI DUNG CHÍNH: (thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách, nhưng phải đảm bảo những ý chính sau đây)

Tác phẩm ca ngợi vẻ đẹp sông hương ở nhiều góc độ: từ thượng nguồn tới khi qua kinh thành Huế; từ tự nhiên, lịch sử văn hoá, nghệ thuật.

1. Vẻ đẹp sông Hương ở thương nguồn:

- Ở đấy ta gặp một dòng sông đẹp, mạnh mẽ được ví như “cô gái Digan phóng khoáng và man dại”, sông như bản trường ca; sông như cơn lốc, sông như cô gái Di gan và nâng lên thành vẻ đẹp cao cả: “người mẹ phù sa”

- Tác giả tăng vẻ đẹp cho dòng sông bằng nghệ thuật nhân hoá.

2. Vẻ đẹp sông Hương trước khi về kinh thành Huế:

- Hương giang như “người gái đẹp nằm ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại”

- Dòng sông mềm như tấm lụa (hình dáng)

- Sớm xanh, trưa vàng, chiều tím (màu sắc)

- Trôi chậm như mặt hồ yên tĩnh (dòng chảy)

Tất cả đều đó tạo nên một vẻ đẹp trầm mặc, như triết lí như cổ thi.

Khi dòng sông chảy vào thành phố, tác giả có những phát hiện độc đáo về sông  Hương.

3. Vẻ đẹp sông Hương chảy về đồng bằng và ngoại vi thành phố

Nó mang vẻ đẹp như chiều sâu hồn người:

Như xa lâu ngày gặp lại cố nhân kinh thành thân yêu nên sông Hương “vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của cùng ngoại ô Kim Long”.

+ Cảm xúc như trào dâng, dòng sông chợt mềm hẳn đi, say đắm lạ thường “như tiếng vâng không nói ra của tình yêu”

+ Dòng sông như lưu luyến lúc rời xa kinh thành, Nó tựa như một “nỗi vấn vương” và cả “một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”.

Lối so sánh tài tình và nhân cách hoá độc đáo làm người đọc ngây ngất và tâm hồn thăng hoa theo dòng sông đa tình như một khách hào hoa phong nhã .

4. Vẻ đẹp khác của sông Hương:

- Dòng chảy lịch sử.

- Dòng chảy của văn hoá và thi ca.

- Dòng sông đi vào đời thường “nó trở về với cuộc sống bình thường, làm một cô gái dịu dàng của đất nước”.

III. Kết luận:

- Sông Hương được cảm nhận với nhiều góc độ, bằng bút pháp tài hoa và văn phong mềm mại, tạo nên đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của kinh thành.

- Đó là những phát hiện thú vị của tác giả, giúp chúng ta thêm tự hào và yêu đất nước.

* Bạn đọc cũng có thể xem gợi ý lời giải môn Ngữ văn trên báo Tiền Phong số ra ngày mai, 3/6.

Tiến sĩ Trần Ngọc Hồng
Giảng viên Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TP.HCM

Gợi ý lời giải của giáo viên trung tâm hocmai.vn

Câu 1: Học sinh cần nêu được các ý sau:

Giới thiệu về tác giả Lỗ Tấn và truyện ngắn Thuốc, trong đó đặc biệt lưu ý quan điểm sáng tác đúng đắn, tích cực mà nhà văn đã đề xướng (văn học “cải tạo quốc dân tính”).

Những chuyện mà khách ở quán trà nhà lão Hoa đã bàn:

- Chuyện về chiếc bánh bao tẩm máu tử tù mà họ coi là thuốc chữa bệnh.

- Chuyện về nhân vật người cách mạng Hạ Du.

- Chuyện về các nhân vật quần chúng (cụ Ba, cả Khang,…).

Dụng ý của nhà văn qua những câu chuyện tại quán trà:

o Phê phán thái độ xa rời quần chúng của người cách mạng đến mức để quần chúng bán đứng mình (đau đớn nhất là chính người thân - cụ Ba bán đứng người cách mạng - Hạ Du).

o Phê phán sự mê muội, thái độ hờ hững của quần chúng với lí tưởng cứu nước cao đẹp.

Câu 2: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần nêu được các ý sau:

Sách là gì?

Vai trò của sách? (làm giàu có, phong phú đời sống tinh thần của con người; giúp con người sống đẹp hơn,…).

Đọc sách như thế nào?

Gắn với ý thứ 2 và ý thứ 3, học sinh liên hệ trực tiếp với kinh nghiệm đọc sách của bản thân.

PHẦN RIÊNG (5,0 điểm)

Câu 3.a: Học sinh có thể trình bày luận điểm theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần đảm bảo nêu được các ý sau:

1. Giới thiệu về tác giả Tô Hoài và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

2. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”:

Cảm thông với số phận đau khổ, cực nhục, tăm tối của người lao động vùng cao Tây Bắc.

Phê phán các thế lực cường quyền (thực dân, chúa đất) và thần quyền đã gây ra đau khổ cho đồng bào miền núi Tây Bắc.

Phát hiện và ngợi ca sức sống bất diệt, khát vọng tự do của người lao động.

3. Đánh giá:

Khẳng định giá trị nhân đạo độc đáo và sâu sắc của truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

Giá trị nhân đạo là hạt nhân làm nên vị trí văn học sử của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” và tầm vóc tư tưởng của nhà văn Tô Hoài.

Câu 3.b: Học sinh có thể trình bày theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần nêu được các ý sau:

1. Giới thiệu về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

2. Vẻ đẹp của hình tượng sông Hương:

- Vẻ đẹp của sông Hương ở khúc thượng nguồn (trong quan hệ với dãy Trường Sơn): vẻ “phóng khoáng và man dại” của một cô gái Di-gan. Đó là phần hoang sơ, dữ dội, đầy mê hoặc của dòng sông.

- Vẻ đẹp của sông Hương khi ở ngoại vi thành phố (gắn với nhiều địa danh khác nhau - các địa danh mà chỉ nhắc tới người ta đã cảm nhận biết bao tầng sâu văn hóa, văn hiến): sông Hương ở đây mang vẻ đẹp của cội nguồn văn hóa xứ sở.

- Vẻ đẹp của sông Hương khi chảy vào thành phố (theo dòng chảy địa lí và dòng chảy văn hóa).

3. Nghệ thuật xây dựng hình tượng sông Hương: biện pháp nhân hóa với những liên tưởng phá cách, độc đáo, gợi cảm; ngôn ngữ giàu có, sắc sảo, tinh tế,…

4. Việc miêu tả dòng sông với vẻ đẹp riêng, ở nhiều góc độ khác nhau thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của Hoàng Phủ Ngọc Tường đồng thời chứng tỏ một phong cách tùy bút tài hoa.

Một số nhận xét về đề thi:

Đề thi năm nay chủ yếu kiểm tra kiến thức ở phần văn xuôi nên nếu học sinh nào “lỡ” học tủ thơ, bỏ qua văn xuôi sẽ “dở khóc dở cười”.

Các yêu cầu nêu ra tương đối rõ ràng, ngắn gọn, bám sát cấu trúc đề thi theo quy định của Bộ tuy nhiên cũng đòi hỏi các em phải nắm thật chắc tác phẩm mới làm được.

* Bạn đọc cũng có thể xem gợi ý lời giải này trên trang web: www.hocmai.vn.

Đỗ Thị Thúy Dương
Giáo viên Hocmai.vn

MỚI - NÓNG