Ẩm thực vực ca trù: Ca trù còn hay mất?

Ẩm thực vực ca trù: Ca trù còn hay mất?
TP - Sở dĩ ca trù được người Việt yêu mến, và thế giới trân trọng vì tinh thần của bộ môn nghệ thuật này. Nay bị tước mất phần tinh túy, ca trù liệu có sống?

Đọc bài "Ẩm thực có vực nổi ca trù", không khỏi tự đặt câu hỏi: Nếu ca trù phải nương vào chuyện ăn uống như vậy để sống, và "có thể đem đến từng nhà nếu được yêu cầu. Giá mỗi phần ăn từ 50.000đồng đến 100.000đồng" thì có còn là ca trù nữa không, hay phải gọi bằng tên khác, tỷ dụ ca đám chẳng hạn.

Việt Nam vừa trình lên UNESCO hồ sơ ca trù, đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ gấp. Vậy, di sản nào bán có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng, lại được mang tận nhà, mà cần bảo vệ khẩn cấp. Nếu có, thì đây là di sản văn hóa rẻ nhất thế giới.

Ca trù được ví như loại hình ca nhạc thính phòng của Việt Nam trong tương quan với nhạc thính phòng phương Tây. Theo Goethe, nhạc thính phòng phương Tây, nhất là khi được trình diễn bởi tứ tấu bộ dây, là cuộc trò chuyện lý tính của nhóm bốn người. Còn ca trù khi biểu diễn được coi như cuộc trò chuyện cảm xúc của nghệ sĩ và người thưởng lãm.

Phông văn hóa nâng đỡ nhạc thính phòng phương Tây là văn hóa duy lý đầy ắp cấu trúc. Còn phông văn hóa nâng đỡ ca trù là duy cảm và giao tình của người Việt. Nay tước mất phông nâng đỡ này đi, mà thay bằng chuyện ăn uống? Khi đó, lễ mở xiêm áo ra nghề của ca nương có cần thay bằng tên khác như mở chảo, mở nồi?

Người xưa gọi lễ ra nghề của ca nương là lễ mở xiêm áo chứ không phải mở giọng, mở lời để nhắc nhở, cần thưởng lãm ca trù như một vẻ đẹp tổng thể, toàn bích thông qua hình ảnh mở xiêm áo của người đẹp còn e ấp, không chỉ tập trung vào âm nhạc thuần túy. Còn nay khi thưởng lãm ca trù lại chỉ chăm chắm vào tô phở và bát cháo lòng?

Nghệ thuật trở thành kiệt tác khi đẹp và có tư tưởng. Ca trù còn đi xa hơn thế. Bên cạnh vẻ đẹp của ca từ, trang phục, không gian trình diễn và của chính đào nương, còn luôn phảng phất triết luận biện chứng không thể lặp lại của dòng cảm xúc.

Vậy thì triết luận nào trong tô bún này: Đầy đĩa ốc nhồi ăn những bổ/ Cả tô cua gạch chén càng ngon (bài Riêu cua, bún ốc)?

Tư tưởng nào trong bát cháo lòng này: Thong thả húp quanh ngồi ngẫm nghĩ/ Thòm thèm vét sạch tựa suy tư (Cháo lòng)?

Di sản văn hóa phi vật thể nào cần bảo vệ khẩn cấp trong bát phở này: Phở đích thị ban đầu đâu cần mì chính/ Phở ngon lành, bổ rẻ, người khó tính cũng ăn (Tôi yêu phở)?

Sự ăn uống muốn thành nghệ thuật phải có văn hóa nâng đỡ chứ không có chuyện ngược lại, ăn uống nâng đỡ tư tưởng và nghệ thuật. Đã thế còn khẳng định: "Tất cả thơ, nghệ sĩ hát đã sẵn sàng. Nhà hàng cũng sẵn sàng".

Đại chúng hóa ca trù là việc nên làm, tránh quan niệm cực đoan "phải lịch lãm cả đời mới hiểu được một tiếng phách tre". Song, tầm thường hóa đến độ ấy, e rằng không vực nổi mà có khi còn là cách nhanh nhất để giết chết ca trù. 

Giáp Văn
Từ Liverpool, Anh

MỚI - NÓNG