Viết kịch bản: Dễ ăn ?

Viết kịch bản: Dễ ăn ?
TP - Trong giới viết gần đây xì xào: viết kịch bản phim truyền hình “trúng” lắm. Người ta nói viết kịch bản dễ sống hơn viết văn và viết báo. Vậy thu nhập thực sự của nghề này như thế nào? Có rủi ro gì không?

Trong bối cảnh vô số đài cần phim truyền hình để phát, những nhà sản xuất kêu ca “thiếu kịch bản trầm trọng”, một số nhà báo cũng ghé vào lĩnh vực viết kịch bản truyền hình như tác giả kịch bản “Nữ bác sĩ” - một phóng viên báo Phụ nữ TPHCM...

Hàng loạt các nhà thơ trẻ như Khương Hà, Ngô Thị Hạnh, Nguyệt Phạm, Như Trân, Lê Thùy Vân... hiện đang tham gia biên kịch (BK).

Nguyễn Thu Phương (TPHCM, tốt nghiệp khoa đạo diễn sân khấu) nổi lên với những phim Công ty thời trang, Phiên chợ số...).

Ngoài các cây viết độc lập, cũng đã xuất hiện hàng loạt các nhóm viết (Lưỡng Hà Song Thủy, SGr 21, Sói con, Dã quỳ...), các công ty mua bán kịch bản, ý tưởng phục vụ cho các hãng phim (như Cty “Thằng Mõ” của Trần Cảnh Đôn, Cty Scripts của Nguyễn Quang Lập).

Với Hà Thủy Nguyên nổi đình đám (cả khen và chê) với bộ phim “Vòng nguyệt quế” (phát sóng trên VTV1) con đường đến với nghề, theo chị là cơ may! Sau khi xuất bản cuốn “Điệu nhạc trần gian”, bất ngờ, đạo diễn Lưu Trọng Ninh gọi điện hỏi chị có muốn viết kịch bản phim truyền hình không.

Chị bắt đầu tham gia nhóm “Sói con” và viết những tập kịch bản đầu tiên cho bộ phim “Đi về phía mặt trời” (phát sóng trên HTV9). Với Huệ Ninh thì khác, chị vốn là con nhà nòi, có bố là dân viết kịch bản sân khấu kỳ cựu, bản thân học chuyên văn từ nhỏ, từng đoạt giải quốc gia văn và sớm quyết đi vào nghề khi thi vào trường Sân khấu Điện ảnh.

Mỗi năm, hai trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lại “ra lò” một khóa BK mới. Rồi mới đây, khoa Văn học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn mở thêm lớp đào tạo lý luận và BK do quĩ Ford tài trợ.

Nhưng vẫn rất nhiều người được đào tạo nhưng không (thể) theo nghề, ngược lại, có những BK không được đào tạo chuyên nghiệp nhưng cũng theo đuổi nghiệp làm phim.

Nhà BK trẻ Như Trân cho hay: “Nếu có lực viết thì nghề BK kiếm được thu nhập khá hơn nhiều nghề khác”. Vũ Liêm – một nhà BK trẻ khẳng định “Một BK chuyên nghiệp thậm chí có thu nhập cao hơn một đạo diễn chuyên nghiệp”. Thật ra, đây là một nhận xét lạc quan, vì trong nghề ai cũng biết BK bị phụ thuộc rất nhiều vào đạo diễn, và đạo diễn đa phần lại là người được quyết, được chi tiền.

Viết kịch bản là sáng tác trong khuôn khổ, là viết cho đông đảo khán giả, viết để cho các bộ môn nghệ thuật khác cùng tham gia  chứ không thể thoải mái thể hiện cá tính sáng tác của mình như viết văn, không thể trực diện bộc lộ quan điểm của mình như làm báo.

Kịch bản là nghệ thuật tổng hợp, người BK cần phải am hiểu nhiều lĩnh vực như văn học, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh… Sự thành công của nó phụ thuộc vào rất nhiều thành phần khác nữa.

Hà Thủy Nguyên cho biết: Viết kịch bản dễ sống hơn viết văn thì chắc chắn rồi, còn viết báo thì có thu nhập đều đặn hơn, nhưng viết kịch bản lại có khả năng nhận được khoản tiền lớn một lúc. Một năm, mỗi BK chỉ có thể viết được khoảng 30 tập phim.

