Khi người trẻ làm nghề biên kịch

Khi người trẻ làm nghề biên kịch
TP - Viết kịch bản hiện là công việc đang cuốn hút nhiều bạn trẻ, nhưng đằng sau công việc có vẻ ngoài hấp dẫn này là gì? Cuộc chuyện trò với ba nhà biên kịch thuộc thế hệ 8X: Hà Thủy Nguyên, Huệ Ninh và Ngô Thị Hạnh phần nào giải đáp câu hỏi này.

Khó khăn gì khi làm công việc này? Những thuận lợi nữa chứ? Điều thú vị, bất ngờ trong công việc này là gì?

Hà Thủy Nguyên (HTN):

Bất cứ một người viết có trách nhiệm nào cũng thấy một điều: làm kịch bản phim ở Việt Nam cũng rất khó.

Nguồn tài chính đầu tư vào phim eo hẹp, nên chính tác giả kịch bản cũng phải tính hộ đạo diễn xem là như thế nào để ít chi phí nhất. Ngoài ra, ý thức làm việc nhóm của người Việt Nam rất kém. Nên khi lên phim, chính tác giả kịch bản cũng không nhận ra đó là kịch bản của mình.

Khi người trẻ làm nghề biên kịch ảnh 1
Ngô Thị Hạnh

Ngô Thị Hạnh (NTH):

Điều thú vị trong công việc này là càng viết càng cảm thấy yêu quý nhân vật mà mình tạo ra, sau khi nhân vật đó lên màn ảnh, người biên kịch còn thú vị và bất ngờ hơn.

Đôi khi khóc vì sung sướng nhưng đôi khi cũng phải... chửi thề…

Tôi làm việc theo nhóm, nên khi sáng tạo tình huống hoặc nhân vật đều có thảo luận, rất vui và thú vị, đôi lúc cãi nhau, đôi khi mừng quá ôm nhau reo hò trong buổi họp.

Tôi cảm thấy thú vị vì khi tham gia với các bạn làm phim, tôi học được rất nhiều điều. Kỷ luật thép đối với thư kí trường quay, sự căng thẳng của phòng dựng khi phim sắp phát sóng, các bạn diễn viên học thoại do mình ngẫu hứng viết ra…

Khi người trẻ làm nghề biên kịch ảnh 2
Huệ Ninh

Huệ Ninh (NH): Người viết kịch bản không chỉ cần có tố chất của một nhà văn, nhà báo, mà phải có vốn kiến thức tổng hợp về cả nghệ thuật, lẫn khoa học.

Bên cạnh đó, còn cần một sức khỏe dẻo dai của “thợ cày” để ngồi hàng ngày, hàng tháng, hàng năm bên máy vi tính, hoặc “ngốn” khối lượng sách khoa học “vật vã”, cùng một lòng kiên nhẫn, tự chủ để đối mặt với những rủi ro.

Nhưng điều khó nhất, vẫn là phải vừa sáng tạo vừa phải hoàn thành tác phẩm đủ chất lượng, dung lượng và đúng thời điểm mà nhà sản xuất yêu cầu.

Những thú vị nho nhỏ xảy tới khi mình thoả mãn với một tình huống chợt nảy ra trên cái sườn định sẵn, người viết kịch bản có được sự say mê, hào hứng với thế giới trong câu chuyện của mình.

Quá trình làm nghề bạn làm được gì, đã trải qua những gì?

HTN: Sau bộ phim “Vòng nguyệt quế” (Đạo diễn Mai Hồng Phong), viết về giới nhà văn, nhà thơ. Hiện tôi đang viết bộ phim “Tiếng hót chim họa mi”, với hi vọng bóc trần phần nào những mảng tối của giới âm nhạc.

NTH: Tôi từng tham gia với nhóm Thiên Thư để hoàn thành kịch bản “Gia tài bác sĩ” – Nguyễn Minh Cao làm đạo diễn, HK sản xuất, MT picture đầu tư và giữ bản quyền. Phim nói về tình yêu, gia đình và công việc của những người làm bác sĩ. Hiện tôi đang cùng nhóm Nắng Sài Gòn hoàn thành một vài kịch bản truyền hình nhiều tập khác.

Tôi một mình viết phim nhựa “Đầm một đêm” (nhưng chưa có đầu ra). Đây là câu chuyện huyền thoại kể về tình yêu giữa Chử Đồng Tử và Tiên Dung. Song song với tình yêu này là tình yêu của một phóng viên nữ thời hiện đại.

HN: Tôi viết một vài kịch bản phim truyện nhựa, được đầu tư của Cục điện ảnh và của Hội điện ảnh: “Viên ngọc quí” về vùng biển Hạ Long, “Ngược dòng” về một vùng sông nước, nhưng vì nhiều nguyên nhân chưa được bấm máy.

Chán và “đói” nên tôi phải chuyển sang viết văn, viết báo, hòng “lấy ngắn nuôi dài”, sau đó tham gia vài dự án phim dài tập nhưng đứng tên người khác. Gần đây, tôi mới được làm nghề, nhưng “ôm” toàn kịch bản dài với đề tài cả đương đại, cả thời cũ nên chưa được bấm máy.

Xin bạn kể vài chuyện vui vui về công việc của mình? Liệu bạn có muốn làm công việc này lâu dài không?

