Bệnh viện mới

Bệnh viện mới
TP- Thứ Tư, ngày 10/10, ngày Giải phóng Thủ đô. Chiếc xe lăn đưa tôi xuống sân của bệnh viện, cùng đi với chúng tôi còn có một y tá. Cô sẽ hướng dẫn cho anh tôi làm những thủ tục khi đến viện mới: Viện Huyết học & Truyền máu Trung ương.

Bệnh viện cao hai tầng, tầng một là khoa C7, tầng hai là khoa C8 và khoa C8A. Trông nó có vẻ đã cũ. Được biết, đây chỉ là cơ sở tạm thời. Bệnh viện mới đang được xây dựng ở Cầu Giấy, có vẻ khá rộng và hiện đại.

Tôi được chuyển vào khoa C8 trên tầng hai. Anh cả phải cõng tôi lên đó vì tôi vẫn còn rất mệt, chưa thể tự đi lại được. Vừa đến cầu thang, tôi giật mình khi nhìn thấy tấm biển ghi: Khoa Ung thư Máu - C8, mũi tên hướng lên trên. Lúc đó, tôi vẫn cố nghĩ: “Nói là Khoa Ung thư Máu, nhưng có lẽ là gồm tất cả những bệnh về máu mà thôi”.

Khoa C8 gồm hai dãy phòng bệnh nhân, một bên dành cho bệnh nhân nam còn một bên dành cho bệnh nhân nữ. Đầu dãy là phòng bệnh khá rộng, có rất nhiều bệnh nhân nằm ở đây.

Mọi người gọi đó là: “Phòng chờ”. Gọi như vậy là vì hầu hết bệnh nhân khi mới nhập viện đều nằm ở đây để chờ kết quả xét nghiệm, khi nào có kết quả mới được chuyển vào phòng bên trong để truyền hoá chất. Còn tôi được chuyển từ Bệnh viện Thanh Nhàn đến đây nên được nằm luôn ở giường số 14, không phải nằm ở phòng chờ nữa.

Bác sĩ Thảo đưa tôi đến giường số 14. Lúc đó, trong phòng có bốn người đang ngồi đánh bài. Thấy bác sĩ đến, tất cả đều giải tán. Họ đều là những bệnh nhân ở đây, trong đó có một chú tầm hơn bốn mươi tuổi, trên đầu chú không có lấy một sợi tóc.

Lúc đầu nhìn chú, tôi có cảm giác hơi sợ sợ. Nhưng khi nhìn kỹ khuôn mặt luôn tươi cười của chú, tôi không còn cảm giác đó nữa. Tôi đoán do thời tiết nóng bức, để tóc sẽ thấy ngứa ngáy, khó chịu nên chú mới làm thế.

Thấy tôi có vẻ để ý đến mái tóc của mình, chú nhìn tôi, nhếch mép cười và nói: “Thuốc nó làm cho thế đấy”. Chỉ với một câu nói ngắn gọn của chú mà khiến cho tôi hết sức hoang mang.

Mọi người gọi chú là Nam. Chú Nam quê ở Bắc Giang, nằm cùng giường với tôi. Bệnh nhân đông nên hầu như giường bệnh nào cũng có hai người nằm. Mỗi phòng có hai giường bệnh, các phòng được ngăn cách bằng một tấm nhựa mỏng.

Chú Nam đang điều trị đợt thứ năm. Còn giường bên cạnh là anh Tiến, đang điều trị đợt bốn và cũng là đợt điều trị cuối cùng. Anh Tiến quê Hà Tây, mới lập gia đình thì bị bệnh. Trông hai anh chị rất hạnh phúc.

Sau này, tôi mới được biết bệnh ung thư máu gồm nhiều thể bệnh khác nhau. Đối với những bệnh nhân bị bệnh ở thể L nói chung, như tôi và chú Nam, phải điều trị bằng hoá chất từ sáu tới bảy đợt. Chỉ khi nào không truyền hoá chất nữa tóc mới mọc trở lại.

Còn đối với những bệnh nhân bị bệnh ở thể M như anh Tiến, chỉ phải truyền bốn đợt hóa chất và từ đợt truyền thứ ba trở đi sẽ không bị rụng tóc nữa.