Mỗi tập phim của VFC khoảng 5 triệu/tập. Khoản tiền thu được từ một bộ kịch bản cũng đủ sống cho cả năm. Thế nhưng cái nghề này cũng lắm rủi ro. Tình trạng bị nợ tiền kịch bản hoặc bị xà xẻo không phải ít. Có nhiều trường hợp các hãng phim tư nhân có cách đối xử với BK rất bất công.

Một bộ kịch bản được gửi đến, hãng để biên tập sửa, biên tập sửa bao nhiêu phần trăm thì được nhận tiền kịch bản bấy nhiêu phần trăm, số còn lại là cho tác giả kịch bản. Mà con số phần trăm này cũng rất khó xác định, người viết bị áp đặt cũng phải chịu.

Ngô Thị Hạnh thì chia sẻ: Viết kịch bản phim truyền hình là công việc dài hơi. Với một kịch bản phim truyền hình dài tập, số tiền mà tác giả kịch bản nhận được cũng khá nhiều.

Nhưng cái khó là công việc không ổn định, nếu thời gian ngưng giữa phim này và phim kia kéo dài thì thu nhập cũng không cao. Có những phim khó, có thể kéo dài đến cả năm trời, thì nhuận bút chỉ có thể nuôi sống được người viết thôi.

Rủi ro trong nghề rất cao. Nghề viết kịch bản rất phụ thuộc vào nhà sản xuất và nhà đầu tư. Một tác phẩm nhiều công phu nhưng chưa được đưa vào sản xuất hoặc bị trục trặc phải bỏ thì coi như công không, trừ khi tác giả đó đã kí với nhà sản xuất và đã nhận được 1/3 số tiền nhưng trường hợp này rất ít. Có kịch bản tốt nhưng đạo diễn tồi, diễn viên kém, hoặc người duyệt không hợp gu thì kịch bản cũng chỉ “ngâm” đấy.

Một nhà BK trẻ cay đắng kể chuyện hồi mới vào nghề, đã hào hứng gửi kịch bản tới một đạo diễn danh tiếng. Nhận được lời khen từ đàn anh, nhưng rồi kịch bản dần rơi vào quên lãng. Thật ra, đó còn là điều tốt, bởi nhiều kịch bản không bị quên nhưng lại tái xuất giang hồ dưới cái tên người khác.

Nhiều kịch bản bị ăn cắp ý tưởng. Việc đăng ký bản quyền đã được nhiều công ty thực hiện, nhưng hiệu lực rất thấp. Như kịch bản “thiên thần áo trắng” của một nhà BK trẻ đã bắt tay vào viết từ mấy năm nay, nhưng khi nộp cho hãng thì cứ bị lùi thời gian bấm máy vì nhiều nguyên nhân.

Đùng một cái, một hãng phim phía Nam tuyên bố bấm máy bộ phim có cái tên y trang. Việc khiếu nại, kiện cáo chỉ đem lại một việc, hãng phim kia đăng ký tên phim với cái tên thêm đúng một chữ: “Những thiên thần áo trắng”. Vậy là xong!?

Huệ Ninh ngậm ngùi: Thuyền to thì sóng to, một kịch bản với thời gian đầu tư nhiều và lắm công phu mà bị đổ thì là cả một sự hẫng hụt với người biên kịch.

Mà rủi ro thì muôn hình vạn trạng: do mối quan hệ và công tác PR kém mà kịch bản không thể lọt lưới, do người duyệt ở các cửa sóng không thích gu với kịch bản (mà mỗi cửa sóng lại chuộng một gu truyện phim riêng, có khi trái ngược nhau); hoặc do chuyện hơi cũ, hơi lạ, hơi ngắn… cũng có thể bị “out” như thường.

Có người viết được kịch bản nhưng loay hoay khổ sở với một truyện ngắn không xong và vô cùng khó có khả năng viết báo hay những dạng văn khác. Ngược lại nhiều nhà văn, nhà báo không thể viết được kịch bản dù đã thử hoặc cố công học hỏi.
MỚI - NÓNG