Quốc hội thảo luận về đề án đổi mới tài chính GD&ĐT:

Thời điểm tăng học phí chưa chín muồi

Thời điểm tăng học phí chưa chín muồi
TP - Thảo luận tại hội trường hôm qua về đề án đổi mới cơ chế tài chính trong GD&ĐT giai đoạn 2009-2014 (đề án), có ý kiến đề nghị lùi thực hiện tăng học phí, nghiên cứu thêm vì thời điểm này tăng chưa chín muồi.

Đánh giá cao tính nhân văn của đề án đối với các bậc học mầm non và bậc học phổ thông, nhưng đại biểu Võ Đình Tuyến (Bình Phước) cho rằng, khung học phí đối với đại học là quá cao so với sức chịu đựng của từng gia đình.

Việc lấy lý do trượt giá để tăng từ 180.000 đồng/tháng đối với học sinh hiện nay lên 500.000 đến 800.000 đồng/tháng vào năm 2014 là chưa thuyết phục. Việc tăng học phí khiến các gia đình và học sinh chịu tác động hết sức nặng nề, nhất là đối với học sinh ở các tỉnh xa.

Phản biện sâu hơn, ông Tuyến cho rằng, so sánh trong đề án về tỷ lệ thu học phí của chúng ta rất thấp so với Nhật, Anh, Pháp, Mỹ... là không phù hợp. Chúng ta là đất nước định hướng XHCN thì tỷ lệ học sinh học ở các trường công lập phải ngày càng tốt hơn và học phí phải ngày càng giảm hơn.

“Đề án cần phải nghiên cứu kỹ hơn và có thể thực hiện vào những năm sau, ít nhất cũng là năm 2010 hay năm 2011”- Ông Tuyến đề xuất.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đặt câu hỏi: “Đưa ra đề án vào thời điểm giá cả tăng, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn như hiện nay đã chín muồi chưa?”. Để con em được đến trường, ngoài học phí, phụ huynh còn phải đóng góp nhiều khoản khác, có chứng từ hoặc không có chứng từ.

Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bức xúc: “Tình trạng lãng phí thất thoát, tiêu cực trong hoạt động giáo dục đào tạo vẫn còn rất lớn, đụng vào đâu cũng thấy có vấn đề”. Theo ông Cuông, nếu ngành GD&ĐT  quản lý tốt theo hướng công khai minh bạch sẽ tiết kiệm được ngân sách và giảm sự đóng góp của nhân dân, góp phần tăng chất lượng đào tạo.

Theo phân tích của ông Cuông thì sự so sánh “năm 2006 chi phí bình quân cho một học sinh, sinh viên ở nước ta chỉ bằng 1/10 của Đức và Nhật, bằng 1/16 của Mỹ” trong đề án là rất khập khiễng, một chiều vì “không nêu GDP bình quân đầu người của họ cao gấp mấy chục lần nước ta”. “Cần có thêm thời gian để chuẩn bị cho chu đáo hơn”- Ông Cuông kiến nghị.

Nên miễn học phí bậc học mầm non

Thời điểm tăng học phí chưa chín muồi ảnh 1
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời phỏng vấn của các phóng viên 

Đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) cho rằng, chúng ta mới thu hút được khoảng hơn một nửa số học sinh ở bậc học mầm non đến lớp, vậy mà đề án lại nêu ra quan điểm, nếu không thu học phí thì tất cả sáu triệu học sinh sẽ ra lớp.

“Tôi nghĩ cách viết này trong đề án khó thuyết phục. Mục tiêu của chúng ta là mọi học sinh, nhất là ở bậc học mầm non, phải được đến trường, trong khi chúng ta lại lo sợ một nửa số học sinh này đến trường. Đây là tư duy tôi nghĩ cần phải xem lại” - Ông Toàn nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Toàn (Thừa Thiên - Huế) thì cho rằng, cần giảm chi ngân sách cho giám sát nghề nghiệp thay vào đó mở rộng diện cho vay để học tập. “Phải giảm tới mức thấp nhất học phí ở bậc học phổ thông hoặc miễn hẳn đóng góp đối với giáo dục mầm non mới là  hợp lý”- Ông Toàn đề nghị.

GS Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) dẫn chứng cụ thể hơn: “Đầu tư mầm non chỉ còn thiếu có 5.374 tỷ đồng. Vậy thì làm gì đến nỗi tất cả các trường đại học, trung cấp và 90 phần trăm trường phổ thông công lập phải ngừng hoạt động. Nhà nước cần cố gắng không nên cắt giảm kinh phí cho ngành mầm non để các trường này không đến nỗi phải ngừng hoạt động như đề án nêu”.

Tính toán miễn giảm học phí chưa chuẩn

Theo đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau), đề án nêu cơ sở tính học phí mà lại tính từ túi người ta để ra tiền thu thì không phải. “Cứ tính giật lùi thế thì sai rồi. Mà tính một hồi thì số người được miễn giảm học phí đang từ 44 phần trăm lại xuống còn 25 phần trăm ở miền núi, 15 phần trăm ở nông thôn và 10 phần trăm ở thành thị là không ổn”-Ông Lợi khẳng định.

Trước những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân  thay mặt cơ quan soạn thảo cho biết đề án đổi mới cơ chế tài chính của Chính phủ nhằm tìm hai cái khâu đột phá để làm sao sử dụng kinh phí hiệu quả hơn đồng thời tăng được nguồn lực của Nhà nước và nhân dân cho giáo dục.

Theo Phó Thủ tướng, số liệu của Tổng cục Thống kê về chi phí học tập của gia đình cho thấy bình quân năm 2002 chi cho giáo dục của dân là 6,1 phần trăm, năm 2006 chi 6,4 phần trăm và năm 2008 là 6,6 phần trăm. Như vậy thực tế nước ta bình quân chi cho giáo dục đã trên sáu phần trăm một chút.

Về vấn đề có thể miễn học phí cho trung học cơ sở không, Phó Thủ tướng cho biết hiện nay ngân sách còn hạn chế, chúng ta chưa miễn được, sau này chúng ta thu xếp được nguồn thì cũng có thể miễn được.

Khép lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, để phù hợp với thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ, dự kiến Quốc hội sẽ ra nghị quyết về chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD&ĐT đưa ra thông qua vào cuối kỳ họp, chứ không phải thông qua đề án.

Theo Bộ GD&ĐT, hiện có khoảng 20 tỉnh đã gửi khung học phí dự kiến cho Bộ GD&ĐT. Ở Lạng Sơn nếu áp dụng phương pháp này thì khu vực thành phố sẽ đóng góp nhiều hơn từ 2.000 đến 25.000 đồng/tháng, còn ở các vùng thị trấn, miền núi thì giảm hơn từ 10.000 đến 14.000 đồng/tháng.

Tại Thanh Hóa, có năm vùng để tính học phí, theo đó, khu vực thành phố, thị trấn đồng bằng thì đóng cao hơn hoặc bằng mức cũ; ba vùng còn lại thì như cũ và nhà nước hỗ trợ thêm...

MỚI - NÓNG