Đại úy say công nghệ

Đại úy say công nghệ
TP - Tốt nghiệp Khoa Cơ khí - Đại học Bách khoa Hà Nội, sau một năm thử sức tại một số công ty, Lê Đức Hạnh đầu quân về Cty hóa chất 21 - Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, nơi cha mẹ anh từng gắn bó nhiều năm.

Với niềm đam mê công nghệ, những công trình nghiên cứu khoa học kỹ thuật của chàng đại úy trẻ giúp tiết kiệm gần chục tỷ đồng.

“Tôi về đơn vị từ năm 2001, công việc ở đây tuy vất vả nhưng mọi người đều say nghề. Tôi đang ấp ủ một dự án về hệ thống máy dán nhãn kíp vi sai các loại, đang trong giai đoạn chế tạo” - Đại úy Lê Đức Hạnh, phó quản đốc phân xưởng dập – Xí nghiệp Cơ khí tâm sự.  

Ngày đầu về Cty, Lê Đức Hạnh nhận thấy dây chuyền sản xuất của phân xưởng còn một số điểm lạc hậu và thiếu an toàn. Điển hình như khi cấp phôi thủ công, có công nhân bị máy cắt đứt cả bàn tay.

Hay như ở công đoạn tẩy rửa, lao động phải tiếp xúc trực tiếp với hóa chất độc hại.

Sau nhiều ngày tìm tòi phương án cải tiến, đại úy Hạnh mạnh dạn áp dụng những kiến thức đã học vào sáng kiến đầu tay là hệ thống cấp phôi tự động. Mất hơn một tháng mày mò với những bản vẽ trên chiếc máy tính cũ, nhiều đêm thức đến ba giờ sáng, cuối cùng công trình đã hoàn thành.

Năm 2007, trong một chuyến công tác tại châu Âu, khi tham quan một dây chuyền sản xuất, Lê Đức Hạnh nhận thấy nhiều chi tiết hay, gợi cho anh về một sáng kiến cải tiến trên hệ thống máy dập tự động sản xuất đầu đạn thể thao.

Trước đây, mỗi khi làm công việc này, phải cần tới tám công nhân thực hiện thủ công trên máy ép vít quay tay, vừa tốn thời gian vừa lãng phí sức người.

Sau một tháng thử nghiệm, đại úy Hạnh tìm ra phương án tối ưu, dựa trên công nghệ hiện có của đơn vị. Hệ thống mới ra đời có ưu điểm rõ rệt khi vận hành, hiệu chỉnh đơn giản và thuận tiện hơn trước rất nhiều, lại đảm bảo an toàn về cháy nổ, tiếng ồn nhỏ.

Chỉ cần sử dụng hai lao động với một nguyên công trên máy dập đứng trang bị hệ thống tổng lắp bán tự động nhưng năng suất lại tăng hàng chục lần so với trước đây, tỷ lệ hỏng giảm tới năm lần.

Từ khi áp dụng vào sản xuất đến nay, công trình cho ra lò hơn một triệu sản phẩm, tiết kiệm cho nhà nước trên 300 triệu đồng. Giá trị sáng kiến là 100 triệu đồng nhưng giá trị làm lợi đạt gần hai tỷ đồng (tính đến tháng 3/2009).

Đại tá Nguyễn Trí Dũng – Phó Giám đốc Kỹ thuật Cty Hóa chất 21, cho biết: “Đại úy Lê Đức Hạnh được đào tạo cơ bản trong trường đại học, phát huy tính xung kích của tuổi trẻ, có khả năng tổ chức và lôi cuốn thanh niên. Năm 2004, đồng chí Hạnh được giao nhiệm vụ là đội phó đội khoa học kỹ thuật trẻ của đoàn cơ sở công ty. Cuối năm 2008, đồng chí được đơn vị tín nhiệm bầu làm phó quản đốc phân xưởng dập”. 

Tại hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động của đội khoa học kỹ thuật trẻ và đội thanh niên kiểm tra Cty Hóa chất 21 (1999 - 2009), Lê Đức Hạnh là một trong mười cá nhân xuất sắc nhất và là một trong năm gương mặt thanh niên ưu tú đại diện cho Cty tham dự hội nghị điển hình cấp tổng cục năm 2009.
MỚI - NÓNG