Ngọn đèn trước gió - Kỳ I

Ngọn đèn trước gió - Kỳ I
TP - Một số phận đặc biệt, nhưng có thể ngẫu nhiên rơi vào bất kỳ ai trong chúng ta. 18 tuổi, Nguyễn Văn Toán bước vào trường Đại học Thủy lợi. Tuổi trẻ tràn đầy sức sống, ước mơ.
Ngọn đèn trước gió - Kỳ I ảnh 1
Nguyễn Văn Toán bên mẹ những ngày điều trị

Nhưng ước mơ bị số phận chặn lại một cách tức tưởi, khi Toán mới nhập trường vài tháng... Mời bạn đọc theo dõi số phận đặc biệt của Toán qua tự truyện Những ngọn đèn trước gió của anh. Tiền Phong trân trọng giới thiệu, từ số báo này.

Kỳ 1: Thời sinh viên ngắn ngủi

Nhập trường

Ngày nhập trường, anh cả đưa tôi đến làm những thủ tục cần thiết, trường Đại học Thủy lợi thật là đẹp. Trước cổng trường là công viên cây xanh, đi sâu vào bên trong là sân bóng đá với mặt cỏ nhân tạo rồi sân quần vợt, bể bơi. Đi một vòng quanh ngôi trường mà tôi thấy mỏi nhừ cả chân.

Buổi học đầu tiên, chúng tôi được tìm hiểu về ngành học của mình. Lớp tôi có bảy mươi người nhưng chỉ có bốn bạn nữ, có lẽ vì khoa tôi đang theo học là Khoa Kỹ thuật bờ biển, nó phù hợp với các bạn nam hơn.

Nguyễn Văn Toán, sinh ngày 29/3/1989, trong một gia đình sáu anh chị em. Toán là con trai thứ năm. Cha mẹ đều làm ruộng, nhà rất nghèo. Từ khi còn ở tuổi thiếu niên, Toán rất say mê võ thuật. Cũng nhờ biết võ thuật, biểu diễn năng khiếu độc đáo, năm học lớp 12, Khối A1 (dành cho những học sinh xuất sắc) của Trường Trung học Phổ thông B Nghĩa Hưng, Toán giành giải nhất cuộc thi học sinh thanh lịch.

Nhìn bản danh sách lớp tôi thấy đông nhất là các bạn quê ở Thanh Hóa, tiếp theo là Nam Định, tức là đồng hương với tôi. Sau buổi học hôm nay chúng tôi sẽ được học một tuần chính trị đầu khóa, sau đó là một tháng tập quân sự, trước khi chúng tôi vào học chính thức.

Tôi và anh cả tôi trọ ở huyện Đông Anh, cách xa trường hơn chục cây số, cô chú chủ nhà rất tốt với hai anh em chúng tôi, ở đó ít ngày mà tôi có cảm giác thoải mái như ở nhà mình vậy.

Từ nơi tôi trọ đến trường phải bắt ba tuyến xe buýt mới tới nơi. Những tuyến xe buýt từ ngoại thành đi vào trong nội thành bao giờ cũng có rất nhiều hành khách, trên xe lúc nào cũng chật kín người. Hằng ngày, tôi phải dạy từ rất sớm để kịp bắt xe buýt chuyến đầu tiên, chiều về đến chỗ trọ trời đã tối mịt khiến tôi có cảm giác mệt mỏi, đau đầu, người hơi sốt nóng. Cuối cùng thì anh em tôi cũng chuyển đến chỗ trọ mới gần trường tôi học hơn.

Trong thời gian tập quân sự, ban chấp hành Đoàn của trường tôi có tổ chức cuộc thi đấu bóng đá giữa các lớp và lớp tôi hưởng ứng nhiệt tình. Trận đấu đó, tôi được khoác áo cầu thủ của đội tuyển lớp, chiếc áo màu xanh nước biển, lưng áo nổi bật dòng chữ: ĐHTL- 49B (Đại học Thủy lợi - Lớp 49 B). Tôi mang áo số 11, chiếc áo có vẻ hơi rộng so với tôi nhưng tôi rất thích vì mặc nó tôi có cảm giác như mình đã là thành viên chính thức của đội bóng vậy.

Trận đấu vừa mới bắt đầu, tôi tích cực tranh cướp bóng như ai, chạy chỗ. Vừa được một lúc, tôi thấy hoa mắt. Tôi như đứng chôn chân một chỗ không muốn di chuyển chút nào.

Nếu cứ như thế này chắc chắn tôi sẽ bị thay ra cho người khác vào thế chỗ của tôi. Nghĩ vậy tôi quên hết mọi mệt mỏi và lao vào tranh cướp bóng với một bạn cao lớn hơn tôi. Kết quả là tôi bị ngã, nằm xoài trên sân. Khó khăn lắm tôi mới đứng dậy được.