Cũng trong buổi sáng hôm đó, mẹ và anh hai lên viện để chăm sóc tôi. Anh hai tôi đang làm việc ở thành phố Hồ Chí Minh, chuyển công tác ra Hà Nội khi nghe tin tôi bị bệnh. Chị ba và chị tư cũng sắp về đây để thăm tôi nữa. Vậy là, tôi sắp được gặp lại mọi người trong gia đình.

Lần đầu truyền hoá chất

Giờ thì tôi cũng bớt lo lắng hơn so với ngày đầu tiên đến viện này. Hôm qua tôi đọc trong tờ phiếu siêu âm có ghi bệnh của mình là bạch cầu cấp dòng lympho thể L2. Thế là đã rõ, khoa C8 có tên Khoa Ung thư Máu, nhưng thực ra là gồm tất cả những bệnh về máu.

Chiều nay, y tá The mang đến phòng tôi một chai dịch truyền, mấy lọ thuốc dạng bột màu đỏ và một mũi thuốc tiêm. Chị nói đó là mũi thuốc chống nôn. Sau khi pha thuốc xong, tôi thấy nước trong chai dịch truyền có màu đỏ giống như nước rau dền tía luộc. Tôi hỏi chị:

- Thuốc gì thế hả chị?

- Thuốc bổ đấy - Chị cười nói.

Trước khi truyền, tôi được chị tiêm vào người mũi thuốc chống nôn ấy. Vừa truyền thuốc được một lát, tôi thấy chân tay mỏi rã rời và buồn nôn giống như người bị say tàu, xe.

Mấy người bên ngoài xì xào với nhau rằng tôi đang phải truyền hoá chất. Còn bố và anh cả thì lúc nào cũng khẳng định, đó không phải hoá chất, mà là thuốc kháng sinh liều cao mà thôi.

Tôi biết hai người nói như vậy để cho tôi bớt lo sợ, chứ thực ra ngay từ khi bắt đầu truyền loại thuốc này tôi đã biết đó là hóa chất. Tại bệnh viện này, hóa chất trở nên quen thuộc với không chỉ bệnh nhân mà với cả người nhà nữa. Người ta nói: Ai được nằm ở khoa C8 cũng có nghĩa là phải truyền hoá chất mới có thể chữa được bệnh của mình.

Truyền thuốc được khoảng năm phút thì cánh tay được cắm kim truyền của tôi bị đau rát, một vùng da ở gần đó có màu đỏ giống như bị bỏng. Anh hai tôi chạy đi tìm y tá.

Lát sau, một chị y tá đến rút kim cho tôi và cắm kim truyền ở chỗ khác. Chị còn nói tôi vừa bị chệch ven và phải lấy những lát khoai tây mỏng đắp lên chỗ đó, nếu không, hóa chất sẽ làm ảnh hưởng đến thịt.

Tôi cảm thấy sợ khi phải truyền hoá chất, cảm giác buồn nôn do tác dụng phụ của nó gây ra khiến tôi không dám ăn những món ăn có màu đỏ như cà rốt, rau dền tía luộc.

Mỗi khi nhìn thấy chúng, tôi lại hình dung ra hóa chất, tự dưng trong cổ họng tôi như có cái gì đó muốn trào ra ngoài. Thật may, hôm sau, tôi không phải tiếp tục truyền hoá chất nữa.

Chú Nam cho tôi biết, đợt một, tôi phải truyền bốn mũi hoá chất và một tuần chỉ phải truyền một mũi mà thôi. Các đợt điều trị sau đó, cứ đợt hai, đợt bốn và đợt sáu tôi được truyền những loại thuốc giống nhau. Còn hoá chất mà tôi phải truyền trong đợt ba giống đợt năm và bảy.

Tôi đã truyền mũi hoá chất đầu tiên vào ngày thứ sáu. Vậy là thứ sáu tuần sau tôi mới phải tiếp tục truyền hoá chất. Chú Nam bị bệnh giống bệnh của tôi, cách đây ba năm, chú bắt đầu bị bệnh và đã được truyền hai đợt hoá chất theo phác đồ điều trị cũ. Hai năm sau, bệnh của chú tái phát và chú đang được điều trị theo phác đồ mới.

Trực tiếp điều trị cho tôi là bác sĩ Khánh - Phó Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, một người tâm huyết với nghề, gần gũi với bệnh nhân. Hai trợ lý là bác sĩ Hùng và bác sĩ Thảo. Hầu như ngày nào các bác sĩ cũng đi thăm bệnh nhân và căn dặn nhiều điều.

 Kỳ sau: Những người bạn mới

MỚI - NÓNG