NTH: Những chi tiết mình sáng tạo trong phim có thể khiến nhóm làm phim cực khổ nhiều ngày. Ví như trong phim “Gia tài bác sĩ”, nhóm biên kịch nghĩ ra, một gia đình chim xinh đẹp có thể là người bạn rất tốt để khiến nhân vật chính trong phim (bác sĩ Hạnh) thể hiện tâm trạng.

Gia đình chim được đưa vào thực hiện, từ lúc hai chim bố mẹ yêu nhau đến khi chim con chào đời. Rồi đến khi chim cha chết. Một nhóm phải lo đi tìm chim, về quê tìm chim con, rồi khi chim cha chết, không muốn giết chim nên cho nó uống rượu (hi vọng đến say như chết), ai dè chim không chịu “chết”, càng say chim càng nhảy và hót nhiều. Cuối cùng, đành phải bẻ cổ chim. Các bạn trong nhóm đạo cụ dở khóc dở cười…

HN: Nhiều lúc đang buồn kinh khủng một chuyện gì đó thì tôi lại phải viết tình huống hài, có khi cô đơn vời vợi nhưng phải hình dung đủ cảnh lãng mạn yêu đương, đủ trò quyến rũ mồi chài, tới khi mình tự thuyết phục bản thân, tự kéo mình vào thành người trong cuộc, rồi thì sau đó tự trào!

Và đấy là điều thú vị nhất để tôi dấn bước trong nghề này. Nó khiến tôi tự chủ trong mọi tình huống, giúp thoát khỏi sự đơn điệu, nhạt nhoà của cuộc sống thường nhật.

Song, với sự cực nhọc mà nó đòi hỏi, tôi cũng tỉnh táo xác định rằng mình chỉ có khả năng yêu nó, vì nó hết mình khi tuổi còn trẻ, sức còn khoẻ mà thôi. Một mai, tuổi già ập tới, sự sáng tạo cùn mòn, sức khoẻ suy kiệt, em biết mình chỉ còn cách thổi niềm đam mê chiếm lĩnh sự khó nhọc này cho các bạn trẻ đi sau.

Để làm được nghề này thì cần những gì? Việc học trong trường SK - ĐA, việc đã từng viết báo, sáng tác truyện ngắn có giúp được gì không?

HTN: Nghề biên kịch cần rất nhiều điều kiện: Năng khiếu, vốn sống, nắm bắt kỹ thuật, khả năng hợp tác…Được đào tạo trong trường sẽ giúp các biên kịch nắm bắt nhanh các kỹ thuật viết phim hơn là tự học.

Nhưng những người viết báo, sáng tác truyện… lại có lợi thế hơn ở vốn sống và khả năng sáng tạo ý tưởng. Mà với việc làm nghệ thuật, ý tưởng là tối quan trọng.

NTH: Việc viết truyện ngắn trước đây giúp tôi rất nhiều khi xây dựng tính cách nhân vật cũng như sáng tạo những chi tiết cho phim. Viết kịch bản phim cần nhất là sự kiên trì, tinh thần học hỏi và tài viết “chữ”.

Đôi khi ngồi trên máy tính chẳng viết được gì. Nghề này cần có óc tư duy của một người quay phim – quay gì, hình ảnh nào sẽ gây chú ý và đọng lại khi xem…

H.N: Nếu không qua trường, người viết sẽ phải nỗ lực rất lớn và rất chật vật trong quá trình tự học. Đương nhiên, sự tiếp thu ở trường được đến đâu lại phụ thuộc vào từng cá nhân.

Viết báo và sáng tác truyện ngắn, với nhiều biên kịch là điều hoặc khó, hoặc không muốn làm; với tôi nó là sự tương hỗ đắc lực. Từ việc viết kịch bản chuyển sang viết ngắn như báo, truyện ngắn dễ hơn, không bị tắc bút, kiếm tiền nhanh hơn, nuôi sống được bản thân để leo tiếp “con dốc” kịch bản.

Việc viết báo sẽ giúp việc viết kịch bản được cập nhật thời thế, gần gũi đời sống hơn; viết truyện ngắn giúp việc luyện bút, và bổ sung vốn văn học sâu sắc hơn.

Nếu nhận xét bằng một câu về các kịch bản phim dài tập Việt Nam hiện nay thì câu đó là gì?

HTN: Đó là “dễ đoán”. Phim Việt Nam hay đi vào các lối mòn trong xây dựng tính cách nhân vật và phát triển tình huống. Mọi sự cách tân, đổi mới thường dễ vấp phải những sự chống đối gay gắt.

Tình huống câu chuyện thường không được đẩy đến tận cùng mâu thuẫn và không được phát triển tự nhiên đúng với tâm lý nhân vật. Vì vậy, người xem lúc nào cũng thấy thiếu thiếu, tiếc tiếc.

NTH: Cần đầu tư nhiều hơn cho kịch bản. Đề tài làm phim hiện nay hầu hết dựa vào nhà sản xuất cần gì, và khi nhà sản xuất cần, thì phải làm gấp rút.

HN: Cũng như thơ, như truyện ta có cả một rừng cây nhưng chưa có cây cao bóng cả.

Lê Anh Hoài
thực hiện

MỚI - NÓNG