Trận đấu vừa mới bắt đầu, tôi tích cực tranh cướp bóng như ai, chạy chỗ. Vừa được một lúc, tôi thấy hoa mắt. Tôi như đứng chôn chân một chỗ không muốn di chuyển chút nào.

Lúc đó, trước mặt tôi là một khoảng tối màu đen, hai chân run rẩy như muốn ngã khuỵu xuống, ngực tôi như có hòn đá lớn đè lên. Tôi bắt đầu nghi ngờ sức khỏe của mình. Trước đây, hồi còn ở quê, mỗi lần đá bóng là tôi có thể đá khá lâu mà không thấy mệt. Vậy mà vừa rồi suýt chút nữa tôi ngất xỉu ngay trên sân.

Vào viện

Từ đó, hầu như chiều nào tôi cũng sốt nhưng đến tối hoặc cùng lắm là sáng hôm sau là hết nên tôi cũng không lo lắm. Cuối tuần, tôi về quê thăm nhà, thấy tôi da mặt xanh xao, môi hơi tái, mẹ liền hỏi:

- Con ốm hay sao mà lại như thế này?

Tôi trả lời một cách qua loa:

- Chắc là do con tập quân sự mệt nên mới thế, mẹ ạ.

Sáng hôm sau, mẹ đưa tôi đến gặp ông bác sĩ ở trong làng. Trước đây, ông là bác sĩ quân y phục vụ trong quân đội. Ông truyền cho tôi một chai nước hoa quả, một chai đạm và mấy liều thuốc bổ.

Hai ngày sau, tôi lên Hà Nội mà không thấy khỏe lên chút nào. Được một ngày, tôi lại lên cơn sốt. Lần này, tôi sốt có vẻ cao hơn, kéo dài suốt một đêm. Đến sáng, trời mưa to, anh tôi dậy sớm đi tìm bác sĩ. Một lúc sau, anh tôi trở về đưa tôi đến gặp họ.

Sau khi đo nhiệt độ cơ thể, huyết áp, tôi được chẩn đoán là bị sốt do virus. Bác sĩ điều trị cho tôi là một phụ nữ còn trẻ,  đang công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền. Tôi điều trị ở đó được ba ngày nhưng vẫn không cắt sốt. Bác sĩ khuyên tôi nên đi làm xét nghiệm máu.

Anh cả đưa tôi đến bệnh viện Đống Đa làm xét nghiệm máu.

- Máu của em có vấn đề hả anh?- Tôi hỏi sau khi được lấy máu lần thứ nhất.

- Không, chỉ là muốn chắc chắn nên lấy thêm lần nữa thôi- Một bác sĩ nam trả lời.

Tôi bước vào phòng với cảm giác hơi sợ sệt. Nhưng không phải anh gọi tôi vào để thông báo kết quả mà là để lấy máu thêm một lần nữa.

Tôi đoán là mình đã có sự không bình thường về máu. Nếu không, tại sao bác sĩ lại phải xét nghiệm máu của tôi tới lần thứ ba? Tôi đang phân vân thì một bác sĩ nữ khoảng 50 tuổi đến gặp tôi rồi hỏi:

- Cháu quê ở đâu?

- Dạ cháu quê ở Nam Định.

- Thế ở nhà, cháu có hay tiếp xúc với thuốc trừ sâu hay hóa chất không?

- Dạ không ạ.

Bác sĩ không hỏi thêm gì nữa rồi đi vào phòng. Anh cả tôi cầm phiếu kết quả xét nghiệm đến phòng khám bệnh. Tôi vẫn sốt, người mệt mỏi, phòng khám ở ngay trên tầng hai. Bước lên cầu thang mà tôi nhấc chân không nổi, phải nghỉ tới hai lần mới tới được phòng khám. Tới nơi, một chị y tá cầm tờ phiếu kết quả xét nghiệm rồi nói:

- Ôi trời! Anh này sốt nặng rồi, hồng cầu chỉ còn một phẩy bốn triệu thôi.

Cô bác sĩ ngồi gần đó liền hỏi tôi:

- Chắc là cháu bị sốt từ lâu rồi, đúng không?

- Dạ vâng ạ- Tôi trả lời bằng một giọng mệt mỏi.

Chị y tá vẫn tiếp tục làm thủ tục cho tôi nhập viện. Đang viết thì chị quay sang nhìn bác sĩ và nói:

- Ơ, nhưng sao tiểu cầu của anh này chỉ còn ba mươi hả chị?

- Đưa phiếu xét nghiệm đây, tôi xem nào - Bác sĩ yêu cầu.

Vừa xem xong bác sĩ liền nói:

- Không được rồi, không phải là cảm virus đâu. Phải chuyển viện thôi.

Bác sĩ ấy vừa làm thủ tục chuyển viện cho tôi vừa ân cần hỏi han tình hình sức khỏe của tôi. Theo bảo hiểm thì tôi được chuyển đến bệnh viện Thanh Nhàn.

-------------

 Kỳ sau: Nhập viện

MỚI - NÓNG